"Cái chết" đầy đau thương của "gã khổng lồ" công nghệ Yahoo

Sau khi bán mảng kinh doanh Internet cốt lõi của công ty cho Verizon Communication với giá 4,48 tỷ USD (tức giá này thấp hơn 350 triệu USD so với giá chào mua ban đầu) Yahoo sẽ chính thức đổi tên thành Altaba.

Theo nguồn tin của Reuters, mới đây, cổ đông Yahoo đã thông qua kế hoạch "bán mình" này và kỳ vọng thỏa thuận lần này có thể hoàn tất vào ngày 13/6/2017 tới.

Thương vụ bán mình đã được tuyên bố từ năm ngoái nhưng sau đó bị trì hoãn do những bê bối mà công ty gặp phải bao gồm cả việc bị rò rỉ hàng loạt dữ liệu người dùng.

Sau khi thỏa thuận với Verizon hoàn tất, Yahoo sẽ đổi tên thành Altaba – một công ty với tài sản chủ yếu là cổ phần tại tập đoàn Alibaba Group và 35,5% cổ phần tại Yahoo Nhật Bản.

Kết thúc một chặng đường dài

Được biết, Yahoo được thành lập vào năm 1994 bởi David Filo và Jerry Yang, hai sinh viên của Đại học Stanford (Mỹ). Yahoo đã được tạo ra như là một loại thư mục cho Internet. Ban đầu nó được gọi là "Hướng dẫn truy cập vào World Wide Web của Jerry và Dave”.

Năm 1996, Yahoo thực hiện IPO lần đầu và lập tức trở thành startup công nghệ có giá trị lớn nhất tại thời điểm đó.

Cái chết đầy đau thương của gã khổng lồ công nghệ Yahoo

Ngoài trụ sở chính tại Sunnyvale, California, Yahoo có văn phòng trên toàn thế giới và trong nhiều năm nó là "cổng thông tin" vào Internet phổ biến nhất của người dùng toàn thế giới. Với một trang chủ, Yahoo cho phép người dùng truy cập vào nhiều chuyên mục khác nhau như tin tức, phim ảnh hoặc tìm kiếm thông tin.

Tháng 7/2012, bà Marissa Mayer được bổ nhiệm chức vụ giám đốc điều hành của hãng và đã thực hiện đợt cắt giảm nhân sự lớn trên phạm vi toàn cầu. Tính tới ngày 31/3/2016, Từ 11.700 nhân viên Yahoo đã cắt giảm còn khoảng 9.400 nhân viên và con số này vẫn tiếp tục giảm cho tới thời điểm chính thức bán mình.

Yahoo đã từng là công cụ tìm kiếm hàng đầu trên Internet nhưng năm 1998 nó đã bị Google vượt mặt. Theo số liệu được công bố bởi Netmarketshare, hiện Yahoo chỉ xử lý khoảng 7,7% tổng lưu lượng tìm kiếm trực tuyến trên toàn cầu. Tỷ lệ này của Google là 70% và Bing là 11%. Trong mảng quảng cáo trực tuyến, thị phần doanh thu của Yahoo tiếp tục sụt giảm xuống chỉ còn 1,5% trong năm nay (năm 2015 chiếm 2,1%).

Năm 2013, Yahoo đã chi 1 tỉ USD để mua lại Tumblr - một nền tảng blog nhằm thu hút người dùng trẻ tuổi, thay thế cho nền tảng blog 360 đã bị người dùng bỏ rơi.

Từ một công ty cung cấp dịch vụ tổng hợp danh bạ các website đơn thuần (dịch vụ Yahoo Directory vẫn hoạt động cho tới đầu năm 2014), Yahoo đã vươn mình trở thành một cỗ máy tìm kiếm khổng lồ và dần dần tích hợp thêm những dịch vụ mới như e-mail, trang nhà tùy chỉnh, MyYahoo, bản tin tài chính, bản tin chứng khoán,… Thời điểm ấy, Yahoo đã thu hút được hàng triệu người sử dụng trung thành, và giá trị của Yahoo trên thị trường chứng khoán cũng nhờ đó mà ngày một tăng cao như diều gặp gió.

Cái chết đầy đau thương của gã khổng lồ công nghệ Yahoo

Nhưng Yahoo đã thất bại trong việc thích nghi với sự phát triển của băng thông rộng và sự bùng nổ của các trang web. Những danh bạ website và hyperlink của họ trở nên lạc hậu so với phương pháp sử dụng từ khóa đơn giản. Trong khi đó, sự nhanh nhẹn của Google đã biến nó trở thành công cụ được yêu thích cho kỷ nguyên Web 2.0, và các dịch vụ khác của họ cũng phát triển một cách mau chóng trong khi Yahoo dần dần bị tụt lại đằng sau. Sự trỗi dậy của mạng lưới truyền thông xã hội như Facebook và Twitter càng góp phần đẩy nhanh đà đi xuống của Yahoo. Không chắc là thế hệ Snapchat bây giờ còn biết Yahoo là gì.

Cơ hội bị bỏ lỡ gần đây nhất của Yahoo là thời điểm bùng phát của web di động.

Năm 2015, Yahoo công bố tổng doanh thu đạt 4,9 tỉ USD, lỗ tới 4,4 tỉ USD. Còn trong quý gần đây nhất thì gã khổng lồ này cho biết tiếp tục lỗ 440 triệu USD.

Cổng thông tin web của Yahoo thì có vẻ khá khẩm hơn, vẫn giữ được vị trí nhất định trong lòng người dùng. Yahoo vẫn được người dùng lựa chọn cho dịch vụ email, nhắn tin, đọc tin tức và xem video. Hiện Yahoo được đánh giá là phương tiện truyền thông lớn thứ 3 tại Mỹ, với khoảng 204 triệu người dùng thường xuyên. Đây có thể là một trong những lý do khiến Verizon quyết định mua lại gã khổng lồ internet này. Trước đó, cũng có tin đồn Yahoo được tờ Daily Mail của Anh và tỉ phú Mỹ Donal Trump ngỏ ý muốn mua lại.

Dù bán những mảng dịch vụ cốt lõi cho Verizon song Yahoo vẫn đang nắm trong tay rất nhiều tiền. Ví dụ như 40% cổ phần của hãng thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc với giá trị khoảng 30 tỉ USD (lúc mua Yahoo bỏ ra 1 tỉ USD); hay phần cổ phần trị giá hàng tỉ USD ở Yahoo Nhật Bản.

Năm 2008, khi Yahoo có dấu hiệu đuối sức, công ty này đã được Microsoft đề nghị mua lại với giá gấp gần 10 lần giá bán cho Verizon hiện nay (44,6 tỉ USD). Tuy nhiên, Yahoo đã từ chối và thực hiện cải tổ. Sau thương vụ, nhiều cổ đông đã “tiếc hùi hụi” và nghĩ giá như Yahoo đừng tiến hành cải tổ thì tốt biết bao.

"Cái chết" có báo trước

"Cái chết" của Yahoo là một sự minh họa hoàn hảo cho cái chết của những công ty Internet khổng lồ khi không kịp thích nghi và dần trở nên lạc lõng.

Theo nhận định của giới chuyên gia, nguyên nhân chính cho những thất bại trên của Yahoo nằm ở quản lý yếu kém, không có mục tiêu rõ ràng, những “luẩn quẩn” khi tuyển dụng và sử dụng CEO, những thương vụ mua lại và sáp nhập tốn kém hàng tỉ đô la mà hiệu quả chưa thấy đâu, và sự thiếu dứt khoát trong việc quyết định nên tập trung phát triển công nghệ hay truyền thông.

Đặc biệt, "cái chết" của Yahoo là một sự minh họa hoàn hảo cho cái chết của những công ty Internet khổng lồ khi không kịp thích nghi và dần trở nên lạc lõng. Một dịch vụ Internet bền vững sở hữu ba tính chất: (1) nó khuyến khích sự hình thành thói quen sử dụng của cư dân mạng; (2) nó hấp dẫn với thế hệ trẻ, sao cho thế hệ này có thể lớn lên và già đi cùng nó; và (3) nó có thể vận động và phát triển theo thời gian. Đã có thời Yahoo sở hữu cả ba yếu tố trên, còn bây giờ họ chẳng còn lại gì.

Và có thể coi thương vụ hãng viễn thông Verizon mua lại Yahoo là một thời điểm mang tính bước ngoặt trong lịch sử Internet, bởi dường như nó đã đặt dấu chấm hết cho cả một thời đại. Chẳng bao lâu nữa, người ta sẽ nhớ về Yahoo của những năm “một nghìn chín trăm hồi ấy” như nhớ về điện tín hay điện thoại quay số của một thời đã quá đỗi xa xôi. Giữa vô vàn những lựa chọn hấp dẫn ngày nay như Instagram, Snapchat, Musical.ly và Spotify, hẳn các cư dân mạng của tương lai có nằm mơ cũng không thể nghĩ tới chuyện mình sẽ quay trở về sử dụng các dịch vụ của Yahoo.

Và giới truyền thông lại đặt ra câu hỏi, tại sao Verizon Communication quyết định bỏ ra gần 5 tỷ USD để mua Yahoo khi "gã khổng lồ" này đang sa sút cực điểm? Tim Armstrong, CEO của AOL, người sẽ quán xuyến quá trình sáp nhập của Yahoo tới đây, phát biểu rằng Verizon mơ ước được trở thành một lựa chọn thứ ba, sau Google và Facebook, trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến. Bằng cách kết hợp cơ sở người dùng của AOL và Yahoo, cùng với lượng khách hàng của chính mình, Verizon hi vọng sẽ có được khoảng 2 tỉ người dùng – một con số mà họ cho rằng cần thiết để có thể trở thành một nền tảng bền vững.

Nha Trang
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp