CGV phình to nhờ “vị trí độc tôn”

Với tuyên bố sẽ rót thêm 200 triệu tiền đầu tư vào thị trường Việt Nam trong vòng ba năm tới, CGV thuộc tập đoàn CJ của Hàn Quốc đang thể hiện rõ tham vọng muốn chiếm gần như toàn bộ thị trường chiếu phim Việt Nam với trị giá hàng trăm triệu USD mỗi năm.

Những ngày cuối tháng 5 vừa qua, Cty CGV Việt Nam đã chính thức giới thiệu công nghệ ScreenX, công nghệ chiếu phim đa diện đầu tiên tại Việt Nam. Nhưng điều đáng chú ý nhất trong buổi lễ ra mắt công nghệ ScreenX đó lại nằm ở kế hoạch đầu tư mới mà CGV công bố. Theo đó, chỉ trong vòng ba năm tới nhà đầu tư Hàn Quốc này sẽ tiếp tục rót thêm 200 triệu USD vào thị trường VN.

CGV đã tới ngưỡng “độc quyền tự nhiên”

"Việc tập trung mở rộng hệ thống rạp chiếu trên toàn quốc, cũng như đầu tư chiến lược vào công nghệ chiếu phim là một phần trong cam kết và nỗ lực của CGV nhằm đóng góp cho sự phát triển toàn diện của nền công nghiệp điện ảnh nước nhà”, ông Dong Won Kwak, TGĐ CGV Việt Nam khẳng định. Ông Dong chia sẻ trong suốt hơn 10 năm hoạt động ở Việt Nam, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong ngành công nghiệp điện ảnh của CGV cao gấp 4-5 lần lợi nhuận đạt được tại thị trường này.

Tuy nhiên, với một nhà đầu tư nước ngoài, những cam kết nhằm đóng góp cho sự phát triển của nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam có lẽ chỉ là lý do phụ. Lý do chính mà CGV quyết định đầu tư khoản tiền lớn như vậy vào thị trường Việt Nam trong ba năm tới là do công ty này đang thấy tiềm năng sinh lời quá lớn của thị trường. Doanh thu phòng vé của CGV năm 2006 chỉ đạt 5 triệu USD, thì năm 2010 đã là 25,7 USD và năm 2014 đạt 82 triệu USD, theo số liệu được CGV công bố. Năm 2015, đại diện của CJ Group, công ty mẹ của CGV Việt Nam đã khẳng định Việt Nam đã gia nhập vào thị trường chiếu phim trăm triệu USD, với tổng doanh thu đạt 130 triệu USD.

CGV phình to nhờ “vị trí độc tôn”

Doanh thu và lợi nhuận của CGV qua các năm. Đơn vị tính: Tỉ VND.

Với dân số lên đến trên 90 triệu đa phần là người trẻ, thị trường Việt Nam được đánh giá còn nhiều dư địa phát triển. Một đại diện tập đoàn Giải trí MegaGS cũng đã đưa ra dự báo rằng đến năm 2018, tổng doanh thu phòng vé tại Việt Nam sẽ tăng gấp đôi so với năm 2015, tức vượt mốc 200 triệu USD, tương đương gần 5.000 tỷ đồng.

Chính những tiềm năng phát triển thị trường lớn như vậy đã tạo ra một lực hút hấp dẫn với CGV. Dự kiến đến cuối năm 2017, CGV sẽ vận hành 54-55 cụm rạp trên cả nước. Đặc biệt, nhà đầu tư này không chỉ còn nhắm vào những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng hay Hải Phòng mà còn vươn tầm ảnh hưởng tới cả những tỉnh lẻ như Yên Bái, Hà Tĩnh, Trà Vinh, Kiên Giang vàVĩnh Long. Tính tới thời điểm hiện tại, CGV đang chiếm khoảng một nửa thị phần rạp chiếu phim trên cả nước. Một khi kế hoạch đầu tư trên được thực hiện, có thể nói phần lớn chiếc bánh thị phần sẽ rơi vào tay nhà đầu tư Hàn Quốc.

Nhưng nếu chiếu theo Luật Cạnh tranh của Việt Nam CGV đang là DN có vị trí thống lĩnh (Khoản 1, Điều 1, DN, được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể), vì thế lại đòi hỏi sự điều tiết của cơ quan quản lý.

Sự phản kháng của “kẻ chiếu dưới”

Nhìn toàn cục thị trường, xem ra CGV đang “một mình một ngựa” trên đường đua giành phần lớn doanh thu từ thị trường rạp chiếu phim.

Theo số liệu mới nhất của Cục Điện ảnh, tính đến hết năm 2016, cả nước có 138 rạp, cụm rạp chiếu phim. Trong đó, các DN nội địa (nhà nước và tư nhân, bao gồm cả hình thức góp vốn hợp tác với nước ngoài) là 92 cụm rạp, còn cụm rạp DN 100% vốn nước ngoài là 46. Tổng số lượng phòng chiếu trên cả nước là 510, trong đó, nội địa là 241, nước ngoài là 269. Tổng số lượng ghế ngồi là 86.500, trong đó, nội địa là 47.700 và nước ngoài khoảng 38.800. Dù số lượng rạp của DN nội địa nhiều hơn, nhưng thực tế phần lớn rạp lại đang ở trong cảnh thu hút mãi chả được khách vì cơ sở hạ tầng và công nghệ lạc hậu. Thực tế, phần lớn doanh thu ở các thành phố lớn đều đang rơi vào túi của những ông chủ các chuỗi rạp hiện đại nước ngoài.

Trong khi CGV liên tục đầu tư mở rộng, sự phản kháng của các đối thủ khác lại tỏ ra khá yếu ớt. Thậm chí hệ thống rạp Platinum Cineplex còn phải ngừng hoạt động tại 3 trung tâm thương mại Vincom. Hiện tại, đối thủ lớn nhất của CGV là Lotte – chiếm thị phần lớn thứ 2 – nhưng cũng chỉ có 29 cụm rạp. Lotte đã từng tuyên bố sẽ tăng vốn đầu tư để mở rộng hơn nữa hệ thống rạp, nhưng những bê bối liên quan tới chính trị tại tập đoàn mẹ ở Hàn Quốc có thể ảnh hưởng tới kế hoạch đầu tư của tập đoàn này ở Việt Nam. Hai đối thủ khác nhỏ hơn là BHD Star và Galaxy Cinema mới đây cũng đã tiến ra thị trường Hà Nội, nhưng sự hiện diện vẫn còn khá mờ nhạt.

Trở lại chuyện cũ, vụ việc tranh cãi về bộ phim “Tấm cám chuyện chưa kể” đã phần nào cho thấy được “quyền lực” của CGV trên thị trường chiếu phim hiện tại.

Ninh Kiều
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp