Taxi đại chiến và nỗi lòng người trong cuộc
Cuộc chiến giữa công nghệ và điều hành thủ công trong ngành taxi dường như đang đến hồi gay cấn nhất, và sẽ không hứa hẹn một kết thúc có hậu…
Kẻ tội đồ
“Dưới góc độ nào đó tôi cũng là… tội đồ”. Cựu tổng giám đốc Mai Linh Taxi Trần Bằng Việt đã từng thừa nhận về một chi tiết khá nóng có liên quan đến cuộc chiến taxi hiện tại.
Chúng tôi đã xin phép ông để khai thác sâu hơn khía cạnh này. “Tôi là một trong những người định đưa My Teksi (tiền thân của Grab) vào Việt Nam vì những vượt trội công nghệ của nó…”.
Thế nhưng, cách mà ông Việt đưa về lại khá “hồn nhiên”. Ông thuyết phục với Mai Linh và một số hãng taxi truyền thống “thuê lại nền tảng công nghệ của My Teksi nhằm phục vụ cho kinh doanh hiện hữu”. My Teksi sẽ được chia sẻ lợi ích theo một tỷ lệ ăn chia nào đó. “Nếu làm vậy chắc Grab đã không bùng nổ ở Việt Nam sau này, hiệu quả của taxi truyền thống và chất lượng dịch vụ chắc chắn đã cao hơn”. Nhưng nỗ lực này đã bất thành vì các bên đã không gặp được nhau ở tỷ lệ ăn chia. Ai cũng cho rằng mình xứng đáng để có được phần lớn hơn nữa.
Việc hợp tác sụp đổ. Tuy vậy, những thông tin và hiểu biết về thị trường lớn nhất nhì khu vực đã được chuyển tới cho tay đua đang lên và nhiều tham vọng My Teksi. Và vài năm, khi đã sẵn sàng hơn, Grab trở lại Việt Nam, nhưng lần này không còn liên quan đến ông, và không phải với vị thế “hợp tác” nữa.
Nỗi ray rứt
Nói chuyện với chúng tôi, ông Việt rất trăn trở. Ông bị giằng xé giữa hai thái cực khác nhau: (1) một chuyên gia muốn tăng hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh, muốn đề cao vai trò của ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp, (2) một người “Việt hoài cổ” nặng lòng với ngành, với nghề và với các đồng nghiệp. Nửa này muốn chứng minh được sự ưu việt của việc ứng dụng CNTT trong việc phục vụ khách hàng và tăng hiệu quả kinh doanh. Nửa kia lại không muốn những “người bạn” của mình, những doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng.
Uber và Grab rất thành công khi vào thị trường Việt Nam. Bên cạnh sự vượt trội về công nghệ và thương hiệu, họ cũng rất chịu khó làm tốt công tác marketing và quan hệ công chúng. Đặc biệt, trong giai đoạn sau, “Grab cực kỳ thành công nhờ tính linh hoạt và khả năng thích ứng rất cao. Grab không chỉ thâm nhập thành công mà còn đang dẫn dắt thị trường rất đặc thù địa phương. Có thể GrabTaxi không được như ý, nhưng họ đã xuất sắc giới thiệu GrabBike, GrabCar rất hiệu quả”.
“Thẳng thắn thì nếu Mai Linh, Vinasun tiếp cận với công nghệ của Uber, Grab từ năm 2012 đến giờ thì chưa chắc ai hơn ai. Nhưng rất tiếc từ đó đến nay Mai Linh và Vinasun vẫn sống với tâm thế mình “đang còn tốt”, và đầu tư chưa đủ quyết liệt cho việc thay đổi”.
Dĩ nhiên, thành công lớn cũng còn cần đến cơ duyên. Grab và Uber nhận ra được cơ hội và tận dụng nó hiệu quả. “Gặp thời xe rẻ, giai đoạn chứng khoán rớt, bất động sản đóng băng, đầu tư xe một tháng tiền lời nhiều hơn gửi ngân hàng một năm. Hàng loạt người đầu tư hàng chục xe, ăn chia với họ, làm cho Grab và Uber bùng nổ”.
Mai Linh không phải là không nhận thức được hay không muốn thay đổi. Nhưng vì chi phí để chuyển đổi là rất cao: tích hợp hệ thống vào hệ thống hiện hành, đào tạo lại hàng chục ngàn con người, đa phần là lao động phổ thông và phân tán khắp cả nước, thay đổi lại hoàn toàn quy trình quản lý – kiểm soát, đối diện với rủi ro trong giai đoạn chuyển đổi… Tất cả những điều đó làm cho tổng chi phí chuyển đổi cao gấp hàng trăm lần chi phí phát triển phần mềm. Trong khi đó, Mai Linh lúc ấy đang gặp quá nhiều khó khăn về tài chính và đang tập trung tuyệt đối cho việc tái cấu trúc để cắt giảm chi phí. Những điều tình cờ cùng lúc này khiến cho việc đầu tư cho thay đổi trở thành việc quan trọng cần làm, nhưng mức độ cấp thiết không phải là ngay lập tức. Và kết cuộc thì mọi người đều đã biết.
“...Nhưng rất tiếc từ đó đến nay Mai Linh và Vinasun vẫn sống với tâm thế mình “đang còn tốt”, và đầu tư chưa đủ quyết liệt cho việc thay đổi”.
Thậm chí là còn đau lòng hơn khi mà từ những năm “còn nhiều điều kiện hơn” 2006-2009, Mai Linh đã đầu tư rất nhiều trong việc tìm hiểu công nghệ, thậm chí đã có nhiều bản ghi nhớ được ký kết với các hãng công nghệ hàng đầu thế giới để triển khai hệ thống điều hành thông minh. Thế nhưng, tính thời điểm là quan trọng. Tại thời điểm đó, bản đồ nền của Việt Nam gần như chưa có gì, độ chính xác của các thiết bị GPS lại quá thấp, trong khi chi phí thiết bị là rất cao, điện thoại thông minh chưa phổ biến… “Nếu lúc đó, chúng tôi có phần mềm hay hệ thống như hiện tại Grab có thì cũng không làm được gì.”
Mong ước
Thị trường taxi trong nước hiện đã khá rõ. Trong số những tay chơi nước ngoài, Grab sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường ít nhất là trong một vài năm nữa. Uber hơi đuối hơn một chút nhưng vẫn là một tay chơi quốc tế đẳng cấp đáng gờm. Một tay chơi quốc tế thứ ba có thể thâm nhập thị trường, có thể trực tiếp, hoặc gián tiếp thông qua việc mua bán sát nhập là Didi (Trung Quốc).
Các doanh nghiệp nhỏ trong nước sẽ dần kém hiệu quả và vắng bóng dần. Các tay chơi nội địa lớn nhất vẫn là Mai Linh trên toàn quốc, Vinasun phía Nam và có thể thêm một đơn vị phía Bắc. Với thời gian, họ sẽ càng trở nên bất lợi và kém hiệu quả hơn.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Việt trầm hẳn lại: “Nếu Mai Linh và Vinasun thật quyết liệt và dứt khoát thay đổi về công nghệ và mô hình quản lý, và nếu họ biết hợp tác với nhau thì họ có thể cùng tồn tại. Và nếu biết vận dụng tốt yếu tố tự tôn dân tộc và xây dựng tốt mối quan hệ với cộng đồng địa phương, họ thậm chí còn có khả năng lật ngược tình thế”.
Một thị trường lý tưởng là một thị trường có khoảng 3-4 doanh nghiệp lớn cùng nhau tồn tại, cùng nhau cạnh tranh. Khi đó, tất cả sẽ cùng có lợi. Kết cục nghiêng về một phía, dù là phía nào, cũng sẽ bất lợi cho khách hàng.
“Tôi sẵn lòng hỗ trợ các doanh nghiệp taxi truyền thống thay đổi. Miễn phí, nếu cần!” Ông Việt như muốn giải quyết chút vướng mắc còn đọng ở trong lòng.
Hương Xuân
Nguồn Tiếp Thị Thế Giới