Giám đốc Google: Báo chí khó khăn, đừng đổ lỗi cho chúng tôi
Gần đây, Financial Review dẫn lời Giám đốc điều hành Google ở Australia và New Zealand Jason Pellegrino cho rằng, không công bằng khi buộc tội Google ăn cắp nội dung,chặn thu nhập và gây hại cho báo chí. Ngược lại,Google đang giúp báo chí phát triển.
Ở Australia, nhiều hãng tin, tờ báo đã phải cắt giảm nhân viên. Thực tế đó khiến nhiều người trong giới chính trị, truyền thông và công nghệ đặt câu hỏi rằng làm cách nào để đảm bảo cho báo chí Australia có một tương lai tốt đẹp hơn?
Theo ông Jason, mặc dù các cuộc khảo sát đều cho thấy sự đánh giá cao của người Australia đối với những ảnh hưởng xã hội và giá trị của báo chí nhưng những đánh giá đó không thể thanh toán được những hóa đơn để giúp các tờ báo tiếp tục hoạt động bình thường cũng như đối mặt với những thách thức cấp thiết như lượng độc giả và doanh thu quảng cáo sụt giảm sau nhiều thập kỉ ổn định.
Tuy vậy, bên cạnh đó cũng có nhiều lý do để lạc quan. Ví dụ, độc giả đang có nhiều sự lựa chọn hơn bao giờ hết. Các tờ báo đang thay đổi cách thức đưa tin và xây dựng kế hoạch thúc đẩy doanh thu mới. Giống như bất cứ ngành nào, sự thay đổi bao giờ cũng có giai đoạn khó khăn.
Theo ông Jason, điều khiến ông ngạc nhiên là gần đây nhiều người cho rằng Google là "kẻ thù" của ngành tin tức hay báo chí. Google bị buộc đã ăn cắp nội dung, tước danh thu của các tờ báo cũng như không có đóng góp gì cho ngành báo chí.
Ông Jason khẳng định, tất cả những cáo buộc trên đều sai lầm nhưng ông hiểu vì sao suy nghĩ phi lý đó lại tồn tại.
Khi nhìn vào những thay đổi lớn trong hành vi của người tiêu dùng (độc giả, doanh nghiệp) để tìm nguyên nhân dẫn đến những khó khăn của báo chí hiện nay, thật khó bỏ qua các yếu tố công nghệ như internet, điện thoại di động, các công cụ tìm kiếm và các mạng xã hội. Và rõ ràng, Google là một trong nhiều công ty đang là động lực cho sự phát triển công nghệ đó.
Mọi người thường nói về vai trò của các công cụ tìm kiếm trên internet như Google trong việc thay đổi cách mọi người tìm kiếm và tiêu thụ thông tin. Vai trò này đã dẫn đến việc quảng cáo được phân phối rộng rãi trên hàng triệu trang web, gây áp lực lên mô hình báo chí truyền thống.
Tuy vậy, theo ông Jason, công nghệ cũng đã đem lại rất nhiều lợi ích cho các tờ báo. Báo chí cũng không phải là đối tượng “đứng ngoài” sự phát triển của công nghệ. Nhiều tờ báo đã sử dụng các trang web và giao diện di động để tiếp cận và thu hút độc giả.
Nếu không có Google…
Nhiều tờ báo cho rằng Google đang sử dụng miễn phí nội dung của họ nhưng họ lại cố sử dụng các công cụ tối ưu hóa tìm kiếm để nội dung của họ được xuất hiện gần nhất trên mục Tìm kiếm hoặc mục Tin tức của Google.
Hơn nữa, các tờ báo đều biết rằng họ có thể rút nội dung của mình khỏi mục Tìm kiếm và mục Tin tức của Google bất cứ lúc nào. Vì vậy, ông Jason nhấn mạnh, không thể nói Google đang cố ăn cắp nội dung của các tờ báo.
Công cụ tìm kiếm của Google đã giúp các nhà xuất bản nội dung đối tác (bao gồm cả các tờ báo) đạt được tổng cộng 10 tỷ lượt truy cập mỗi tháng cũng như cung cấp cho họ nhiều lợi ích khác.
Mối quan hệ cộng sinh
Theo ông Jason, Google ở Australia đã tài trợ cho chương trình đổi mới báo chí thông qua Quỹ Walkley, đào tạo miễn phí cho các nhà báo về cách xác minh thông tin cũng như cách sử dụng dữ liệu, bản đồ và video.
Hơn nữa, Google tích cực hợp tác với các tờ báo ở Australia để tăng doanh thu quảng cáo, tiếp cận độc giả mới thông qua nền tảng DoubleClick.
Google còn nỗ lực phát triển tổng thể của thị trường kỹ thuật số. Mục tiêu của Google là: Google chỉ có thể kiếm tiền khi các đối tác có thể kiếm tiền. Google không hề có ý định làm suy yếu các phương tiện truyền thông hay báo chí.
Công nghệ đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo tương lai tươi sáng cho báo chí Australia và Google cam kết sẽ đồng hành cùng với báo chí để xây dựng một nền báo chí vững chắc, tự do, cởi mở.
Ông Jason cho hay, thông qua sự đổi mới và hợp tác, Google có thể làm được nhiều hơn nữa để giúp các tờ báo. Ông nói: “Chúng ta cần cùng nhau làm việc để xây dựng các mô hình kinh doanh mới nhằm bảo tồn nền báo chí tốt nhất của Australia, nơi cung cấp cho người tiêu dùng (độc giả, doanh nghiệp) đúng thứ mà họ mong muốn”.
Phạm Khánh
Nguồn Infonet