12 công ty biểu tượng không còn thuộc về Mỹ

Burger King, General Electric hay 7-Eleven đều từng là những thương hiệu đình đám một thời của Mỹ nhưng bây giờ đã không còn nữa.

Dưới đây là danh sách các công ty tiêu dùng hàng đầu của Mỹ đã rơi vào tay những doanh nghiệp nước ngoài, theo tổng hợp từ Business Insider.

Budweiser

Chủ sở hữu hiện tại: Anheuser-Busch InBev, nhà sản xuất bia của Bỉ.

Mặc dù người tiêu dùng vẫn còn nhìn thấy dòng chữ “American” trên bao bì, nhưng sự thật là thương hiệu bia Budweiser có lịch sử bắt đầu từ những năm 1850 đã được bán cho tập đoàn bia InBev của Bỉ với giá 52 tỉ USD vào năm 2008.

Ben & Jerrys

Chủ sở hữu hiện tại: Unilever, công ty đa quốc gia của Anh và Hà Lan.

Ben & Jerrys, nhãn hiệu kem của Mỹ được bắt đầu từ hai người bạn thân là Ben Cohen và Jerry Greenfield, sau khi họ mua một trạm xăng cũ và biến nó thành một cửa hàng kem vào năm 1978. Năm 2000, thương hiệu này đã được Unilever mua lại với giá 326 triệu USD.

Ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc sở hữu một phần hoặc toàn bộ các thương hiệu lớn có ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày của người dân Mỹ.

Burger King

12 công ty biểu tượng không còn thuộc về Mỹ

Biểu tượng của Burger King bên ngoài một cửa hàng ở Vienna (Áo). Ảnh: Reuters.

Chủ sở hữu hiện tại: Restaurant Brands International, công ty thức ăn nhanh của Canada.

Năm 1954, James McLamore và David Edgerton đã mở một cửa hàng bánh hamburger nhỏ gọi là “Insta Burger King” ở Miami. Ba năm sau đó, họ đã bỏ chữ “Insta” ra khỏi tên thương hiệu. Năm 1967, bộ đôi đã bán chuỗi cửa hàng của mình cho Pillsbury Company và Burger King trở thành thương hiệu hamburger lớn thứ hai ở Mỹ sau McDonald’s từ khi đó. Trong những thập niên tiếp theo, thương hiệu này đã bị ''sang tay'' nhiều lần sau hàng loạt vụ sáp nhập và mua lại, trước khi trở thành một phần của Restaurant Brands International hiện nay.

Trader Joe’s

Chủ sở hữu hiện tại: Aldi Nord, chuỗi siêu thị của Đức.

Trader Joe’s được thành lập từ năm 1967 khi chủ cửa hàng tiện lợi Joe Coulombe ở California muốn đạt được lợi thế cạnh tranh với 7-Eleven. Mặc dù hiện nay cửa hàng Trader Joe’s đầu tiên vẫn còn được mở tại quê nhà nhưng bản chất công việc quản lý kinh doanh đã thay đổi vì thương hiệu này đã được Theo Albrecht, chủ chuỗi siêu thị Đức Aldi Nord, mua lại vào năm 1979.

Lucky Strike

Chủ sở hữu hiện tại: British American Tobacco, công ty thuốc lá của Anh.

Lucky Strike là thương hiệu thuốc lá bán chạy nhất của Mỹ, được thành lập vào năm 1871 tại Virginia. Tuy nhiên, nó đã rơi vào tay British American Tobacco trong những năm 1970.

General Electric

12 công ty biểu tượng không còn thuộc về Mỹ

Logo của General Electric. Ảnh: Reuters.

Chủ sở hữu hiện tại: Haier, công ty tiêu dùng và điện tử Trung Quốc.

Các thiết bị điện gia dụng của General Electric đã trở thành mặt hàng chủ lực, mang tính biểu trưng đối với người tiêu dùng Mỹ trong hơn một thế kỷ. Nhưng điều này đã thay đổi khi General Electric đã được Haier, công ty thiết bị gia dụng lớn nhất thế giới, mua lại với giá 5,4 tỉ USD vào năm 2016.

American Apparel

Chủ sở hữu hiện tại: Gildan Activewear, công ty may mặc của Canada.

American Apparel đã từng tuyên bố rằng họ là nhà sản xuất quần áo lớn nhất ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, sau hai thập niên hoạt động, công ty đã phải đệ đơn xin phá sản vào năm 2015 và dành hai năm để phục hồi, song cũng không có kết quả khả quan. Năm 2017, công ty may mặc Gildan của Canada đã mua lại quyền sở hữu trí tuệ cũng như một số thiết bị sản xuất của American Apparel với giá 88 triệu USD.

French’s mustard

Chủ sở hữu hiện tại: Reckitt Benckiser, công ty hàng tiêu dùng Anh.

French’ mustard đã xuất hiện tại Hội chợ Thế giới St.Louis khi hai người con của nhà sáng lập R.T. French đem nó giới thiệu kèm với bánh “Hot Dog”. Thương hiệu này đã từng được mua lại bởi một công ty của Anh vào năm 1926, trước khi thuộc quyền sở hữu của Reckitt Benckiser.

7-Eleven

12 công ty biểu tượng không còn thuộc về Mỹ

Một cửa hàng 7-Eleven tại Nhật. Ảnh: Reuters.

Chủ sở hữu hiện tại: Seven & iHoldings, tập đoàn bán lẻ Nhật Bản.

7-Eleven được sáng lập bởi Jefferson Green vào năm 1927 khi ông bắt đầu bán sữa, bánh mì và trứng vào các ngày chủ nhật cũng như ngày lễ trong khi hầu hết các cửa hàng khác đều đóng cửa. Sau vụ tai nạn tài chính vào năm 1987, 7-Eleven đã được Ito-Yokado, một phần của tập đoàn Seven & iHoldings mua lại.

Sunglass Hut

Chủ sở hữu hiện tại: Luxottica Group, tập đoàn mắt kính của Ý.

Sunglass Hut có nguồn gốc ở Miami, nơi Optometrist Sanford Ziff đã thiết lập một ki ốt trong khu mua bán tại thành phố vào năm 1971. Đến năm 1986, ông Ziff đã mở cửa hàng thứ 100 của mình. Tuy nhiên hiện nay thương hiệu mắt kính này đã thuộc sở hữu của Luxottica, với giá mua lại là 462 triệu USD vào năm 2001.

Holiday Inn

Chủ sở hữu hiện tại: InterContinental Hotels, tập đoàn khách sạn của Anh.

Ý tưởng thành lập khách sạn Holiday Inn được ra đời khi nhà kinh doanh Kemmons Wilson, trong một lần du lịch tới Washington D.C cùng với gia đình, đã không tìm thấy nơi nào thoải mái và có giá cả phải chăng để các gia đình ở lại. Song một thời gian sau đó, việc kinh doanh Holiday Inn cũng đã về tay InterContinental Hotels Group trong khoảng thời gian năm 1990.

Hellman’s

Chủ sở hữu hiện tại: Unilever, công ty đa quốc gia của Anh và Hà Lan.

Người Pháp có thể là người đầu tiên sản xuất ra mayonnaise, nhưng Hellman’s mới là đơn vị phổ biến loại sốt nổi tiếng này tới hầu hết các bếp ăn của người Mỹ. Năm 1932, công ty được Best Foods mua lại. Tuy nhiên, đến năm 2000, tập đoàn hàng tiêu dùng Unilever đã có quyền sở hữu Best Foods với giá 20,3 tỉ USD.

Phương Anh
Nguồn Thanh Niên