Tỷ phú Thái đang "nhắm" thị trường bia Việt Nam là ai?

Để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trên thị trường Việt Nam, mới đây vị tỷ phú Thái Lan không ngần ngại tiết lộ đang nhắm đến thị trường bia Việt Nam trong cuộc diện kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Sáng 18/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Charoen Sirivadhanabhakdi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TCC (Thái Lan) đang có chuyến thăm làm việc tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng nhìn nhận TCC có hoạt động kinh doanh thành công ở Việt Nam cũng như đánh giá cao việc Tập đoàn đã nộp khoản thuế 100 triệu USD cho Việt Nam.

Cho rằng TCC là thương hiệu nổi tiếng ở Thái Lan, Thủ tướng mong muốn Tập đoàn là một tấm gương đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong việc chấp hành nghiêm túc quy định về thuế, nhất là việc chống chuyển giá, trốn thuế.

Thủ tướng cũng cho rằng, là một nhà bán lẻ lớn, Tập đoàn cần tạo điều kiện cho hàng hóa, nông sản chất lượng cao của Việt Nam có mặt trong hệ thống siêu thị của Tập đoàn, hỗ trợ người nông dân Việt Nam trong tiêu thụ nông sản, qua đó, góp phần giúp người nông dân tránh được cảnh “được mùa mất giá”.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TCC Charoen cho biết, Tập đoàn quyết tâm phát triển, mở rộng thị phần bán lẻ của mình ở Thái Lan, nhất là vừa qua đã mua lại BigC Thái Lan.

Tỷ phú Thái đang nhắm thị trường bia Việt Nam là ai?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Tập đoàn TCC Charoen tại buổi gặp.

Điều này giúp TCC có thể xuất khẩu một số sản phẩm của Việt Nam sang Thái Lan, trong đó có nông sản và Tập đoàn đã thành lập một bộ phận chuyên làm công việc xuất khẩu này tại Việt Nam.

Trong các mảng kinh doanh ở Việt Nam, ông Charoen cho biết, rất quan tâm đến kinh doanh bia và “chúng tôi mong muốn có thể đưa thương hiệu bia Việt Nam ra thị trường quốc tế” bởi nhận thấy Việt Nam có thương hiệu bia lâu đời, chất lượng tốt.

"Người đàn ông quyền lực" của TTC

TCC là một trong những Tập đoàn đầu tư hàng đầu Thái Lan thuộc sở hữu của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi. TCC Holdings đóng vai trò là cổ đông chính trong nhiều công ty thuộc kiểm soát của tỷ phú Charoen như Berli Jucker, TCC Land, ThaiBev, Fraser&Neave…

Theo tạp chí Forbes, doanh nhân Thái Lan Charoen (71 tuổi) hiện là 1 trong 3 người giàu nhất Thái Lan với khối tài sản trị giá hơn 13,1 tỷ USD tính đến tháng 6/2015.

Charoen là con thứ 6 trong một gia đình bán hàng rong người gốc Hoa có 11 anh chị em. Mặc dù nhận được nhiều bằng tiến sĩ danh dự do các đại học, học viện trao tặng nhưng bản thân Charoen từng phải bỏ học từ năm lớp 9 để tìm kế sinh nhai.

Ở tuổi 70, ông vẫn là chủ tịch điều hành của nhiều công ty và tập đoàn lớn ở khắp nơi trên thế giới. Charoen cũng sở hữu nhiều bất động sản có giá trị khổng lồ Pantip Plaza ở Bangkok (Thái Lan), Khách sạn Plaza Athenee tại Manhattan (Mỹ), cùng hàng loạt chuỗi nhà hàng - khách sạn nổi tiếng khác ở Mỹ, Úc và châu Á.

Vị tỷ phú này bắt đầu khởi nghiệp từ một doanh nghiệp sản xuất đồ uống có cồn. Năm 1995, tỷ phú Charoen chính thức sáng lập lên hãng bia ThaiBev với thương hiệu bia Chang nổi tiếng. Chỉ sau 5 năm gia nhập thị trường, Chang chiếm thị phần tới 60% trên thị trường Thái Lan.

Ngoài ThaiBev hoạt động trong lĩnh vực đồ uống, dưới trướng tỷ phú Charoen còn có 2 tên tuổi lớn là Berli Jucker hoạt động đa ngành (đồ uống, sản xuất lon, chai thuỷ tinh, bán lẻ, cửa hàng tiện lợi…) và TCC Land hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Charoen có 5 người con. Hiện tại, con trai ông, Thapana Sirivadhanabhakdi là Giám đốc điều hành tại ThaiBev, con gái Wallapa là Giám đốc điều hành của TTC Land. Con trai út của ông, Panote Sirivadhanabhakdi là thành viên Hội đồng quản trị của F&N.

Tỷ phú Thái đang nhắm thị trường bia Việt Nam là ai?

Dấu ấn tại thị trường Việt Nam

Bắt đầu vào Việt Nam từ năm 1993, thông qua các khoản đầu tư tại đây có thể thấy tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đang dành sự quan tâm đặc biệt đến thị trường trong nước.

Trong số các tập đoàn dưới trướng tỷ phú Thái Lan, có thể kể tới 3 cái tên lớn nhất đó là ThaiBevhoạt động trong lĩnh vực đồ uống, Berli Jucker hoạt động đa ngành (đồ uống, sản xuất lon, chai thủy tinh, bán lẻ, cửa hàng tiện lợi...), và TCC Land trong lĩnh vực bất động sản.

Tại Việt Nam, ThaiBev vẫn chưa có động thái nào. Tuy nhiên hai công ty còn lại của ông Charoen đã có mặt. Rõ ràng nhất là Berli Jucker (BJC).

BJC đã mua lại 65% cổ phần của Phú Thái Group – một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng. Năm 2013, BJC đã mua lại cổ phần của đối tác nhật trong chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart và đổi tên thành B'smart với tổng cộng 94 cửa hàng trên khắp cả nước.

Trong chiến lược của mình, BJC cũng nêu rõ ý định tìm cơ hội phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi tại Lào và Việt Nam.

Trước đó, BJC đã xuất hiện từ khá lâu và hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chai thủy tinh, lon đựng đồ uống tại Việt Nam.

Đầu năm 2013, BJC đã có nhiều động thái đáng chú ý tại Việt Nam. Tập đoàn này đã tiến hành nhiều thương vụ M&A, trong đó có việc bỏ ra 4,5 triệu USD (hơn 90 tỷ đồng) mua lại 75% cổ phần của hãng sản xuất đậu phụ ICHIBAN và 32 triệu USD (hơn 670 tỷ đồng) để mua lại 65% cổ phần tại Thái An, một doanh nghiệp bán lẻ ở miền Bắc.

TTC Land, tập đoàn chuyên đi thâu tóm bất động sản của tỷ phú người Thái cũng có tài sản tại Việt Nam. Thông qua công ty con SAS Trading Ltd, TTC Land hiện nắm giữ 65% cổ phần của khách sạn 5 sao Melia Hà Nội. Ba năm gần đây, khách sạn này đều đạt trên 20 triệu USD doanh thu và 10 triệu USD lợi nhuận trước thuế, tương ứng tỷ suất lợi nhuận lên đến 50%.

Điều đặc biệt, không chỉ sở hữu hai tòa tháp khách sạn Melia, tỷ phú Thái còn sở hữu hai khách sạn khác tại Hà Nội là Fraser Suites và cao ốc văn phòng tại TPHCM Melinh Point Tower.

TTC hiện quản lý nhiều khách sạn, văn phòng cũng như các bất động sản khác ở khắp châu Á, Australia, 1 khách sạn ở châu Âu và 1 khách sạn tại Mỹ

Tỷ phú Thái đang nhắm thị trường bia Việt Nam là ai?Năm 2008, tỷ phú người Thái còn thành công trong việc mua lại chuỗi nhà hàng sushi Nhật Bản Oishi, chuỗi nhà hàng này cũng đã xuất hiện tại Hà Nội.

Năm 2015, Thaibev thuộc BJC cũng từng tỏ rõ ý định mua lại cổ phần (dự kiến là 53%) tại hãng bia Sài Gòn (Sabeco) khi công ty này thực hiện kế hoạch cổ phần hóa.

Với Thaibev, có lẽ tập đoàn này sẽ không trực tiếp lộ diện tại Việt Nam, khi mà thị trường bia đã quá khốc liệt với sự cạnh tranh của các hãng bia hàng đầu thế giới. Thay vào đó, Thaibev sẽ sử dụng F&N như một cánh tay nối dài tấn công vào thị trường đồ uống không cồn và đặc biệt là thị trường sữa.

Không chỉ dừng lại ở đó, trong những ngày cuối cùng của năm 2015, tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi cuối cùng cũng đã hoàn tất mua lại hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam sau gần 2 năm theo đuổi.

Thương vụ trị giá 655 triệu Euro này - tương đương hơn 710 triệu USD – cũng góp phần nâng tổng giá trị các khoản đầu tư trực tiếp cũng gián tiếp của TCC tại Việt Nam lên đến gần 2 tỷ USD.

Việc tiếp quản Metro cùng với thương vụ Berli Jucker mua lại 65% cổ phần của Phú Thái Group từ năm 2013 sẽ giúp cho tỷ phú Charoen có được vị thế vững chắc trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ hàng tiêu dùng tại Việt Nam.

Sau khi thâu tóm thành công tập đoàn đồ uống Fraser&Neave (F&N) của Singapore, TCC đã gián tiếp sở hữu một tài sản rất có giá trị tại Việt Nam: 10% cổ phần của Vinamilk.

F&N đầu tư vào Vinamilk ngay từ khi doanh nghiệp này cổ phần hóa từ 10 năm trước nên giá vốn đầu tư rất thấp, chỉ vào khoảng vài chục triệu USD. Cuối năm 2014, không lâu sau khi BJC công bố ý định mua lại Metro, F&N đã chi thêm 90 triệu USD để mua thêm 1% cổ phần của Vinamilk.

Giờ đây, khi cổ phiếu Vinamilk đang ở vùng giá cao nhất trong lịch sử thì 11% cổ phần do F&N sở hữu có giá trị hơn 750 triệu USD.

Trong thời gian gần đây, F&N cũng có những động thái tích cực để đưa một số sản phẩm đồ uống chủ lực của mình 100Plus vào tiêu thụ tại Việt Nam.

Nha Trang
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp