Thị trường game di động Việt Nam tăng trưởng mạnh
Vài năm trở lại đây, hàng triệu người mê trò chơi điện tử ở Việt Nam đã dần rời bỏ cửa hàng internet để chuyển sang các trò chơi trên điện thoại di động. Thời gian tới, khi mạng 4G ngày càng được phủ sóng rộng rãi trên cả nước, thị trường trò chơi trên điện thoại di động càng hứa hẹn sẽ tăng trưởng mạnh.
Chỉ từ đầu năm tới nay đã có 4 game điện thoại thuộc thể loại bắn súng trực tuyến được ra mắt tại Việt Nam, tất cả đều thuộc các nhà phát hành tên tuổi trong nước.
“Sau các cuộc đua game nhập vai, game MOBA (trò chơi mang tính chiến thuật và đồng đội) thì giờ đây người chơi lại bắt đầu đổ dồn sự chú ý vào sự bùng nổ của các game bắn súng trên điện thoại. Sản phẩm nào tạo ra nhiều sự khác biệt nhất và đáp ứng đúng thị hiếu của game thủ sẽ dẫn đầu cuộc đua”, đại diện Công ty VTC Game – nhà phát hành sản phẩm Phục kích Mobile cho biết.
Tại Việt Nam, hoạt động sản xuất và phát hành game di động vẫn còn là một ngành nghề khá mới mẻ. Sau một vài thành công hiếm hoi như hiện tượng Flappy Bird, giới làm game di động tại Việt Nam vẫn nỗ lực sản xuất nhiều thể loại, chinh phục thị trường trong nước và quốc tế.
Song song với việc các nhà phát hành game lớn của Việt Nam liên tục nhập về các game của nước ngoài sản xuất, cũng có không ít game Việt Nam được bán ra thị trường quốc tế. Chẳng hạn game bắn súng Crazy Rambo Defense được làm hoàn toàn tại Công ty DFT Việt Nam nhưng lại được tải về nhiều nhất từ các nước châu Mỹ như Mexico, Brazil, Argentina; game bắn súng Chiến binh CS của Joy Entertainment đã được phát hành ở thị trường trong nước, và xâm nhập thị trường Thái Lan thông qua nhà phát hành bản địa.
Một hướng phát triển khác của các công ty game Việt Nam là chuyên làm outsource (xây dựng nền tảng game) rồi bán ra nước ngoài. Các công ty này thường cũng nhận gia công và làm lại game theo yêu cầu của từng thị trường nước ngoài.
Trên toàn thế giới, nếu năm 2013 game di động chỉ chiếm 17,4% doanh thu ngành game (tương ứng 12,3 tỷ USD) thì năm 2016, tỷ lệ này đã đạt 27,8% (khoảng 23 tỷ USD). Theo dự đoán của nhiều doanh nghiệp trong ngành, thị trường game di động Việt Nam sẽ tăng trưởng gấp 4 lần trong vài năm tới, đạt giá trị hơn 914 triệu USD vào năm 2020.
Đón đầu cơ hội này phải kể đến các công ty game của Nhật Bản. KDDI – nhà mạng lớn thứ nhì Nhật Bản đã hợp tác với MobiFone để bán các trò chơi di động tại Việt Nam. Ban đầu, KDDI sẽ tập trung vào việc bán các nội dung giải trí của Việt Nam, nhưng có thể cung cấp thêm các nội dung giải trí Nhật sau khi theo dõi các xu hướng của người dùng.
Một công ty Nhật khác là Fuji Technology (văn phòng chính tại Hà Nội) đã khởi động dịch vụ tải game vào cuối năm ngoái với Ren-Q-Bu!, một trò chơi hẹn hò (dating sim) rất được người Nhật yêu thích.
Vào ngày 27/6 tới đây, công ty dự định phát hành phiên bản tiếng Nhật của trò chơi nhập vai Re: Monster. Fuji Technology cho phép người dùng tải trò chơi miễn phí, và kiếm tiền từ việc bán các vật phẩm trong game. Công ty đang nhắm mục tiêu hơn 500.000 lượt tải trò chơi.
CEO Noriko Kato của Fuji Technology nhận xét: “Hiện nay, nhiều người Việt Nam vẫn thích những trò chơi miễn phí trên điện thoại, tuy nhiên số lượng game thủ Việt Nam sẵn sàng trả tiền cũng đang gia tăng”.
Với đòi hỏi không quá phức tạp, sản xuất game chơi trên điện thoại được coi là cơ hội dành cho nhiều đối tượng tham gia, có thể là doanh nghiệp lớn, có thể là studio game nhỏ hoặc thậm chí là cá nhân. Tuy nhiên giữa hàng ngàn game từ nhỏ đến lớn được đăng tải mỗi ngày trên mạng xã hội, làm sao để khiến khách hàng chơi thử, yêu thích và tiêu tiền là những thách thức không hề đơn giản.
Ước tính, một game trung bình cần phát triển trong 6 tháng, với studio game từ 8 - 10 người, chi phí bình quân để tạo ra sản phẩm ban đầu là trên 500 triệu đồng (chưa tính chi phí vận hành) nhưng quan trọng là nhà sản xuất có đủ lực để duy trì được sản phẩm đó lâu dài và có nhiều người chơi hay không. Với mức chi phí này, đối với những game studio có quy mô nhỏ, nếu không gặt hái được thành công trong khoảng 2 sản phẩm là có thể bị loại khỏi thị trường.
Câm Tú
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn