Đi tìm biểu tượng của doanh nghiệp lớn
Ngày nay, một doanh nghiệp (DN) được cho là lớn khi hội đủ 3 điều kiện: làm chủ công nghệ, xây dựng thương hiệu toàn cầu và có hệ thống phân phối tốt. Trong đó, công nghệ được xem là biểu tượng của DN.
Phát biểu tại Diễn đàn Toàn cảnh nền kinh tế 2017 vừa qua, TS. Võ Trí Thành cho biết, "VN500" của Việt Nam phần lớn là công ty, DN có tài sản "to", đóng thuế "to", lợi nhuận "to", số lượng công nhân "to" nhưng chưa lớn. Để gọi là DN lớn, theo TS. Thành, DN phải hội đủ ba điều kiện: làm chủ công nghệ, xây dựng thương hiệu toàn cầu và có hệ thống phân phối tốt. Trong đó, công nghệ được xem là biểu tượng của DN.
Về năng lực làm chủ công nghệ, các DN sản xuất, kinh doanh Việt Nam hiện ở mức thấp so với mặt bằng chung của thế giới. Một trong những nguyên nhân là do DN chưa đầu tư đúng và đủ vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), một trong những khâu quan trọng để nâng cao công nghệ sản xuất.
Mặt khác, do phần lớn là DN nhỏ và vừa, thiếu vốn, khó tiếp cận nguồn vốn, và lãi suất vay không ổn định cũng góp phần khiến DN không thể tập trung đầu tư cải tiến, nâng cao công nghệ sản xuất. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, các DN lớn ngày nay cũng từng là DN nhỏ, điều khác biệt là ở tầm nhìn chiến lược của những người lãnh đạo.
Chia sẻ về kế hoạch đầu tư cho công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, ông Trần Bá Dương - CEO kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải cho biết: "Để đầu tư và sở hữu công nghệ hợp lý trong kinh doanh cần nghiên cứu sâu bản chất ngành nghề của DN. Trong lĩnh vực ô tô, có thể nói, về năng lực sản xuất ô tô, Việt Nam không làm được cả cái xe, đặc biệt là xe con. Vậy chỉ cần tiến tới làm tốt khâu R&D, kiểm soát phân phối, sản xuất cái gì rẻ, thuộc về chiến thuật công nghệ thì làm, còn lại giao cho bên ngoài.
Việt Nam ở sát bên công xưởng thế giới là Trung Quốc, nên hiện nay hầu hết các hãng xe đều chỉ duy trì phát triển sản phẩm và phân phối, khâu sản xuất chuyển cho Trung Quốc. Về sản xuất xe tải, xe buýt, hiện Trường Hải cũng chỉ thực hiện 40% công nghệ thiết kế, thuê 60%, còn thì chỉ tập trung làm thương hiệu và phân phối. Linh kiện chính cũng được Trường Hải mua công nghệ về làm và giữ bản quyền".
Ông Dương dẫn chứng trường hợp điển hình về sự đầu tư đúng hướng vào công nghệ của tương lai, trong dài hạn là Hãng sản xuất ô tô điện Tesla. Năm 2016, Tesla chỉ sản xuất 2 mẫu xe và bán được khoảng 4.000 chiếc, nhưng do nghiên cứu và đầu tư vào công nghệ tự lái, hướng vào năng lượng sạch, sử dụng điện là tiềm năng của tương lai nên Tesla có giá trị khoảng 51 tỷ USD, cao hơn GM và Ford.
Mặc dù hiện Tesla lỗ 900 triệu USD/năm, trong khi GM lời 8 tỷ USD/năm, Ford lời 6 tỷ USD/năm nhưng giá trị của hai hãng này vẫn thấp hơn Tesla. Điều này cho thấy, giá trị của một DN không nằm ở số tài sản DN tích lũy được mà ở việc nắm giữ công nghệ nào và tạo ra giá trị mới gì trong lĩnh vực của DN đó.
Đánh giá vai trò của việc đầu tư công nghệ trong kinh doanh và phát triển, bà Vũ Thị Thuận - Chủ tịch HĐQT Traphaco cho biết: "Trước khi xây dựng kế hoạch đầu tư và phát triển, chúng tôi xem xét năng lực, xác định thách thức, cơ hội cũng như những mặt hạn chế của DN để từ đó đặt ra mục tiêu phát triển.
Căn cứ vào ngành nghề của DN để xác định tốc độ tăng trưởng đúng, phù hợp. Ngay từ năm 2000, lúc đó Traphaco tuy còn rất nhỏ nhưng chúng tôi đã xác định mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững bằng cách đầu tư sản xuất sản phẩm theo chuẩn ISO của ngành, nâng cao giá trị từ việc đầu tư cho vùng nguyên liệu sạch, nhà máy sản xuất với công nghệ sạch, xanh, sản phẩm xanh thân thiện với môi trường".
Bà cũng chia sẻ thêm: "Trong khi vài năm gần đây thị trường mới bắt đầu quan tâm đến sản phẩm xanh, sạch thì Traphaco đã làm được 10 năm. Ai có thể hình dung một công ty cổ phần có vốn 9,9 tỷ đồng, không một tấc đất, không thương hiệu, nhưng đến ngày nay thị trường chứng khoán đã định giá Traphaco trên 4.000 tỷ đồng. Năm 2008, khi chúng tôi lên sàn, giá trị quản trị được đánh giá rất cao".
Về công nghệ phát triển sản phẩm, Traphaco cũng đã tập trung đầu tư cho hoạt động R&D để tạo ra sản phẩm khác biệt. "Traphaco tự hào có hai sản phẩm hiện đứng đầu ngành dược là Hoạt huyết dưỡng não và Amorvita. Hoạt huyết dưỡng não đơn giản được bào chế từ 100% dược liệu nguồn gốc thảo mộc nhưng chiếm 20% thị phần của mảng thuốc tăng cường tuần hoàn não, giúp chúng tôi khẳng định thương hiệu từ năm 2008 và được đánh giá là thương hiệu số 1 của ngành dược", bà Thuận cho biết.
Cũng theo bà Thuận, các DN Việt Nam nên sử dụng những công cụ quản trị như ISO, 5S, KPI trong sản xuất, kinh doanh. Và để có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của hệ thống quản trị sản phẩm và con người trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, người lao động sẽ phải nỗ lực và không ngừng phấn đấu. Do DN nào cũng phải tiêu tốn một khoản chi phí lớn cho nhân sự nên cần có hệ thống quản trị công nghệ để tinh gọn bộ máy, nâng cao các kỹ năng.
Phạm Thủy
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn