Cuộc chiến về đêm của những cửa hàng tiện lợi
Thị trường 92 triệu dân, đa phần trẻ, thu nhập đầu người tăng khiến cho thị trường bán lẻ Việt nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Hệ quả, thói quen mua sắm của người Việt đã dần thay đổi, đặc biệt là khi các cửa hàng tiện lợi phát triển mạnh.
Rau củ tươi cho người nội trợ
Chiếc xe bán tải cỡ nhỏ đỗ xịch trước cửa hàng, 6 sọt rau củ quả được chuyển xuống, xếp ngay ngắn ở lối đi vào. Người vận chuyển hối hả giao nhận với nhân viên rồi đi. Rau phải được chuyển đến các cửa hàng từ 19h đến 20h, Nhung – nhân viên của Vinmart+ trên đường Nguyễn Văn Lộc cho biết.
“Thịt và các đồ sống khác được giao lúc 6 giờ sáng cho kịp người mua sắm”, Nhung nói thêm.
Khách đến Vinmart+ thường là những người đã đi làm, về muộn, tạt vào cửa hàng mua thức ăn về để chế biến. Các cửa hàng Vinmart+ đang có chính sách giảm giá 20% cho những sản phẩm này, từ 16h – 19h30.
Chị Thu, 35 tuổi, đang lúi húi chọn rau trong 6 chiếc sọt vừa được chuyển đến. Thường những hôm không kịp đi chợ chị sẽ vào đây mua rau, thịt. “Vinmart+ có rau tươi, và đảm bảo”, chị cho biết. Chị không chọn được miếng thịt nào cho buổi tối này, trên kệ chỉ còn mỗi một hộp.
Vinmart+ gia nhập phân khúc bán lẻ tiện lợi từ năm 2014. Với tốc độ mở cửa nhanh chóng, tính đến nay, Vinmart+ đã có 843 cửa hàng trên khắp cả nước. Tính riêng năm 2016, trung bình cứ mỗi ngày có khoảng 2 cửa hàng Vinmart+ ra đời, tốc độ chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam.
Các cửa hàng của Vinmart+ có quy mô dưới 500m2, được bố trí linh hoạt nằm xen trong các khu dân cư, giúp cho việc mua sắm của khách hàng dễ dàng hơn. Ở những khu có mật độ dân cư cao, có từ 2-3 cửa hàng, cách nhau tầm vài trăm mét.
Điểm nổi bật của hệ thống cửa hàng tiện lợi này là rau tươi, nhờ vào Vineco, phân khúc nông nghiệp của Vingroup. Tuy nhiên, đối với các sản phẩm khác, Vinmart+ chưa có điểm nổi trội khác biệt. Do vận hành theo mô hình khác và đặt ở địa điểm đắc địa với người mua, chi phí của Vinmart+ cao so với các cửa hàng tạp hoá.
Nhộn nhịp cuộc sống đêm với "tiện lợi"
Có chiều dài chưa đến 1,5km nhưng đoạn đường Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân (Hà Nội) dày đặc các cửa hàng tiện lợi. 3 cửa hàng truyền thống mà mỗi cái cách nhau khoảng 1 nhà, mở từ 5 giờ sáng đến 23h30. Đối diện đó, là cửa hàng Vinmart+, mở và đóng từ 6h sáng đến 22h. Không xa đó là 2 cửa hàng bán 24/24h, Circle K nổi bật với tông đỏ, mỗi điểm bán cách nhau vài trăm mét. Đấy là chưa kể đến siêu thị Fivimart và chợ Nhân Chính.
Không khó để lý giải cho mật độ dày đặc, bởi lẽ, trên đoạn đường ngắn 1,5km này, có hơn 10 toà cao ốc đang được sử dụng. Đó là một địa điểm thuận lợi khó lòng bỏ qua đối với các nhà bán lẻ. Dù vậy, cuộc chơi càng về đêm dường như thuộc về Circle K.
Một trong 3 chủ cửa hàng truyền thống cho biết, từ ngày Vinmart+ mở đối diện, ông mở cửa sớm và đóng muộn hơn “đối thủ” từ 1 đến 1 tiếng rưỡi. “Đấy là cách chú cạnh tranh. Mình không theo được mặt này thì phải vượt lên ở mặt khác”, ông cho biết. Đêm muộn, khách chủ yếu đến mua thẻ điện thoại, vài cái bánh. Vắng khách nhưng ông và cô con gái vẫn kiên trì bám trụ. Cạnh tranh về mặt thời gian mở cửa, nhưng khi nhắc đến Circle K cách đó không xa, bán 24/24h, ông lắc đầu cười buồn.
Khoảng sân rộng khoảng 2 – 3 mét trước của các cửa hàng Circle K từ chiều tối đến quá nửa đêm lúc nào cũng gần hết chỗ để xe. Ánh đèn sáng choang, nhạc trẻ được vặn với volume lớn phù hợp với đối tượng chính của cửa hàng – đa phần là những người trẻ tuổi.
Đường Chùa Láng, nơi có tập trung nhiều sinh viên có đến 2 cửa hàng Circle K và 1 Shop&Go. “Lúc nào cũng đông, toàn các bạn trẻ, người vào mua thẻ điện thoại, nhiều nhóm chọn đây là điểm tụ tập, cũng có bạn ra đây học bài vì mát và có Wifi”, Khánh Dương, nhân viên cửa hàng vừa trả lời vừa lấy hàng cho khách. Liên tục, từng tốp bạn trẻ vào cửa hàng, có người đơn giản chỉ mua 1 chai nước rồi ngồi chơi chờ bạn.
Vì mở 24/24h nên nhân viên ở đây có 3 ca làm, mỗi ca 8 tiếng. Một nhân viên khác của cửa hàng, Hà, nói rằng làm việc không vất vả lắm, khá vui, khách trong ngày đến đều và đông nhất là tầm trưa và càng về đêm. Lương của Hà được 3,5 triệu đồng/tháng.
Circle K được thành lập tại Mỹ năm 1951, gia nhập vào thị trường Việt Nam năm 2008, đến nay có 232 cửa hàng. Ông Tony Yang, GĐ Circle K Việt Nam nói với báo chí rằng hệ Circle K tại Việt Nam được đầu tư theo hình thức nhượng quyền. Sau đợt tái cấu trúc đầu năm 2015, Circle K đã phát triển theo định hướng tập trung vào dịch vụ 4F (Fresh-tươi ngon; Friendly-Thân thiện; Fast-Nhanh chóng và Full: đầy đủ).
Theo đó, Circle K đã đầu tư các dịch vụ từ thực phẩm thức ăn nhanh (theo mô hình chế biến tại chỗ, tuỳ theo khẩu vị và nhu cầu thực khách); hình thành các nhãn hiệu nước uống riêng và cung cấp thêm các tiện ích như chỗ ngồi; Wifi miễn phí… nhằm biến nơi đây không chỉ là nơi bán sản phẩm mà còn là nơi hẹn hò, nghỉ ngơi, gặp gỡ của giới trẻ.
“Chính nhờ phục vụ liên tục chính là lý do khiến Circle K trụ và phát triển mạnh tại thị trường Hà Nội. Dư địa thị trường bán lẻ hiện đại tại Việt Nam còn rất lớn”, ông Yan nói.
Hiện Việt Nam đang có khoảng 1.600 cửa hàng tiện lợi, thuộc khoảng 10 thương hiệu lớn. Số cửa hàng này đã tăng hơn 10 lần trong 5 năm qua. Báo cáo của Tổ chức nghiên cứu và đào tạo chuyên về ngành thực phẩm và tạp hoá toàn cầu IGD công bố cuối tháng 3/2017 cho thấyViệt Nam sẽ là thị tường cửa hang tiện lợi tăng trưởng nhanh nhất châu Á vào năm 2021. Theo dự báo, mức tăng trưởng gộp hàng năm là 2 con số trong 4 năm tới, đạt 37,4%, cao hơn Philippines (24,2%) và Indonesia (15,8%).
Cửa hàng tiện lợi đang trở nên phù hợp với lối sống của người Việt Nam hơn bao giờ hết bởi tỷ lệ đô thị hoá nhanh, dân số trẻ tăng nhanh với thu nhập cũng nhanh hơn. Circle K, Vinmart+ và nhiều chuỗi khác đang dần thay đổi thói quen tiêu dùng người Việt.
Đức Minh
Nguồn Trí thức trẻ