FLC mở hãng hàng không: Tre bay lên trời?
Lấy hình tượng của một cây tre có khả năng uốn cong mềm mại cùng gió bão, liệu Bamboo Airlines sẽ chinh phục được bầu trời rộng lớn nhưng nhiều giông tố?
Ngành công nghiệp hàng không trong nước tiếp tục nóng hơn với việc một tên tuổi là tập đoàn FLC chuẩn bị gia nhập. Cụ thể hơn, tập đoàn bất động sản - tài chính này sẽ thành lập hãng hàng không Bamboo Airlines với vốn điều lệ 700 tỉ đồng và dự kiến sẽ hoàn tất các thủ tục để đưa vận hành vào năm 2018.
Lấy hình tượng của một cây tre có khả năng uốn cong mềm mại cùng gió bão, liệu Bamboo Airlines sẽ chinh phục được bầu trời rộng lớn nhưng cũng nhiều giông tố?
Nội, ngoại cùng quyết bay
29% là mức tăng tưởng tổng số lượng hành khách vận chuyển qua hàng không trong năm 2016, tương ứng với con số hơn 52 triệu lượt. Trong đó lượng hành khách nội địa tăng trưởng 30% với 28 triệu lượt, đưa thị trường hàng không Việt Nam trở thành một trong những nơi có tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á. Tiềm năng tăng trưởng của ngành được dự báo vẫn khá lớn và theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam nằm trong nhóm 5 thị trường có lượng khách di chuyển bằng đường hàng không cao nhất thế giới (sau Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Indonesia), với mức tăng trưởng khá hấp dẫn, khoảng 8,2% (mức cao nhất trong 10 thị trường hàng đầu). Nhờ quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra nhanh, tăng trưởng kinh tế khả quan ở một thị trường mới nổi, theo Cục Hàng không Việt Nam, lượng hành khách đi máy bay dự báo sẽ tăng hơn gấp đôi từ đây đến năm 2020 khi đạt 122 triệu lượt.
Nhờ thị trường tăng trưởng tốt nên kết quả kinh doanh của các hãng hàng không trong năm 2016 hầu hết khả quan. Tiêu biểu như Vietjet Air công bố lợi nhuận sau thuế 2.496 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với năm trước, hay Vietnam Airlines ghi nhận lãi ròng 2.105 tỉ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm trước. Tăng trưởng của hãng hàng không non trẻ này có thể hình dung qua chia sẻ của ông Lưu Đức Khánh, Tổng Giám đốc Vietjet Air, tại lễ vinh danh 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam. “Trong những ngày lễ, ngân hàng không làm việc, Vietjet phải huy động toàn bộ nhân viên để đếm tiền. Số lượng lớn đến mức không tưởng tượng được”, ông Khánh nói.
Hiện tại, phân khúc thị trường nội địa được chia sẻ bởi 4 hãng hàng không, trong đó 87% thị phần thuộc về Vietnam Airlines và Vietjet Air. Cùng với đó là 52 hãng nước ngoài đang khai khác các tuyến bay quốc tế đến Việt Nam với tổng thị phần 57,6%. Sức ép cạnh tranh rất khốc liệt nhưng không vì thế mà các tên tuổi mới không ngần ngại tham gia, giành giật miếng bánh thơm.
Ngoài FLC, hãng hàng không nổi tiếng là AirAsia đã liên doanh với đối tác trong nước là Gumin thành lập một hãng bay mới với vốn điều lệ ban đầu 1.000 tỉ đồng, hướng tới phân khúc hàng không giá rẻ. Việt Nam Airlines thành lập thêm một hãng bay mới trên cơ sở sắp xếp lại Công ty Bay và Dịch vụ Hàng không Vasco.
Hãng hàng không của Úc là Jetstar gần đây bắt đầu mở tuyến bay mới, kết nối thành phố Melbourne và Sydney tới TP.HCM sau 11 năm không tham gia. Hãng hàng không lớn nhất của Nhật là ANA Holding chi ra hơn 2.200 tỉ đồng để mua 8,8% cổ phần của Vietnam Airlines. Hay nhà cung cấp các dịch vụ quản lý hàng không của Anh là National Air Traffic Solutions chuẩn bị các bước thâm nhập vào thị trường Việt Nam, nhất là tham gia vào dự án sân bay Long Thành đang chuẩn bị khởi công.
Khó cho Bamboo
Với số vốn ban đầu 700 tỉ đồng, Bamboo Airlines có thể vận hành 10 máy bay nếu vận chuyển hàng không quốc tế, hoặc khai thác 30 tàu bay nếu chỉ khai thác trong nước.
Về mặt lý thuyết, cơ hội cho FLC vẫn còn đó bởi nếu tính trên thị trường nội địa, hiện chỉ có 2 cái tên là Vietnam Airlines và Vietjet Air cạnh tranh chủ yếu, trong khi ở các quốc gia tương đối phát triển khác, thị trường hàng không thường chứng kiến nhiều hãng tham gia, dẫn đến áp lực cạnh tranh rất lớn.
Với số vốn ban đầu 700 tỉ đồng, Bamboo Airlines có thể vận hành 10 máy bay nếu vận chuyển hàng không quốc tế, hoặc khai thác 30 tàu bay nếu chỉ khai thác trong nước. Theo ông Đặng Tất Thắng, Tổng Giám đốc Bamboo Airlines, hãng này sẽ hướng đến phục vụ khách du lịch quốc tế là chủ yếu. “Chúng tôi nhận thấy tiềm năng rất lớn về nhu cầu đi lại của du khách cả trong nước và quốc tế, tới các điểm du lịch của Việt Nam, bao gồm các tỉnh có dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái của FLC”, ông Thắng nói.
Chiến lược mở tuyến bay mới tới các địa phương như Phú Quốc, Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, hay Nha Trang là hợp lý nhưng chắc chắn đứa con mới của FLC sẽ đối mặt với sức ép cạnh tranh khi các hãng khác cũng gia tăng đầu tư vào các địa điểm này.
Trong cuộc chiến đó, lợi thế về quy mô sẽ là một trong những nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh. Vietnam Airlines đã lên kế hoạch tăng thêm 36% quy mô đội bay vào năm 2020 lên 120 chiếc. Năm 2017, Vietnam Airlines dự kiến sẽ vận chuyển 21,7 triệu hành khách, 130.000 chuyến bay, doanh thu phấn đấu đạt 1.186 tỉ đồng. Trong khi đó, Vietjet Air đã ký hợp đồng mua hàng trăm máy bay thế hệ mới của Boeing và Airbus, bổ sung vào đội ngũ 47 chiếc vào cuối năm 2016 với tham vọng trở thành hãng bay số 1 Việt Nam.
Tham vọng này của Vietjet Air có cơ sở khi hình thức bay giá rẻ đang phát triển mạnh mẽ. Bằng chứng là có đến 15 triệu lượt khách sử dụng hàng không giá rẻ trong năm 2016, chiếm gần 55% tổng lượng hành khách vận chuyển trên các đường bay quốc nội. Với số lượng tàu bay ban đầu còn ít, Bamboo Airlines sẽ khó cạnh tranh, nhất là khi hãng này thiếu tiềm lực tài chính hay sự hỗ trợ từ các đối tác giàu kinh nghiệm như Air Asia với Gumin.
Nhưng khâu quản lý chi phí sẽ là thách thức lớn nhất cho Bamboo Airlines. Hiện người dẫn đầu trong công việc này là Vietjet Air với chi phí trên ghế trên mỗi km (CASK) khoảng 2,5 cent (đã loại trừ chi phí nhiên liệu), tốn hơn so với các hãng Thái Asia, Cebu Pacific, Easy Jet, chỉ đứng sau AirAsia (1,9 cent). “Còn nhớ, hãng hàng không Mekong Air trước đây của Tập đoàn BIM đã phải dừng bay vì mô hình kinh doanh còn thiếu sót và chưa đạt được tính kinh tế theo quy mô với các đối thủ khác”, Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư VinaCapital nhận định. Trung tâm Hàng không Thế giới (CAPA) dự báo sau năm đỉnh cao của mọi đỉnh cao về lợi nhuận, tỉ suất lợi nhuận của ngành hàng không toàn cầu sẽ giảm dần trong 2 năm 2017 và 2018 do bất ổn giá xăng dầu tăng và dư thừa máy bay. Theo đó, các hãng hàng không cần “thắt lưng buộc bụng” tối ưu chi phí sản xuất, đồng thời có biện pháp xử lý linh hoạt với những đơn hàng mua máy bay có nguy cơ dư thừa trong thời gian tới.
Rủi ro cho Bamboo Airlines còn đến từ thực trang yếu kém của hạ tầng giao thông hàng không. Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, sân bay Tân Sơn Nhất đang bị quá tải khoảng 10%. Việc các hãng bay đều có kế hoạch mở rộng mạnh mẽ đội bay sẽ tạo nên áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến hiệu quả khai khác của hãng, trong khi đề án sân bay Long Thành đến giờ vẫn còn nằm trên bàn giấy.
Giá cổ phiếu của FLC và các công ty liên quan trong mấy tháng nay không thật sự khởi sắc. Cổ phiếu của Faros đã lao dốc từ mức đỉnh 170.000 đồng xuống chỉ còn 100.000 đồng trong khi mã FLC của Tập đoàn tiếp tục đứng dưới mệnh giá. Trong động thái mới, Faros vừa mới công bố thông tin sẽ mua 24,9% cổ phần của Công ty Khoáng sản AMD. Liệu thương vụ M&A này cộng với chiến lược tham gia vào một ngành khó xơi như hàng không sẽ mang đến một sức bậc mới cho giá cổ phiếu của FLC.
Nguyễn Sơn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư