Ngân hàng và "cuộc chiến" Fintech
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy sự phát triển ngân hàng điện tử và Fintech trong lĩnh vực ngân hàng đòi hỏi tư duy làm luật mới để tạo ra một hành lang pháp lý cho phép khách hàng có thể giao dịch với ngân hàng mọi lúc, mọi nơi, thay vì phải đến giao dịch tại các chi nhánh ngân hàng truyền thống.
Fintech chắc hẳn là từ không còn xa lạ với những ai theo dõi sát ngành tài chính trong mấy năm trở lại đây. Nó thường xuyên được nhắc đến trong các hội thảo, cuộc họp…
Là viết tắt của từ financial technology (công nghệ trong tài chính), Fintech được sử dụng chung cho tất cả các công ty sử dụng internet, điện thoại di động, công nghệ điện toán đám mây và các phần mềm mã nguồn mở nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động ngân hàng và đầu tư.
Các công ty fintech được chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là các công ty phục vụ người tiêu dùng, cung cấp các công cụ kỹ thuật số để cải thiện cách các cá nhân vay mượn, quản lý tiền bạc, tài trợ vốn cho các startup. Nhóm còn lại là các công ty thuộc dạng “back-office” hỗ trợ công nghệ cho các định chế tài chính.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ ở hầu khắp các lĩnh vực, sự phát triển sâu rộng của các công ty thuộc công ty tài chính Fintech trên thế giới cũng như tại Việt Nam là biểu hiện sinh động của trào lưu trên.
Qua Fintech, khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng được nâng cao, gia tăng giá trị cho khách hàng sử dụng dịch vụ. Cũng bởi ưu thế phát triển trên nền tảng công nghệ thông tin không cần mạng lưới phòng giao dịch như ngân hàng, nên các sản phẩm dịch vụ do doanh nghiệp Fintech cung ứng đã và đang thu hút được số lượng lớn khách hàng; đặc biệt là người dân sinh sống khu vực nông thôn, vùng sâu xa, hải đảo… thường khó khăn hơn trong tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
Từ năm 2008, NHNN đã triển khai thí điểm cho phép nhiều doanh nghiệp không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán. Báo cáo của cộng đồng FinTech Việt Nam thông tin, hiện có 50 dự án Fintech đang triển khai tính đến tháng 6/2016, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, qua đó dần hình thành một hệ sinh thái Fintech của Việt Nam. Trong đó, NHNN đã cấp phép hoạt động chính thức cho 20 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Gần đây nhất, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định 382 thành lập Ban chỉ đạo và tổ giúp việc về lĩnh vực Fintech của NHNN nhằm xây dựng cơ chế quản lý, hoàn thiện khung khổ pháp lý tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech của Việt Nam ra đời và phát triển…
Đòi hỏi tư duy làm luật mới để tạo ra một hành lang pháp lý
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm 2017, nhóm công tác ngân hàng (với 30 thành viên là các ngân hàng nước ngoài có mặt và đang hoạt động tại Việt Nam) cho biết họ rất vui mừng với việc Chính phủ ban hành về Chiến lược thanh toán không dùng tiền mặt tới năm 2020 và quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập Ban chỉ đạo Fintech.
“Nhằm thúc đẩy mạnh chương trình số hóa tại Việt Nam, chúng tôi đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan rà soát các quy định pháp luật, các chính sách về công nghệ, hệ thống và các nhà cung cấp dịch vụ, để giải quyết các vấn đề về quyền bảo mật, an ninh, sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng và tạo dựng một sân chơi bình đẳng, đồng thời đưa ra các quy định phù hợp và chỉ can thiệp khi thực sự cần thiết để khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới trong lĩnh vực ngân hàng”, nhóm công tác ngân hàng đề xuất.
Ngoài ra, để thúc đẩy sự phát triển ngân hàng điện tử và Fintech trong lĩnh vực ngân hàng đòi hỏi tư duy làm luật mới để tạo ra một hành lang pháp lý cho phép khách hàng có thể giao dịch với ngân hàng mọi lúc, mọi nơi, thay vì phải đến giao dịch tại các chi nhánh ngân hàng truyền thống, cho phép ngân hàng được kết nối trực tiếp với các trung tâm dữ liệu về căn cước công dân của chính phủ và các trung tâm thông tin tín dụng để có thể nhận biết khách hàng và phân tích lịch sử tín dụng của khách hàng trực tuyến. Đồng thời, hệ thống tòa án và các cơ quan tư pháp phải công nhận các chứng từ điện tử, dữ liệu điện tử, chữ ký điện tử.. giảm thiểu đến mức tối đa các loại giấy tờ giao dịch giữa ngân hàng và khách hàng.
Hiện nay chính phủ nhiều nước trên thế giới đã có những giải pháp rất mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển của ngân hàng điện tử và Fintech như Ấn Độ, Singapore, Trung Quốc, Mỹ... Với những kinh nghiệm đa dạng trên các thị trường quốc tế, nhóm công tác mong muốn được hỗ trợ NHNN và Chính phủ Việt Nam thúc đẩy Fintech, các giải pháp tài chính toàn diện và ngân hàng điện tử tại Việt Nam.
Trước đó, bà Lesly Goh - Giám đốc ngành dịch vụ tài chính khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, việc xây dựng được nền tảng đúng hướng từ ban đầu sẽ giúp cho phát triển dịch vụ Fintech dễ dàng, hiệu quả. Như trường hợp Ấn Độ là điển hình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số khá hiệu quả. Nhờ ứng dụng này, trong thời gian ngắn, NHTW Ấn Độ đã lưu giữ được cơ sở dữ liệu của hơn 1 tỷ người dân. Sau đó cung cấp cho các ngân hàng. Đây là một giải pháp hiệu quả thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng...
Mai Ngọc
Nguồn Trí thức trẻ