IBM trong cuộc chiến đám mây
Nếu nghĩ rằng IBM đã đi qua thời khắc tồi tệ nhất của cuộc chuyển giao sang đám mây, thì hãy suy nghĩ lại.
5 năm “viết lại” mảng đám mây, tập đoàn công nghệ này đã đối mặt với một cuộc chiến khốc liệt khi một số công ty lớn nhất và giàu nhất thế giới đang ráo riết giành lấy miếng bánh từ Tập đoàn.
Sức ép cạnh tranh
Đầu tháng 5.2017, tỉ phú Warren Buffett tuyên bố “các đối thủ lớn và hùng mạnh” của IBM chính là lý do khiến tập đoàn đầu tư Berkshire Hathaway của ông đã giảm tỉ lệ sở hữu tại tập đoàn công nghệ này. Động thái trên diễn ra sau khi có thông tin cho thấy biên lợi nhuận của IBM bất ngờ giảm xuống trong quý I/2017, làm các nhà đầu tư thêm lo lắng rằng công nghệ cũng như các mảng dịch vụ IT của IBM - vốn vẫn chiếm hơn 50% doanh thu của Tập đoàn - đang chịu sức ép ngày càng lớn.
Đà sụt giảm doanh thu của IBM đã kéo dài tới 20 quý liên tiếp và các chuyên gia phân tích tài chính đã và đang lùi lại thời điểm dự báo khi nào IBM sẽ quay trở lại tăng trưởng.
Tình thế khó xử nhất của IBM chính là sự trỗi dậy của cái gọi là đám mây công cộng, một cấu trúc máy tính mới giúp sử dụng hiệu quả nhất những nguồn lực phần cứng được tập trung nhằm làm giảm chi phí và nâng cao tính linh động.
Đứng thứ ba với khoảng cách khá cách biệt với Amazon và Microsoft trên thị trường này, IBM được dự báo sẽ còn tụt lại đằng sau hơn nữa trước khi năm 2017 kết thúc, theo các ước tính của hãng nghiên cứu IDC. Google, dù là một người chơi nhỏ hơn, đã chứng kiến doanh thu tăng tới 93% trong 6 tháng cuối năm 2016, so với mức tăng chỉ 21% ở IBM.
Khi nói đến “các nền tảng đám mây quy mô lớn” ngày càng chiếm lĩnh thị trường này, chỉ 4 tay chơi toàn cầu (bên cạnh Alibaba ở thị trường Trung Quốc) dường như có khả năng sống sót, theo Frank Gens, chuyên gia phân tích IDC. Trong một thị trường mà quy mô đóng vai trò quyết định, có thể nói IBM đang bị dồn vào chân tường.
IBM thực sự không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải giữ vững vị thế hiện tại, khi hơn 40% doanh thu của IBM bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh từ các dịch vụ đám mây công cộng, theo Steve Milunovich, chuyên gia phân tích tại UBS.
“IBM không thể thất bại trên mặt trận đám mây vì bộ phận này đóng vai trò trung tâm đối với mọi thứ mà họ làm. Bộ phận này buộc phải thành công, không còn đường lui nào khác. Nhưng đó sẽ là hành trình đau đớn cho IBM”, Glenn O’Donnell, chuyên gia phân tích tại Forrester Research, nhận định.
Cách IBM phản đòn là dựa vào những thế mạnh xưa nay của mình. Đó là những tập đoàn lớn và các chính phủ, vốn là đối tượng khách hàng chính của IBM, đều muốn nối kết đám mây công cộng với hạ tầng IT hiện có của mình, theo David Kenny, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách Watson và nền tảng đám mây của IBM. IBM cũng có thể tận dụng một số lợi thế sân nhà. Google, chẳng hạn, chật vật suốt nhiều năm trong việc bán dịch vụ cho những người mua công nghệ “tai to mặt lớn” mà là khách hàng xưa nay của IBM trước khi đại tu mảng điện toán đám mây của mình vào đầu năm ngoái.
Dẫu vậy, giới chuyên gia phân tích xem đám mây công cộng là mặt trận chính quyết định cục diện trong tương lai. Đó là phân khúc “mang tính chiến lược nhất” của thị trường đám mây, theo Gens và là “nơi mà các dịch vụ phần mềm đang được phát triển”.
IBM hành động
IBM đã và đang đặt những quân cờ đúng chỗ, bắt đầu bằng thương vụ thâu tóm SoftLayer vào năm 2013, một công ty vận hành các trung tâm dữ liệu đám mây. Holger Mueller, chuyên gia phân tích tại Constellation Research, đánh giá IBM đã tiến nhanh hơn các đối thủ trong việc xây dựng sự hiện diện toàn cầu cho các dịch vụ đám mây của mình, nhưng ông cũng cho biết IBM đã chưa thể biến điều này thành một lợi thế lâu dài. “Họ luôn luôn có mặt sớm. Đó là điều trớ trêu cho IBM”, ông nói và chỉ ra rằng rủi ro hiện tại là IBM sẽ không thể bắt kịp quy mô khủng của các công ty như Amazon và Google.
Watson - dịch vụ “điện toán biết nhận thức” nổi danh của IBM - chính là con át chủ bài mà Tập đoàn kỳ vọng sẽ giúp chiêu dụ các doanh nghiệp lớn sử dụng nền tảng đám mây của mình. “Chúng ta có hàng trăm khách hàng trên Watson, vận hành các dịch vụ chăm sóc khách hàng, triển khai những phát kiến nội bộ, vận hành chuỗi cung ứng của họ”, Kenny cho biết. Khi ngày càng nhiều khách hàng giao phó dữ liệu của doanh nghiệp mình cho nền tảng đám mây của IBM, Tập đoàn hy vọng điều này sẽ cho nó một lợi thế trong việc trau dồi sự am hiểu và chuyên môn về ngành.
Kenny cho biết hệ thống của IBM đã học được “các cơ cấu dữ liệu” của nhiều lĩnh vực từ ung thư học cho đến ngành thăm dò dầu mỏ, cho IBM có một khởi đầu thuận lợi trong việc xây dựng “trí tuệ nhân tạo cho kinh doanh”. Các nhà quan sát lại bắt bẻ rằng IBM đã hứa hẹn quá nhiều về các năng lực, kỹ năng của Watson và cho rằng điều tốt nhất mà công nghệ này làm được chủ yếu là sàng lọc dữ liệu và nhận diện thông tin hữu ích từ khối lượng khổng lồ các tài liệu doanh nghiệp, hơn là giải quyết các vấn đề nhức nhối nhất của trí tuệ nhân tạo.
“Họ vẽ lên mọi thứ với cây cọ Watson. Họ nên bám vào những gì Watson làm tốt”, O’Donnell nhận xét. Nhưng ông và các chuyên gia phân tích khác đều công nhận IBM, vốn chi ra gần 6 tỉ USD mỗi năm vào nghiên cứu và phát triển, không hề thiếu các công nghệ có lợi thế cạnh tranh. Những tiến bộ gần đây còn có cả việc phát triển một nền tảng có thể thu thập và phân tích dữ liệu từ Internet of Things dựa trên công nghệ mà IBM có được nhờ thâu tóm công ty của Kenny - Weather Company - cách đây 2 năm. Họ cũng ghi nhận nỗ lực của IBM trong việc đưa blockchain (công nghệ đứng sau đồng tiền ảo Bitcoin, đóng vai trò như một sổ cái kỹ thuật số) trở thành xu hướng chủ đạo của điện toán doanh nghiệp.
Nhưng dù cho IBM sở hữu công nghệ tốt, thì Tập đoàn lại chưa đơn giản hóa được cơ chế cung cấp các dịch vụ đám mây mà các doanh nghiệp khác sử dụng. Ngược lại, mô hình kinh doanh của IBM lại được xây dựng dựa trên tính phức tạp, phụ thuộc vào việc sử dụng các đội ngũ chuyên gia tư vấn để kết nối các hệ thống IT của khách hàng.
Kenny nói rằng phần lớn nỗ lực của ông dành cho việc thay đổi cách tiếp cận của IBM đối với các dịch vụ đám mây để làm nó trở nên đơn giản hơn cho các nhà phát triển. Watson, chẳng hạn, đã được chia nhỏ thành một chuỗi các “microservice”, tức các dịch vụ rất nhỏ, mà mỗi dịch vụ này có thể được tiếp cận thông qua một API, hoặc một giao diện điện toán.
Kenny nói: “Chúng tôi phải tạo ra một văn hóa ngay trong lòng một nền văn hóa”, bao gồm phát triển các thước đo mới để theo dõi tình hình hoạt động của mảng đám mây. Điều này cũng có nghĩa là đưa về nhiều người sở hữu các kỹ năng mà ông gọi là “kỹ năng bẩm sinh về đám mây” để họ làm việc song song với những nhân viên lâu năm của IBM. Các vị trí cấp cao được tuyển dụng có Bob Lord, từng là Chủ tịch AOL phụ trách phát triển một kênh phân phối kỹ thuật số mạnh hơn và Michelle Peluso, chuyên gia về marketing tiêu dùng mà năm ngoái được bổ nhiệm làm Giám đốc Marketing, một vị trí hoàn toàn mới tại IBM.
Rõ ràng, IBM có nhiều điều phải làm nếu muốn thay đổi cảm nhận của khách hàng về thương hiệu của mình và thuyết phục các nhà phát triển rằng Công ty có thể tiến nhanh và hiệu quả về phía trước.
Bảo Khánh / FT
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư