Sắp “bội thực” kênh truyền hình?
Với mục tiêu phục vụ khán giả tốt hơn, thu hồi vốn và tạo ra các giá trị gia tăng cho nhà đầu tư và sản xuất, kênh truyền hình sẽ là nơi tiếp tục thu hút mọi phía, nhưng để không rơi vào tình trạng thừa kênh thiếu người xem - vẫn luôn là bài toán khó giải…
“Thay máu” để thích nghi
Trong vòng hơn 10 năm, từ 2007 đến nay, truyền hình có nhiều thay đổi rõ nét. Từ những kênh chuyên biệt, đi sâu vào từng đối tượng khán giả cụ thể, đến nay, các kênh gần như mở rộng độ tuổi khán giả đến mức tối đa, đa dạng hóa thể loại chương trình, và đi tìm những nhà sản xuất game show để tạo nên điểm nhấn, bên cạnh đó là việc đầu tư cho các bộ phim được mua bản quyền từ nước ngoài về cũng là xu hướng cạnh tranh của rất nhiều kênh truyền hình.
Có thể nói, hầu hết kênh truyền hình tại Việt Nam đi theo nhu cầu đa dạng thực tế của khán giả. Nếu như cách đây 5 năm, số lượng chương trình được phát sóng ưu tiên cho Âm nhạc và Phim truyền hình, giờ đây, con số đã chênh lệch hẳn, và thắng thế nghiêng về game show, các chương trình truyền hình thực tế. Cũng có thể vẫn là Âm nhạc, nhưng bản chất chương trình, yếu tố sản xuất và định hướng người xem không còn là thưởng thức âm nhạc đơn thuần, mà là yếu tố giải trí game, tương tác và tạo thành các tập có chủ đề, dramma (kịch, diễn, cảm xúc).
Xu hướng sản xuất này bao trùm hết các kênh truyền hình, đặc biệt là mảng kênh được phát sóng trên hệ thống truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số… Sự thay đổi này dựa trên nhu cầu của người xem, cũng như độ rating theo khu vực phát sóng trong suốt thời gian qua. Một số kênh truyền hình dẫn đầu về sản xuất chương trình game show, có tỷ lệ người theo dõi cao hiện nay là: THVL1 (Truyền hình Vĩnh Long 1), HTV7 (Đài truyền hình TPHCM), VTV3, VTV9 (Đài truyền hình Việt Nam)….
Trước sự cạnh canh ngày càng khốc liệt, “miếng bánh” khán giả thực sự không thể to hơn nếu không muốn nói ngày càng thu hẹp dần, đã có một số kênh truyền hình “thay máu” hoàn toàn để thích nghi với xu hướng làm truyền hình hiện nay.
Thời gian gần đây, khán giả đã thấy kênh HTV3 gần như đã thay đổi từ diện mạo cho tới nội dung phát sóng. Từ một kênh truyền hình khu biệt là khán giả thiếu nhi, HTV đang dần mở rộng đối tượng thiếu nhi của mình. Vẫn chọn đối tượng trọng tâm là thiếu nhi, nhưng sắp tới HTV3 sẽ bắt tay vào sản xuất game show, gần nhất là Thần đồng âm nhạc… cho thấy xu hướng làm game show đã thắng thế trong sự cạnh tranh hiện nay. Hay mới vừa ra mắt, kênh truyền hình tvBlue cũng đầy hứa hẹn khi chuẩn bị ra mắt hàng loạt các phim sitcom tự sản xuất, game show được mang từ Hàn Quốc về, và theo đại diện kênh tvBlue - VTC5, thì tất cả đều độc quyền.
Cuộc chạy đua chương trình giữa các kênh hiện nay đã tạo áp lực “sống còn” về mặt nội dung.
Cuộc chạy đua chương trình giữa các kênh hiện nay đã tạo áp lực “sống còn” về mặt nội dung. Vì vậy, lựa chọn hợp tác nội dung, sản xuất cùng với những nhà sản xuất nội dung lớn và mạnh từ nước ngoài sẽ là một xu hướng nữa của kênh truyền hình. Như tvBlue - VTC5 đã chính thức có đối tác nội dung là CJ Blue (thành viên của tập đoàn CJ E&M Hàn Quốc).
Tuy nhiên, do đặc thù khán giả Việt Nam hiện nay rất khó “định nghĩa cụ thể”, cả ở nhu cầu và độ tuổi tham gia tương tác nên việc cạnh tranh sẽ không đơn giản chỉ là việc chạy theo các loại chương trình thu hút tạm thời.
Bài toán khó giải
Thời gian qua, chúng ta nói nhiều về sự cạnh tranh giữa hình thức nghe nhìn truyền thống và nghe nhìn kĩ thuật số, di động, giữa thị trường băng đĩa truyền thống và các hệ thống cung cấp, kinh doanh nhạc online. Và xu hướng này cũng không nằm ngoài lĩnh vực truyền hình.
Phát triển song song với các kênh truyền hình chính là những kênh phát hành online, trực tuyến, “ông lớn” hiện nay là YouTube. Hiện, để xem lại một chương trình truyền hình khán giả không cần phải trở lại kênh “duy nhất” để xem, mà có thể hoàn toàn lựa chọn “đối tác” kinh doanh của đa số kênh truyền hình hiện nay, đó chính là YouTube, cũng như một số nhà phát triển truyền hình mobile, giải trí di động như FPT, ZingTV… Đây chính là hệ thống tạm gọi là “phân phối” cấp 2 của hầu hết các chương trình truyền hình hiện nay, đặc biệt là game show, cũng mang lại rất nhiều lợi nhuận cho nhà sản xuất.
Tuy nhiên, cũng trong các điều kiện dễ dàng, thuận tiện, nhanh đến với người xem, hệ thống phát hành trực tuyến này đang trở thành yếu tố “cạnh tranh” hoặc đe dọa thực sự với kênh truyền hình, vì với những nhả sản xuất vừa và nhỏ, việc chọn kênh phát hành online như YouTube thì tỏ ra hiệu quả hơn.
Từ hàng loạt các phim sitcom của những nhà sản xuất “tự phát”, cá nhân đến game show lớn cũng chọn online là phương thức đưa đến khán giả nhanh nhất. Mô hình giải trí online sẽ được đầu tư mạnh hơn và nhanh hơn bất kỳ phương thức truyền dẫn nào đến với khán giả hiện nay.
Nhìn thấy những yếu tố cạnh tranh, đã có những kênh truyền hình chọn phương thức phát sóng “song song” để tạo sức hút cho kênh của mình. Như kênh SCTV9 có giờ phát sóng phim TVB song song, hay đây cũng là lựa chọn thu hút của người xem trên tvBlue. Tuy nhiên, yếu tố “song song” chỉ mang tính ước lệ, vì theo đại diện của kênh này, sau khi phát sóng tại Hàn Quốc, 3 tiếng sau, ở Việt Nam mới có thể nhận phim và dịch thuật cũng như qua khâu kiểm duyệt thì phải hơn 3 tuần mới chính thức được lên sóng…
Trong chính sự lớn mạnh, mở rộng không ngừng của các kênh truyền hình, yếu tố cạnh tranh tự đặt ra, đó chính là đổi mới, làm đầy sóng liên tục cũng như làm sao thỏa mãn nhu cầu khán giả ở cả mức độ và tốc độ. Đã có những nhà sản xuất vừa chạy theo kênh truyền hình phổ biến, vừa áp dụng sự thay đổi về “tốc độ” đổi “áo” cho chương trình truyền hình. Tức là chọn một format chuẩn, cái tên tạm gọi là duy nhất và bắt đầu sản xuất theo phiên bản, theo đối tượng khán giả tham gia, và người xem. Vì thế, khán giả có thể thấy Tiếu lâm tứ trụ, Tiếu lâm tứ trụ nhí, Người hát tình ca phiên bản nghệ sĩ, Kịch cùng Bolero...
Một chương trình hay, chất lượng chưa hẳn đã thành công về lượng người xem nếu không được phát sóng trên những kênh truyền hình là lựa chọn “ưu tiên” của khán giả. Chưa kể đến mức độ phủ sóng của các kênh truyền hình, dù là địa phương, truyền hình cáp hay kênh quốc gia, yếu tố thu hút và tạo thành thói quen cho khán giả là điều cực kỳ khó khăn và nan giải cho những nhà sản xuất.
Truyền hình phát triển nhanh đến chóng mặt, có nhiều xu hướng phát triển và tính cạnh tranh cũng không hề thua kém khi đã có những nhà đầu tư nước ngoài “bước chân” vào sân chơi truyền hình…
Huyền Minh
Nguồn Báo Lao Động