Việt Nam trở lại tốp 6 thị trường bán lẻ hấp dẫn toàn cầu
Việt Nam đã tăng 5 bậc lên vị trí thứ sáu trong Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) và đây là sự trở lại tốp cao trong bảng xếp hạng mà Việt Nam đã từng đạt được trong lịch sử của chỉ số do hãng tư vấn của Mỹ A.T. Kearney thực hiện, được công bố ngày 5-6.
Theo khảo sát hàng năm về chỉ số GRDI này của A.T. Kearney, năm nay Việt Nam chỉ đứng sau các thị trường lớn là Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE). Việt Nam đã vượt các thị trường đông dân như Indonesia (vị trí trứ 8), hay các nước có thị trường bán lẻ tốt trong những năm qua như Thái Lan (thứ 30), Philippines (vị trí 18), Kazakhstan (thứ 16), Saudi Arabia (thứ 11)...
Điều này cho thấy thị trường bán lẻ trong nước đang hấp dẫn trở lại đối với các nhà đầu tư nước ngoài, bởi Việt Nam đã tuột khỏi danh sách 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới trong năm 2012, trong khi từng đứng đầu danh sách này trong năm 2008, xếp vị trí thứ 6 trong năm 2009, thứ 14 trong năm 2010 và thứ 23 trong năm 2011.
Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng và tăng bậc về chỉ số này trong năm nay được cho là do một phần các luật đầu tư thông thoáng đã góp phần thúc đẩy sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà bán lẻ nước ngoài. Cụ thể, theo A.T. Kearney, Chính phủ đã cho phép 100% quyền sở hữu của các nhà bán lẻ nước ngoài từ năm 2015 (thực tế là từ ngày 1-1-2009 Việt Nam đã cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ) và chính sách ưu đãi tiếp tục thu hút họ.
Điều này thể hiện qua sự tăng trưởng 12,5% trong đầu tư nước ngoài vào năm 2016. Theo hãng tư vấn này, một hiệp định thương mại tự do gần đây được ký kết với Liên minh châu Âu dự kiến sẽ đẩy mạnh hơn nữa đầu tư vào Việt Nam.
Trên thực tế, doanh số bán lẻ trong nước cũng tăng cao trong những năm qua. Cụ thể theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khép lại năm 2016, doanh thu bán lẻ hàng hóa cả nước ước tính đạt 2.670.500 tỉ đồng (tương đương khoảng 118 tỉ đô la Mỹ), tăng 10,2% so với năm trước.
Kết quả doanh thu và mức tăng trưởng này được giới phân tích nhận định là khá cao so với nhiều thị trường khác trong khu vực.
"Thời điểm của Việt Nam dường như đã đến. Nền kinh tế đang chuyển hướng sang các doanh nghiệp tư nhân và các mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao, được kỳ vọng sẽ giúp tăng thu nhập và tiêu dùng trong dài hạn", ông Soon Ghee Chua, Trưởng khu vực Đông Nam Á của AT Kearney nhận định. Ông nói thêm: "Với chính sách ưu đãi của Chính phủ, dân số thành thị và tầng lớp trung lưu tăng trưởng cùng với dân số trẻ, và tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) ước đạt 6,6% trong năm 2017, các nhà bán lẻ nước ngoài có lý do để lạc quan về Việt Nam".
Chỉ số GRDI được công bố lần đầu vào năm 2002, xếp hạng 30 nước đang phát triển hấp dẫn cho việc đầu tư bán lẻ trên thế giới.
Chỉ số này phân tích 25 yếu tố liên quan đến kinh tế vĩ mô và bán lẻ, nhằm giúp các nhà bán lẻ đưa ra các chiến lược toàn cầu và xác định cơ hội đầu tư ở thị trường đang nổi. Nghiên cứu này không chỉ chỉ ra những thị trường hấp dẫn nhất hiện nay, mà còn là những thị trường tiềm năng trong tương lai.
Ngoài ra, thương mại điện tử trong nước cũng đóng góp đáng kể, với doanh số bán hàng dự kiến sẽ tăng 22%, chiếm 1,2% tổng số bán lẻ vào cuối năm 2017. Giảm giá trực tuyến và các chương trình khuyến mãi đang thúc đẩy doanh số bán hàng. Tuy nhiên, AT Kearney lưu ý: các doanh nghiệp sẽ phải cẩn thận và đưa ra chiến lược dài hạn để duy trì sự tăng trưởng này mà không phải giảm giá lớn. Tình hình cho thấy ngày càng có những doanh nghiệp mới gia nhập vào mảng kinh doanh này và các nhà đầu tư đang đặt cược nhiều vào thị trường được cho là đang phát triển nhanh chóng như Việt Nam.
Trên thực tế các nhà bán lẻ nước ngoài ngày càng mở rộng hệ thống kinh doanh ở thị trường trong nước. Theo AT Kearney, mô hình cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ (mini-marts) là phân khúc phát triển nhanh nhất. Circle K và FamilyMart đã bước vào thị trường trong năm 2009 và đang mở rộng mạnh mẽ. FamilyMart dự kiến sẽ có hơn 800 cửa hàng vào năm 2020. 7-Eleven dự định mở cửa hàng đầu tiên của Việt Nam vào năm 2018 theo hợp đồng nhượng quyền với Seven System Vietnam, với mục tiêu mở 1.000 cửa hàng trong 10 năm tới.
Trong khi đó, nhà bán lẻ đến từ Hàn Quốc Lotte Mart dự kiến sẽ mở 60 cửa hàng vào năm 2020 so với con số 13 hiện nay. Emart, nhà bán lẻ hàng đầu của xứ kim chi cũng đã đưa vào hoạt động một trung tâm mua sắm trị giá 60 triệu đô la Mỹ tại TPHCM hay Takashimaya (Nhật) đã mở một trung tâm mua sắm đầu tiên ở Việt Nam, rộng 15.000 mét vuông tại khu trung tâm TPHCM,... Bên cạnh đó, những nhà bán lẻ hiện hữu đang mở rộng chuỗi kinh doanh như Aeon, Auchan, Central Group,...
Về cơ bản, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng vì kênh phân phối bán lẻ hiện đại mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ và phần lớn các siêu thị và trung tâm thương mại chỉ tập trung tại các thành phố lớn. Chính vì thế, có thể nói thị phần bán lẻ hiện đại Việt Nam còn đang bị bỏ ngỏ khá nhiều.
Theo dự báo đến năm 2020, kênh bán lẻ hiện đại sẽ nâng tỷ lệ lên 45%, cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.300 siêu thị, số trung tâm thương mại cũng tăng lên trên 300 và cửa hàng tiện ích lên đến hàng ngàn hay hàng chục ngàn...
Theo hãng AT Kearney, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực năng động nhất trong chỉ số này, chiếm 5 trong số 10 nước đứng đầu trong chỉ số. Ấn Độ dẫn đầu với một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng và sự bùng nổ tiêu dùng. Trung Quốc năm nay chỉ số đã giảm xuống vị trí thứ hai. Ở những nơi khác trong khu vực, đã có sự tăng trưởng ổn định trong bán lẻ hiện đại, bất chấp những trở ngại kinh tế như đồng tiền mất giá của Malaysia và lạm phát gia tăng của Indonesia.
Quốc Hùng
Nguồn The Saigon Times