Trong khó khăn vẫn có nhiều cơ hội
Hội thảo do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phối hợp cùng Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM và Học viện YUP tổ chức
Thông điệp “vẫn còn nhiều cơ hội” mà các doanh nhân gửi đến các bạn trẻ đang khát khao khởi nghiệp trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, đã tiếp thêm động lực để các bạn củng cố quyết tâm trên con đường khởi nghiệp của mình.
Tâm thế người khởi nghiệp
"Tìm được người cùng chí hướng và đưa ra được lợi thế cạnh tranh trong lúc này góp phần rất quan trọng vào sự thành công trong khởi nghiệp" - Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh
"Tâm thế của người khởi nghiệp chính là phải sẵn sàng thích ứng với những thay đổi " - Ông Lý Trường Chiến
"Trong khó khăn, nhiều công ty có xu thế tìm cách liên kết với nhau để cùng tồn tại và họ phát triển tốt " - Ông Vũ Minh Trí
"Khi trẻ thường chúng ta rất máu lửa, nghĩ là làm. Vì thế có ý tưởng thì nên làm ngay, đừng chần chừ để sau này không nuối tiếc " - Ông Lê Hồng Minh
"Người khởi nghiệp cần phải có tinh thần doanh nhân cao độ, trách nhiệm với Tổ quốc và tinh thần hội nhập thế giới " - Ông Đặng Lê Nguyên Vũ
Chia sẻ với hơn 300 bạn trẻ có mặt tại hội thảo, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, chủ tịch HĐQT- tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên, nhắc đi nhắc lại cái chính là “tâm thế của người khởi nghiệp”. Ông còn đưa ra “công thức khởi nghiệp thành công bền vững” để mọi người cùng bàn thảo.
“Khởi nghiệp cần phải có tính độc lập, tự chủ và nuôi dưỡng khát vọng thành công. Bên cạnh đó cũng phải xem gia đình là điểm tựa".
Tâm thế được xác định là vị trí đứng thứ nhất trong công thức ấy. “Khởi nghiệp cần phải có tính độc lập, tự chủ và nuôi dưỡng khát vọng thành công. Bên cạnh đó cũng phải xem gia đình là điểm tựa".
"Người khởi nghiệp cần phải có tinh thần doanh nhân cao độ, trách nhiệm với Tổ quốc và tinh thần hội nhập thế giới. Bản thân cũng phải xác định năng lực lõi: đó chính là niềm đam mê, dấn thân. Sau đó bạn cần xây dựng thương hiệu, phải hiểu người tiêu dùng và đối thủ của mình là ai, để làm sao người tiêu dùng chọn bạn mà không chọn đối thủ”- ông Vũ chia sẻ. Ông cũng cho rằng: “Khi có ý tưởng bạn đã có một nhưng kế hoạch phải là 10 và thực thi nó là 20. Nếu sai ở khâu nào thì phải kịp sửa khâu đó, đừng nên thấy gian nan rồi nản”.
Ông Vũ cũng cho biết khi bắt đầu khởi nghiệp, ông không có điều kiện tiếp xúc nhiều với kiến thức marketing, truyền thông như bây giờ, nhưng “Chúng tôi có khát vọng của những người trẻ, có sự dấn thân cho điều mà chúng tôi yêu thích, có phương pháp, sáng kiến để đua tranh với những thương hiệu toàn cầu đã có mặt ở VN.
Nhưng ngay cả khi khởi nghiệp và bây giờ, khát vọng lớn và sự sáng tạo không ngừng vẫn là những giá trị cốt lõi xuyên suốt quyết định sự thành công của chúng tôi”- ông bày tỏ.
Cũng nhìn ở góc độ của tâm thế người khởi nghiệp, ông Lý Trường Chiến, chủ tịch Trí Tri Group, nhấn mạnh: “Tâm thế của người khởi nghiệp chính là phải sẵn sàng thích ứng với những thay đổi. Tôi biết những người thành công là những người làm việc quên mình và chắc chắn họ đều có chiến lược rất chặt chẽ”.
Đừng chần chừ trước cơ hội
Các bạn trẻ đặt câu hỏi “xu hướng khởi nghiệp 2013” là gì, ông Lê Hồng Minh - tổng giám đốc Công ty cổ phần VNG - nói:“Năm 2013 kinh tế vẫn còn khó khăn và có thể nhiều người mất việc, bỏ việc. Những người này sẽ “cựa quậy” và sẵn sàng cùng hợp tác với bạn trong làm ăn. Đó cũng là cơ hội tìm kiếm người bạn đường cùng gầy dựng doanh nghiệp”. Ông Vũ Minh Trí - CEO Microsoft VN - mách nước: trong khó khăn, nhiều công ty có xu thế tìm cách liên kết với nhau để cùng tồn tại và họ phát triển tốt.
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, phó tổng giám đốc PNJ, nhấn mạnh: “Tìm được người cùng chí hướng và đưa ra được lợi thế cạnh tranh trong lúc này góp phần rất quan trọng vào sự thành công trong khởi nghiệp”. Ông Quỳnh cũng dự báo một số lĩnh vực vẫn “sống khỏe” trong năm 2013 là quay về những ngành nghề, dịch vụ căn bản: ăn uống, giáo dục, sức khỏe, may mặc... vì “đó chính là nhu cầu của cuộc sống”.
Ông Hồng Minh bày tỏ: “Khi trẻ thường chúng ta rất máu lửa, nghĩ là làm. Vì thế có ý tưởng thì nên làm ngay, đừng chần chừ để sau này không nuối tiếc”. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng khích lệ, bằng chính cuộc đời của mình: “Lúc tôi khởi nghiệp cũng không biết gì nhiều mà chỉ mang trong lòng khát vọng với một động lực “Tôi muốn...”. Khi sự mong muốn đó chín muồi thì bạn sẽ tìm ra con đường đi”.