Nước giải khát Chương Dương: “Bảo bối” Sá Xị chưa tỏa sáng trong ngành nước giải khát

Sản phẩm nhận diện thương hiệu của công ty cổ phần nước giải khát Chương Dương (CDBECO – SCD) là nước uống có gaz Sá Xị - một sản phẩm độc đáo của Việt Nam có thành phần là quế và hồi rất được ưa chuộng.

Có “bảo bối” Sá Xị nhưng vẫn phải giảm giá năm 2016

Công ty cổ phần nước giải khát Chương Dương (CDBECO – SCD) vừa tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 ngày 25/5.

SCD tiền thân là nhà máy USINE BELGIQUE trực thuộc tập đoàn B.G.I (Pháp). Từ năm 1952 đến trước năm 1975, là nhà máy sản xuất Nước giải khát lớn nhất Miền Nam Việt Nam.

Từ khi chuyển đổi thành công ty cổ phần năm 2004 và chính thức niêm yết trên sàn giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) với mã SCD vào tháng 12/2006, giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên là 60.000 đồng/cổ phiếu, trải qua thăng trầm của thị trường chứng khoán, giá của SCD đã có lúc về dưới mệnh giá (từ 2009-giữa 2013), từ giữa 2013 đến nay thị giá SCD dần phục hồi trở lại, có thời điểm thị giá SCD về gần sát giá phiên giao dịch đầu tiên, hiện giá SCD đang giao dịch quanh mức 42.000 – 43.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, SCD vẫn chưa thực sự phát huy được "bảo bối" của mình là nước Sá Xị để đánh chiếm thị phần trong nước.

Nước giải khát Chương Dương: “Bảo bối” Sá Xị chưa tỏa sáng trong ngành nước giải khát

Năm 2016, ngành nước giải khát Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng cao với mức bình quân tăng trưởng từ 8% đến 12%/ năm. Theo dự báo của Bộ Công thương, thị trường nước ép trái cây rau quả sẽ đạt 6 tỷ lít trong năm 2017 và mức tăng trưởng trung bình là 15%/ năm.

Trong khi đó, tổng sản lượng của SCD mới chỉ 38 triệu lít như muối bỏ bể trong 6 tỷ lít tiêu thụ của thị trường nội địa về nước ép trái cây rau quả, tức chỉ chiếm 0,6% thị phần mảng này.

Một điều quan trọng là thị trường chủ yếu của SCD là khu vực phía Nam, tập trung chủ yếu ở TP.HCM và các tỉnh lân cận. SCD đã xây dựng thị trường tại các tỉnh miền Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên… nhưng vấp phải cạnh tranh với hơn 1.600 cơ sở sản xuất nước giải khát trong nước, trong đó bao gồm các tập đoàn lớn về nước giải khát như Coca Cola, Pepsi… cùng các hãng nước giải khát nước ngoài xâm nhập thị trường Việt Nam và luôn đưa ra chiến lược cạnh tranh giảm giá bán để ép các hãng nước giải khát trong nước.

Năm 2016, SCD đã phải giảm giá bán 4,5% để cạnh tranh với các sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng. Kế hoạch đưa ra thị trường 37,7 triệu lít của SCD vẫn thành công, tăng 25% so với năm 2015.

Chính vì giảm giá để cạnh tranh đã khiến năm 2016 doanh thu thuần về bán hàng và dịch vụ của SCD chỉ đạt 89% kế hoạch và đạt 417 tỷ đồng trên tổng doanh thu 460 tỷ đồng, tuy nhiên doanh thu vẫn tăng 20% so với năm 2015.

Năm 2016, lợi nhuận từ hoạt động tài chính chỉ bằng 82% kế hoạch và đạt 6,8 tỷ đồng. Lợi nhuận từ hoạt động khác chỉ đạt 959 triệu đồng, bằng 47% kế hoạch và bằng 11% so với năm 2015 vì phải bù lỗ thanh lý tài sản cố định và nguyên vật liệu lý, và cũng không có các khoản thu nhập bất thường như năm 2015 gần 11 tỷ đồng.

Nước giải khát Chương Dương: “Bảo bối” Sá Xị chưa tỏa sáng trong ngành nước giải khát

Nguồn: Báo cáo thường niên SCD.

Tuy nhiên, tổng lợi nhuận trước thuế năm 2016 vẫn vượt 8% kế hoạch và đạt 37,8 tỷ đồng, vượt 15 % so với năm 2015.

Do đó, năm 2016, cổ đông của SCD được hưởng lợi từ việc lợi nhuận tăng 8% nên mức cổ tức chia cho cổ đông được nâng lên từ 15% lên 25%.

Phấn đấu năm 2017, công ty đạt 38,8 triệu lít nước giải khát các loại, chỉ tăng gần 3% so với năm 2016.

Tổng doanh thu dự kiến 470 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 34,9 tỷ đồng, chỉ bằng 95% so với năm 2016. Do đó, lợi nhuận trước thuế dự kiến 37,9 tỷ đồng, không tăng so với năm 2016. Cổ tức 20%.

Nước giải khát Chương Dương: “Bảo bối” Sá Xị chưa tỏa sáng trong ngành nước giải khát

Nguồn: SCD.

Năm 2017, mục tiêu doanh thu chính của SCD là tiêu thụ trên 4,5 triệu thùng nước giải khát dạng lon (30,4 triệu lít), tương ứng 430 tỷ đồng, tiếp đến là 923.000 thùng nước giải khát dạng chai thủy tinh (5,2 triệu lít), tương ứng 43 tỷ đồng…

Một khó khăn cốt yếu của SCD là việc thay đổi công nghệ sản xuất mới vẫn phải chờ phê duyệt từ công ty mẹ là Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) để xây dựng nhà máy mới với 60.000m2 đất tại Khu công nghiệp Tây Bắc – Củ Chi (TP.HCM).

Tuy nhiên, việc nhận chuyển nhượng 60.000m2 đất này chưa xong nên hoạt động kinh doanh tại trụ sở chính 606 Võ Văn Kiệt, quận 1, TP.HCM gặp khó khăn do liên quan đến pháp luật về môi trường và khai thác nước ngầm.

Sản phẩm độc đáo nhưng quảng cáo èo uột

Hiện sản phẩm của SCD chia thành 2 chủng loại: nước giải khát có gaz và nước giải khát không gaz. SCD nổi bật với loại nước giải khát có gaz Sá Xị, Soda. Hiện SCD mở rộng sản phẩm sang các chủng loại nước giải khát trái cây: Mãng Cầu, Dâu, Cam, Chanh, Bạc Hà, Nha Đam…

Thế mạnh của SCD là dòng sản phẩm nước giải khát có gaz Sá Xị rất phù hợp với khẩu vị của người dân miền Nam và dân miền Tây, hay sản phẩm đặc trưng và gần như duy nhất trên thị trường là Bạc Hà Chương Dương nhưng lại chưa thể “gây bão” trên thị trường như C2, trà xanh 0 độ…

Nguyên nhân, chiến lược quảng bá thương hiệu, sản phẩm của SCD so với các đối thủ còn quá yếu, trong khi xu hướng thị trường luôn đổi mới và cạnh tranh gay gắt do các công ty cùng ngành luôn áp dụng công nghệ mới và duy trì ngân sách marketing lớn như: Coca Cola, Pepsi, THP, URC....

Bên cạnh đó, SCD vẫn đang vật lộn với công nghệ cũ từ năm 1975 và một số dây chuyền sản xuất năm 2000, do đó chưa thể đáp ứng nhu cầu thị trường về việc sản xuất các dòng sản phẩm mới.

Nước giải khát Chương Dương: “Bảo bối” Sá Xị chưa tỏa sáng trong ngành nước giải khát

Nguồn: SCD.

Trong khi đó, thị trường chính của SCD chủ yếu tập trung ở những khách hàng lớn, khu vực TP.HCM, Long An, Bình Dương.

Thời gian tới, SCD sẽ tăng cường tập trung tiếp thị thương mại tại khu vực Miền Đông, Tây Nguyên, miền Bắc và các tỉnh thuộc khu vực sông Hậu để mở rộng thị trường đáng lẽ đã phải giành thị phần từ lâu.

Tuy nhiên, nguồn kinh phí cho công tác tiếp thị SCD vẫn phải lấy từ nguồn lợi nhuận vượt trong năm 2017. Thực ra, đối với công ty kinh doanh hàng tiêu dùng mà không có chi phí tiếp thị nhãn hàng đến người tiêu dùng là một thiệt thòi lớn, trong khi đó SCD chỉ có nguồn trích từ 20% lợi nhuận vượt của năm 2017. Dự kiến lợi nhuận sau thuế của năm 2017 là 30,3 tỷ đồng, chỉ tăng 1% so với năm 2016. Liệu SCD vượt bao nhiêu % kế hoạch lợi nhuận để có chi phí cho marketing, mở rộng thị trường? Nếu không có chiến lược độc lập và coi marketing là chi phí cần có trong hoạt động, có thể SCD rơi vào cái vòng luẩn quẩn.

Hiện cổ đông lớn nhất của SCD là Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) nắm giữ 61,9% vốn điều lệ. Công tư Cổ phần Đầu tư Mạo hiểm nắm giữ 12,47% vốn điều lệ. Quỹ PYN Elite Fund (Non-Ucits) nắm giữ 5,77% vốn điều lệ.

Hoàng Anh
Nguồn BizLive