Giấc mơ bay của ông chủ Google

Larry Page có ô tô bay. Sergey Brin cũng sẽ có một chiếc khí cầu của riêng mình. Brin, đồng sáng lập Google cùng với Page, đã và đang bí mật xây dựng một khí cầu khổng lồ bên trong Nhà chứa máy bay 2 tại trung tâm nghiên cứu NASA Ames Research Center ở Mountain View, bang California, Mỹ, theo những người biết rõ về dự án.

Vẫn chưa rõ liệu chiếc khí cầu này, trông giống như tàu bay Zeppelin, chỉ là một sở thích của Brin hay là một khoản đầu tư tương lai mà Brin sau này muốn đưa nó trở thành một lĩnh vực kinh doanh hái ra tiền. “Xin lỗi, tôi không có gì để nói về đề tài này”, Brin đã trả lời như thế với Bloomberg.

Được biết, cuối tháng 4 vừa qua, công ty mẹ của Google là Alphabet Inc. tiết lộ Công ty đang cho thuê mặt bằng cho một doanh nghiệp trực thuộc Brin gọi là LTA Research & Exploration LLC (LTA thường là từ viết tắt của “Lighter Than Air”, tạm dịch “nhẹ hơn không khí”).

Những người thân cận với dự án cho biết Brin từ lâu đã có niềm hứng thú với khí cầu. Sự say mê của ông đến từ những chuyến đi thăm trung tâm nghiên cứu Ames, nằm cạnh trụ sở của Alphabet. Vào thập niên 1930, Ames là nơi sản sinh ra USS Macon, một tàu bay khổng lồ được phát triển bởi Hải quân Mỹ. Khoảng cách đây 3 năm, sau khi thấy những tấm hình cũ của chiếc Macon, Brin đã nhanh chóng “phải lòng” và quyết định làm một chiếc tàu bay cho riêng mình.

Giấc mơ bay của ông chủ Google

Sergey Brin, đồng sáng lập Google cùng với Page, đã và đang bí mật xây dựng một chiếc khinh khí cầu khổng lồ.

Năm 2015, chi nhánh của Google là Planetary Ventures LLC tiếp quản các nhà chứa máy bay khổng lồ ở Ames từ NASA và đã biến chúng trở thành các phòng nghiên cứu của Công ty. Tàu bay của Brin, vốn không phải là một dự án của Alphabet, cũng đang thành hình ở một trong những nhà chứa máy bay đó: Các kỹ sư đã dựng xong một khung sườn kim loại cho chiếc tàu bay khổng lồ, vốn chiếm phần lớn diện tích của Nhà chứa máy bay 2 ở Ames.

Alan Weston, nguyên Giám đốc Chương trình của Ames, năm nay 60 tuổi, hiện là người phụ trách dự án khí cầu cho Brin, theo những nguồn tin thân cận với vụ việc. Weston có gốc gác phù hợp với một dự án như vậy. Ông có cha mẹ là người Úc, đã trải qua một khoảng thời gian thời niên thiếu tại Thổ Nhĩ Kỳ trước khi vào Đại học Oxford. Tại đó, ông đồng sáng lập câu lạc bộ Dangerous Sports Club vào đầu những năm 1970. Đây là một nhóm những con người thông minh, đam mê mạo hiểm, thích làm những việc “điên rồ” như phóng người qua các cánh đồng vào lưới.

Các thành viên của nhóm được cho là đã phát minh ra hình thức hiện đại của môn nhảy lao đầu có dùng đai an toàn. Weston, chẳng hạn, đã thực hiện một cú nhảy lao đầu khỏi Cầu Cổng Vàng ở Mỹ, sau đó lẩn trốn các nhà chức trách đang chờ đợi trên bờ sông để “tóm” ông. Ông cũng đã leo lên ngọn núi Kilimanjaro ở châu Phi và cố bay lượn xuống đất rồi bị va đập và trật mắt cá chân.

Nhiều năm sau đó, Weston đã gia nhập Lực lượng không quân Mỹ và làm các công việc kỹ thuật trong chương trình Sáng kiến Quốc phòng Chiến lược của Chính phủ Mỹ, được biết đến rộng rãi hơn với cái tên Hệ thống phòng thủ tên lửa Star Wars. Năm 1989 Weston đã giám sát một trong những cuộc thử nghiệm đầu tiên của Star Wars, với mục đích tiêu diệt các tên lửa Nga đang tiến đến khi chúng đang ở giữa không trung bằng vũ khí được phóng từ vũ trụ. Sau khi rời khỏi Lực lượng không quân Mỹ, Weston đã gia nhập NASA và làm việc ở nhiều dự án khác nhau, trong đó có dự án phát triển một tàu đổ bộ mặt trăng. Ông đã rời khỏi NASA vào năm 2013.

Giấc mơ bay của ông chủ GoogleTrong một cuộc trả lời phỏng vấn đài phát thanh trong năm đó, Weston đã mô tả các kế hoạch thực hiện một khí cầu có thể sử dụng để vận chuyển hàng hóa. Ý tưởng của ông là những chiếc tàu bay có thể tiết kiệm nhiên liệu hơn so với máy bay và chuyên chở hàng hóa trực tiếp đến nơi cần đến, hơn là vận chuyển đến những khu vực trung chuyển như sân bay hay trạm hàng hải.

“Các công nghệ khí cầu mới hứa hẹn giảm chi phí di chuyển hàng hóa mỗi tấn/dặm. Nó phụ thuộc vào kích cỡ của con tàu bay. Một khí cầu lớn hơn có thể giảm chi phí nhiều hơn là một khí cầu nhỏ hơn, nhưng có cả mẫu thiết kế những chiếc tàu bay có thể nhấc lên tới 500 tấn trong khi có thể tiết kiệm nhiên liệu hơn cả một chiếc xe tải”, ông nói.

Weston nói đến ý tưởng về nguyên mẫu của một chiếc khí cầu chạy bằng khí heli. “Khí heli trong vỏ bọc chính được trữ trong những túi khí bên trong khí cầu với áp suất nhẹ hơn. Khi bạn làm như thế, khí được đưa từ bên ngoài vào những thứ giống như lá phổi được gắn ở bên hông khí cầu. Và việc nhấc chiếc khí cầu lên cũng tương đương như sức nặng của không khí được thay bằng khí heli…”, ông nói.

Kỹ thuật này, theo Weston, sẽ cho phép chiếc khí cầu chở được tới 500 tấn mà không cần phải có đồ dằn. Tuy nhiên, khi được hỏi về khí cầu, Weston đã thay thông tin của ông trên trang LinkedIn, chỉ viết công việc hiện tại là CEO của Ltare. Sau đó, ông cũng tháo bài đăng này xuống.

Nhìn lại, có nhiều nỗ lực thực hiện những khí cầu loại này trong những năm gần đây. Một dự án như vậy được thực hiện ở Thung lũng Silicon có vẻ như thích hợp vì ở đây, mọi người đang bước vào một cuộc đua phát triển xe bay và những tên lửa nhỏ xíu có thể tái sử dụng. Khí cầu của Brin hoàn toàn độc lập với dự án tàu “nhẹ hơn không khí” được gọi là Calcifer, vốn đã bị tạm gác bởi Google X, bộ phận nghiên cứu thử nghiệm của Google, vào năm 2014.

Page, CEO của Alphabet, đã rót vốn vào ít nhất 2 startup xe hơi bay bí mật, cũng hoàn toàn độc lập với Alphabet. Vào tháng 4, Kitty Hawk Corp. đã tung ra một video quay cảnh một chiếc xe điện cất cánh, bay qua một cái hồ, có người lái ngồi trên xe.

Ngô Ngọc Châu / Tổng hợp
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư