Ý chí chocolate Việt

Dùng nguyên liệu nông sản Việt, mang thương hiệu Việt và xuất khẩu sản phẩm là một cách minh chứng cho tâm huyết của những doanh nhân tha thiết với sản phẩm “made in Việt Nam”.

Mang nửa dòng máu Việt, nửa máu Ấn, định cư tại Canada, sau 40 năm ông Durassamy quyết định trở về Việt Nam thành lập nhà máy sản xuất chocolate từ chính những hạt cacao do nông dân Việt Nam trồng…

Mang “chuẩn quốc tế” về ngay quê nhà

Ông Durassamy mang họ Bùi của mẹ, cha gốc Ấn, sinh quán ở Sài Gòn năm 1951. Ông từng là sinh viên trường Phú Thọ, sau này sống tại Canada hơn nửa đời người cho đến lúc ông trở về nhà. Ông tự hào "khoe" chocolate Kimmy’s lần đầu xuất hiện ở Cần Thơ là sản phẩm được làm hoàn toàn từ cacao trồng ở Gò Công Tây, Chợ Gạo (Tiền Giang).

Chocolate do dân mình làm, cây cacao cũng do nông dân mình trồng”, ông giới thiệu. Dịp này, ông đem quy trình làm chocolate thu nhỏ từ Tiền Giang qua Cần Thơ trưng bày tại hội chợ.

Ý chí chocolate Việt

Ít người biết, ông chủ hãng chocolate mới tinh này từng là người làm hàng cơ khí gia dụng tại Canada. Ông mời khách hàng dùng thử chocolate do chính mình làm ra sau nhiều năm lặng lẽ tự thiết kế bao bì, thuê người gia công toàn bộ thiết bị, dây chuyền sản xuất, chuẩn hóa quy trình rồi gặp gỡ nông dân thương lượng mua nguyên liệu, tự đào tạo công nhân để làm ra những thanh chocolate theo chuẩn quốc tế.

Lần đầu tiên bà con Việt Nam nếm món ngon thế giới có mồ hôi, công sức của mình ở trong đó. Hôm nay, những hộp chocolate này được làm từ hạt cacao của Việt Nam, coi như tôi đã làm được một việc đàng hoàng”, ông Durassamy trải lòng.

Những lần về nước, nghe những người trồng cacao 70-80 tuổi đời nói chưa một lần được biết vị ngon của chocolate ra sao, ông bỗng cảm thấy day dứt. Ông quyết định trở về mở xưởng chocolate tại Long Định, Châu Thành (Tiền Giang). Bà Nguyệt, vợ ông can ngăn vì 40 năm rồi ông đã làm việc cật lực, đã chịu quá nhiều áp lực và khi đó cũng đã 66 tuổi rồi.

Nhưng ông Durassamy đã thuyết phục được bà khi nói: “Người trồng cacao, nhưng cả đời chưa hề biết một miếng chocolate. Họ càng không biết từ những loại hạt này người ta có thể làm ra những món ngon cho thế giới. Tại sao lại không làm chocolate cho người trồng cacao Chợ Gạo, Gò Công cảm thấy tự hào”?

Ý chí chocolate Việt

Ông cho biết, vốn liếng đầu tư gần nửa triệu USD và đến nay mọi việc đã chạy đều. Mỗi ngày nhà máy ở Tiền Giang của ông làm ra 100kg chocolate. Mỗi tháng xuất xưởng 3 tấn thành phẩm, chỉ chừng ấy để làm quen thị trường. Hiện Kimmy’s có 4 loại sản phẩm với tỷ lệ 75, 65, 55 và 45% chocolate. Hai ông bà nhận ra rằng, vẫn còn thiếu chocolate 35% hợp khẩu vị trẻ em và những sản phẩm hỗn hợp từ cacao để phụ huynh lo bữa điểm tâm cho trẻ tới trường.

Thực ra, nguồn nguyên liệu từ Gò Công Tây, Chợ Gạo hiện không đủ sức cung cấp khi mỗi ký hạt chỉ lấy 60-65 % nguyên liệu làm chocolate, nhưng ông Durassamy nói rằng, ông sẽ chờ người nông dân mở rộng vùng nguyên liệu. Hiện nay, người trồng cacao ở Gò Công Tây, Chợ Gạo cam kết thu hoạch đúng lúc, xử lý hạt đàng hoàng, ủ đúng cách, rang lên là mùi thơm như ý.

Nông dân bán cacao nói giá nào tôi mua giá nấy. Tôi đã bán hết nhà xưởng tại Canada trước khi về nước. Nếu lỗ một vài trăm ngàn USD trong giai đoạn đầu tôi vẫn tiếp tục, không có gì phải lo khi chất lượng chocolate Tiền Giang không thua kém hàng nhập từ các nước trong vùng”, ông Durassamy cho biết.

Ý chí làm ra chocolate Việt

Không chỉ Durassamy mà trước đó, Soeamy Kyaw từng sống tại Pháp trở về Myanmar quyết tâm làm cho được loại chocolate của nước này. Nhưng khác với Durassamy là chị phải vượt qua những rào cản về sự hiểu biết và những khó khăn ban đầu về ý tưởng làm ra chocolate ngay tại Myanmar. Mãi sau này, chị đã thuyết phục thành công và được chính quyền nước này động viên, thúc đẩy ý chí làm chocolate thay thế hàng nhập khẩu.

Ý chí chocolate Việt

Một người khác là Vincent Mourou Rochebois, từ Pháp sang Việt Nam. Sau thời gian sinh sống tại đây, anh ngạc nhiên hỏi: tại sao cứ chocolate ngon phải là hàng nhập từ nước ngoài? Nhìn ra một cơ hội tốt để mưu sinh trên đất Việt, từ nguồn nguyên liệu ở Bến Tre và 5-6 tỉnh phụ cận, anh đã làm ra chocolate tại Việt Nam với chất lượng tốt mang tên Marou. Tuy nhiên, ban đầu anh từng gặp những khó khăn, những người đầu tư sản xuất chocolate chất lượng cao tại Việt Nam không dễ gì cạnh tranh lại các thương hiệu tên tuổi của thế giới đang hiện diện ở xứ này. Nghĩ là vậy, anh dày công nghiên cứu cách làm chocolate truyền thống tại châu Âu; tìm cách sử dụng tốt nhất nguyên liệu bản địa để sản xuất ra chocolate Việt, cùng với đó xây dựng thương hiệu cho Marou và xuất khẩu sang chính xứ sở của những thương hiệu chocolate nổi tiếng.

Tôi muốn thế giới biết Việt Nam có vườn ca cao và chocolate ngon đến vậy”, anh nói về chocolate Marou. Khi người ta chọn chocolate Mourou, đương nhiên tác động đến rất nhiều người trồng ca cao. Ngay cả các thương hiệu chocolate thế giới từng chọn mua nguyên liệu rẻ tiền làm ra chocolate đắt tiền cũng sẽ phải thay đổi. Giá trị thương hiệu cacao của Marou là đã tạo ra một chuẩn mực và sự thách thức từ chocolate Việt. Lúc trước các thương hiệu nước ngoài thường mua cacao ở châu Phi và ép giá, cách làm đó không tích cực và tạo hiệu ứng xấu. Khó khăn nhất là việc lựa chọn các hạt cacao làm nên chất lượng chocolate, làm thương hiệu trên toàn thế giới để người tiêu dùng chọn chocolate từ Việt Nam. Anh tốn nhiều thời gian để chọn hạt ngon nhất cho dòng sản phẩm không có đường, không có hóa chất.

Durassamy cũng vậy, luôn dành thời gian nói chuyện với nông dân làm nguyên liệu theo hướng an toàn, đúng giao kết để chocolate Kimmy’s là hiện thân của những nụ cười, của sự mãn nguyện về một sinh kế gắn với chocolate - món ngon quốc tế làm tại Việt Nam.

Khánh An
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp