Thiên Long lớn mạnh nhờ biết lo xa
Luôn nhìn trước thị trường để có kế hoạch chuẩn bị và đầu tư hợp lý là một trong những bí quyết quan trọng giúp Tập đoàn Thiên Long luôn giữ được đà tăng trưởng ổn định trong suốt nhiều năm qua.
Đầu năm 2017, Thiên Long chia tay một số nhân sự cốt cán, trong đó có sự ra đi của ông Võ Văn Thành Nghĩa, một CEO đã gắn bó với Thiên Long cả chục năm trời. Sự xáo trộn này đã dẫn đến những đồn đoán, lo ngại về những biến cố trong nội bộ doanh nghiệp. Bởi trước khi từ nhiệm, ông Nghĩa đã bán đi gần hết số cổ phiếu Thiên Long đang nắm giữ, chỉ giữ lại đúng 7 cổ phiếu. Đã có những lo ngại về triển vọng kinh doanh của Thiên Long khi một nhân sự chủ chốt như ông Nghĩa rời công ty.
Chuẩn bị trước người kế thừa
Mới đây, ngày 3/5, ông Nguyễn Đình Tâm, nguyên Giám đốc điều hành (COO) kiêm Phó tổng giám đốc Sản xuất của Thiên Long đã được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc điều hành. Tuy giữ trọng trách CEO, nhưng ông Tâm không phải là thành viên HĐQT. Điều này được Thiên Long lý giải là do HĐQT muốn “chừa chỗ cho đại diện của cổ đông nước ngoài sau này”. Bởi mới đây, ĐHĐCĐ Thiên Long đã thông qua việc nới tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài từ 49% lên 100%.
Theo ông Huỳnh Văn Thiện, Thành viên HĐQT Thiên Long, việc thay đổi nhân sự chủ chốt, cụ thể là vị trí Tổng giám đốc điều hành, nằm trong lộ trình “quy hoạch” và chuẩn bị người kế thừa của Thiên Long. “Đó là sự kế thừa mang tính quy hoạch rất rõ và lâu dài cho sự phát triển bền vững của công ty. Tôi nghĩ đây là thông tin đáng mừng, thay vì lo lắng”, ông Thiện khẳng định.
Trong khi đó, ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch HĐQT Thiên Long cho biết thêm, ông Nguyễn Đình Tâm là người đã gắn bó với Thiên Long suốt 25 năm qua. Trong thời gian đó, Thiên Long đã không ngừng gặp gỡ nhiều đối tác trên thế giới như Thụy Sĩ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… và các nước khác. Ông Tâm là một trong những thành viên trong nhóm nhân sự chủ chốt của công ty đi gặp gỡ các đối tác đó, trao đổi các vấn đề kỹ thuật, đàm phán về vấn đề nguyên vật liệu sản xuất…
“Có thể nói rằng, ông Tâm là một người hiếm hoi ở Việt Nam có một bề dày lịch sử trong ngành này với rất nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về ngành. Trong quá trình phát triển, Thiên Long rất cần một người như ông Tâm để tiếp tục đưa Thiên Long phát triển”, ông Thọ khẳng định.
Ông Nguyễn Đình Tâm, tân CEO của Thiên Long, sinh năm 1966, là cử nhân khoa Hóa đồng thời có bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Trước khi về làm việc tại Tập đoàn Thiên Long năm 1993, ông Tâm từng có thời gian làm việc trong ngành nhựa và ngành giấy. Ông Tâm bắt đầu làm việc tại Thiên Long trong vai trò một kỹ sư Hóa học.
Trong suốt quá trình làm việc, ông Tâm đã kinh qua nhiều vị trí khác nhau, trong đó có hơn 10 năm gắn bó với hoạt động R&D tại Thiên Long. Có thể nói những dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của ông Tâm gắn liền với những cột mốc tăng trưởng của Thiên Long và ngược lại.
Lựa chọn một người đã gắn bó lâu năm cùng công ty, am tường văn hóa doanh nghiệp, đặc biệt có chuyên môn sâu trong khâu sản xuất và gắn chặt với hoạt động R&D của doanh nghiệp, hẳn như lời ông Thọ nói, Thiên Long kỳ vọng vị tân CEO sẽ tiếp tục đưa tập đoàn duy trì được đà tăng trưởng như những thời điểm trước đó.
Năm ngoái tập đoàn đạt kết quả kinh doanh khá ấn tượng với doanh thu thuần đạt 2162,3 tỷ đồng, tăng 14,8% so với năm 2015, vượt 0,6% kế hoạch năm.
Phát triển bền vững
Báo cáo thường niên 2016 của Thiên Long cho thấy, năm ngoái tập đoàn đạt kết quả kinh doanh khá ấn tượng với doanh thu thuần đạt 2162,3 tỷ đồng, tăng 14,8% so với năm 2015, vượt 0,6% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu xuất khẩu đạt 327,4 tỷ đồng, tăng 30,4% so với năm 2015. Sản phẩm của Thiên Long đã có mặt tại hơn 50 quốc gia trên toàn thế giới. Lợi nhuận sau thuế đạt 240,1 tỷ đồng, tăng 27,8% so với năm 2015, vượt 11,7% kế hoạch. Đặc biệt, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần đạt 11,1%, là mức cao nhất kể từ ngày cổ phiếu của Thiên Long được niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2010.
Để đạt được những kết quả ấn tượng này, ban lãnh đạo Thiên Long cho biết, công ty đã thực hiện tốt bốn mục tiêu quan trọng. Đó là: tăng trưởng doanh thu (từ hoạt động bán hàng được đẩy mạnh); gia tăng tự động hóa trong hoạt động sản xuất, hợp lý hóa và tối ưu hóa năng lực sản xuất; kiểm soát tốt chi phí sản xuất, chi phí bán hàng và tối ưu hóa hàng tồn kho; kiểm soát và thương lượng giá mua hàng tốt nhất.
Đáng chú ý, Thiên Long là một trong những doanh nghiệp nội hiếm hoi xây dựng được lực lượng bán hàng nội địa hùng hậu với 4 công ty: Thiên Long Hoàn Cầu và hệ thống các công ty Tân Lực: Tân Lực miền Nam, Tân Lực miền Trung và Tân Lực miền Bắc. Cả 4 công ty này đều hoạt động hiệu quả.
Năm 2016, Thiên Long Hoàn Cầu đạt doanh thu 1.285,7 tỷ đồng, tăng 7,7% so với 2015. Đây cũng là năm Thiên Long thu được những thành công ấn tượng từ hoạt động xuất khẩu, với doanh thu đạt 327,4 tỷ đồng, tăng 30,4% so với 2015. Các sản phẩm của TLG mang thương hiệu Flexoffice, Colokit và các hàng gia công đã xuất khẩu đến 50 quốc gia trên thế giới. Trong đó, khu vực Đông Nam Á có tăng trưởng hàng Flexoffice và Colokit khá ấn tượng. Cụ thể, thị trường Philippines tăng trưởng 122%, Myanmar tăng 49%, Lào 50%, Campuchia tăng 34%.
Sản xuất những sản phẩm có nhiều chi tiết nhỏ như bút viết đòi hỏi một lượng nhân sự lớn, nếu không kiểm soát tốt sẽ dẫn đến chi phí nhân công ăn mòn lợi nhuận. Ở Thiên Long vấn đề này hết sức được quan tâm. Chỉ trong năm 2016, bộ phận tự động hóa của công ty đã nghiên cứu và chế tạo thành công 15 dây chuyền máy móc thiết bị tự động. Bộ phận này còn tìm kiếm và áp dụng các máy móc thiết bị hiện đại đến từ các nước có nền công nghệ tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Thụy Sĩ, giúp mức độ tự động hóa của 2 nhà máy sản xuất của Thiên Long tăng lên 70%, năng suất lao động bình quân tăng hơn 10% so với năm 2015.
Ngoài ra, bộ phận khuôn đáp ứng đến 90% các nhu cầu về khuôn, không chỉ phục vụ cho việc sản xuất các sản phẩm của công ty mà còn làm khuôn cho các đối tác nước ngoài có nhu cầu về sản phẩm mới, được khách hàng từ châu Âu, Mỹ, Nhật đánh giá cao. Khả năng tự chủ, tự sản xuất máy móc phục vụ cho sản xuất đã giúp Thiên Long tiết giảm được nhiều chi phí đầu tư, chủ động hơn trong việc đưa ra thị trường những dòng sản phẩm mới.
Bên cạnh đó, việc phát triển và tự chủ nguồn mực cũng như các nguồn nguyên vật liệu khác đã giúp giá thành giảm đáng kể. Là nhà sản xuất lớn, Thiên Long cũng có lợi thế hơn trong việc đàm phán và thương lượng giá mua hàng tốt nhất từ các đối tác, góp phần mang lại dòng tiền hiệu quả cho công ty.
Đầu tư lớn cho hoạt động R&D, Thiên Long tỏ ra là doanh nghiệp nhanh nhạy trong việc nắm bắt xu hướng và thị hiếu tiêu dùng mới. Trong năm 2016, hãng đã cho ra đời hơn 30 sản phẩm, trong đó có 10 sản phẩm mới hoàn toàn với các tính năng vượt trội được người tiêu dùng đánh giá cao. Thiên Long còn hợp tác với các đối tác nước ngoài để thiết kế những sản phẩm phù hợp thị hiếu trong nước và thị trường xuất khẩu.
Nhìn trước thị trường
Hiện Thiên Long sở hữu 2 nhà máy, trong đó nhà máy Nam Thiên Long tại KCN Tân Tạo có công suất 550 triệu đơn vị sản phẩm mỗi năm, nhà máy Thiên Long Long Thành thì mỗi năm cho ra được 250 triệu đơn vị sản phẩm.
Trong năm 2017, Thiên Long đặt mục tiêu doanh thu thuần 2.450 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2016, lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt 265 tỷ đồng, tăng 10%.
Năm 2017, Thiên Long đặt mục tiêu doanh thu thuần 2.450 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2016, lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt 265 tỷ đồng, tăng 10%.
Để đạt được kết quả này, ông Nguyễn Đình Tâm cho biết, công ty phải nâng cao năng lực sản xuất, trong đó tập trung vào 2 dự án lớn. Dự án đầu tiên là mở rộng và tăng công suất nhà máy Nam Thiên Long với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 350 tỷ đồng, thực hiện trong vòng 3 năm. Tới năm 2019, nhà máy này sẽ đạt công suất khoảng 800 triệu đơn vị sản phẩm mỗi năm. Dự án thứ 2 là đầu tư và sản xuất đầu bút công nghệ Thụy Sĩ, được đầu tư trong vòng 4 năm với tổng vốn đầu tư khoảng 88 tỷ đồng.
Về cơ cấu sản phẩm, Thiên Long hiện đang tập trung vào 4 mảng chính là bút viết, dụng cụ văn phòng, dụng cụ học sinh và dụng cụ mỹ thuật.
Luôn nhìn thấy trước sự phát triển của thị trường trong tương lai, nhanh nhạy trong việc cho ra đời những dòng sản phẩm đón đầu thị trường, chủ động khai phá những thị trường mới là thế mạnh của ban lãnh đạo Thiên Long. Điều này thể hiện ở việc trong thời gian từ năm 2007-2011, thị trường bút viết đang có đà tăng trưởng cao, tuy nhiên công ty đã chuẩn bị để đầu tư vào văn phòng phẩm chứ không chờ phân khúc bút viết đi xuống mới đầu tư phân khúc sản phẩm mới. “Thời gian đó, ngành văn phòng phẩm đạt tốc độ tăng trưởng 40%/năm. Điều đó cho thấy chiến lược của HĐQT chuyển đổi các dòng sản phẩm là chính xác”, ông Thọ nhớ lại.
Tương tự như thế, trong lúc ngành văn phòng phẩm tăng trưởng cao, công ty lại lo đầu tư phát triển dòng sản phẩm mỹ thuật Colokit. Hiện sản phẩm này đang bán rất chạy và đạt tốc độ tăng trưởng rất cao.
Về mặt thị trường, trong khi thị trường trong nước đang phát triển, Thiên Long đã chuẩn bị cho thị trường xuất khẩu. Trong lúc thị trường Đông Nam Á đang phát triển mạnh, Thiên Long lại chuẩn bị tấn công sang các thị trường khác như Đông Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hiện sản phẩm của Thiên Long đã được xuất khẩu tới 9/11 nước Đông Nam Á và các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.
“Việc phát triển thị trường xuất khẩu không có nghĩa là Thiên Long bỏ bê thị trường trong nước mà đẩy mạnh phát triển song song cả hai thị trường. Bằng chứng là vừa qua Thiên Long đã đẩy mạnh đầu tư hệ thống DMS - hệ thống chuyên môn phát triển hệ thống phân phối trong nước. Đó là chiến lược nhìn trước thị trường của Hội đồng quản trị Thiên Long”, ông Thọ cho hay và đúc kết: “Chúng tôi thấy rằng, việc phát triển sản phẩm cũng như phát triển thị trường rất phù hợp với chiến lược của Hội đồng quản trị”.
Kiếm doanh thu hàng ngàn tỷ đồng dựa trên những sản phẩm cốt lõi có giá chỉ vài ngàn đồng, Thiên Long vẫn chứng tỏ bản lĩnh của một doanh nghiệp làm ăn bài bản. Không có gì ngạc nhiên khi trong năm 2016, trong bảng xếp hạng của tổ chức tài chính uy tín Plimsoll, Thiên Long vẫn nằm trong danh sách 15 đối tác thương mại tốt nhất, tốp 35 công ty có tăng trưởng doanh thu cao nhất trong ngành văn phòng phẩm thế giới.
Lê Dung
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp