Chuỗi siêu thị Đức đe dọa soán ngôi Wal-Mart
Chuỗi siêu thị Aldi của Đức đang cố gắng để đánh bại nhà bán lẻ lớn nhất thế giới là Wal-Mart bằng chính sở trường của Wal-Mart: giá thấp.
Theo CEO Jason Hart của chi nhánh Aldi tại Mỹ, các nghiên cứu nội bộ của Aldi cho thấy giá của hãng này thấp hơn 21% so với các đối thủ có mức giá thấp nhất, bao gồm cả Wal-Mart. Hart có ý định là sẽ tiếp tục duy trì khoảng cách này.
Chiến lược mới của Hart tập trung vào việc bổ sung thêm nhiều hàng hóa mang nhãn hàng riêng (private label) của Aldi để giành được nhóm khách hàng thích giá rẻ, cũng như mở rộng quy mô thật lớn để lấp chỗ trống trong thị trường bán lẻ Mỹ. Từ năm 2014 tới nay, đã có tới 18 chuỗi siêu thị bán tạp hóa bị phá sản tại Mỹ.
Hiện tại, Aldi đã có 1.600 cửa hàng tại Mỹ. Kế hoạch của Hart là chi 1,6 tỷ USD để mở rộng và sửa đổi 1.300 cửa hàng, và mở thêm 400 cửa hàng mới ở Florida, Texas và cả hai bên bờ Đông & bờ Tây vào cuối năm 2018. Ông cũng cam kết Aldi sẵn sàng thay đổi giá thường xuyên hơn để ứng phó với các đối thủ nếu thấy cần thiết.
"Chúng tôi đang thay đổi hàng hóa, tân trang lại cửa hàng, nâng cấp các nhóm sản phẩm của mình và tập trung vào việc tăng doanh số để thu hút khách hàng đến mua sắm tại Aldi và chúng tôi có thể đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng nhiều hơn trước đây", ông Hart cho biết. Doanh thu của Aldi tại Mỹ đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua.
Theo các nhà phân tích, mặc dù chỉ chiếm khoảng 1,5% thị trường tạp hoá của Mỹ, Aldi đang tăng trưởng 15% mỗi năm, trong khi Wal-Mart dù đang kiểm soát khoảng 22% thị phần nhưng doanh số ước tính chỉ tăng khoảng 2% trong năm nay.
Tiềm năng tăng trưởng của Aldi đã khiến các đối thủ cạnh tranh phải chú ý. Reuters đưa tin vào tháng 2 rằng Wal-Mart đang chạy thử nghiệm giá ở 11 bang, ép các nhà cung cấp phải đưa ra được giá thấp hơn 15% so với Aldi và các đối thủ khác, và dự kiến sẽ chi khoảng 6 tỷ USD để giành lại danh hiệu là công ty dẫn đầu về giá thấp.
Các cuộc chiến giá cả đang lan rộng khắp toàn bộ ngành bán lẻ Mỹ, từ các trung tâm thương mại đến các chuỗi cửa hàng siêu giảm giá, nhưng không nơi nào khốc liệt như ngành tạp hóa. Ngoài việc Wal-Mart cạnh tranh với Aldi về giá, một chuỗi siêu thị giá rẻ khác của Đức là Lidl dự kiến sẽ mở thêm 100 cửa hàng tại Mỹ mỗi năm, và Amazon cũng đang thử nghiệm mạnh mẽ các hình thức cửa hàng tạp hóa khác nhau cùng với việc phát triển dịch vụ giao hàng tạp hoá Amazon Fresh.
Chuyên gia phân tích giá cả hàng đầu Scott Mushkin, giám đốc điều hành của Wolfe Research, cho biết: "Chúng tôi chưa từng thấy một tình thế nào như vậy trước đây trong ngành hàng tạp hoá ở Mỹ".
Sự cạnh tranh nóng như vậy dẫn tới nguy cơ về một cuộc chạy đua giảm giá, có thể khiến nhiều nhà bán lẻ phải đóng cửa.
Ông Burt Flickinger, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Strategic Resource Group, cho biết: "Với sự mở rộng của Aldi, sự gia nhập của Lidl, phản ứng của Wal-Mart và tham vọng phát triển của Amazon, sẽ khá hợp lý nếu vòng quay phá sản và thanh lý trong lĩnh vực này tăng nhanh trong vài năm tới".
Soán ngôi Wal-Mart
Theo ông Hart, Aldi có một chiến lược đơn giản để giành được nhiều khách hàng hơn: đưa ra giá thấp hằng ngày,
Ông nói: "Chúng tôi không làm cho khách hàng của mình phải thấy rối loạn với đủ thứ hình thức khuyến mãi: giảm giá, coupon, chương trình khách hàng trung thành có đóng phí”.
Bốn nhà phân tích và tư vấn được Reuters liên hệ đã khẳng định Aldi hiện cung cấp mức giá thấp nhất cho các sản phẩm tiêu dùng mang nhãn hàng riêng (private label) tại các tiểu bang mà chuỗi siêu thị này hoạt động. Dù vậy, họ cũng cho biết rằng Wal-Mart đang lấy lại ưu thế tại các bang mà tập đoàn đang tiến hành thử nghiệm giá mới.
Theo các nhà phân tích, tùy theo sản phẩm, giá của Aldi rẻ hơn hầu hết các mặt hàng thương hiệu riêng của đối thủ, cũng như mặt hàng của các thương hiệu mạnh nhất. Hart cho biết mức chêch lệch giá 21% giữa Aldi và các đối thủ được tính bằng cách so sánh một giỏ hàng tương đương.
Aldi đã thiết kế nên trải nghiệm mua sắm được tinh giản tối ưu (no-frills shopping) để giúp giữ cho chi phí thấp, và chỉ tập trung trữ những mặt hàng có khối lượng bán thật lớn. Hart cho biết việc tập trung bán các mặt hàng mang nhãn hàng riêng thay vì các thương hiệu nổi tiếng là chìa khóa cho phép Aldi điều chỉnh giá bất cứ khi nào họ muốn.
Aldi và Wal-Mart không đưa ra những con số cụ thể, nhưng các nhà phân tích bao gồm Mushkin và Flickinger nói Aldi có khoảng 1.200 loại sản phẩm (SKU), trong đó 90% là nhãn hàng riêng. Wal-Mart có khoảng 30.000-40.000 SKU tương tự các sản phẩm của Aldi, và chỉ có 30 % trong đó là nhãn hàng riêng.
Việc trữ nhiều loại sản phẩm khác nhau có thể khiến Wal-Mart khó điều chỉnh giá vì hãng này phải cần nhận được sự cam kết từ các nhà cung cấp trước tiên, và nhiều lần vấp phải sự từ chối của các nhà sản xuất như Procter & Gamble, Unilever và thậm chí các thương hiệu nhỏ hơn. Theo các nhà phân tích giải thích, các công ty nói trên lo ngại rằng việc giảm giá có thể làm giảm giá trị thương hiệu của họ.
Một phát ngôn viên của Wal-Mart đã từ chối bình luận, và nói rằng công ty sẽ không bình luận về chiến lược của đối thủ cạnh tranh. P&G và Unilever đã không trả lời câu hỏi của Reuters.
Nhưng sự tăng trưởng bùng nổ của các sản phẩm mang nhãn hàng riêng đã lọt vào tầm quan sát của CEO Doug McMillon của Wal-Mart . Tháng trước, ông nói với các nhà phân tích rằng các sản phẩm mang nhãn hàng riêng sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn, do sự xuất hiện rộng rãi của các sản phẩm thương hiệu lớn trên các kênh mua sắm trực tuyến sẽ làm giảm biên lợi nhuận của các sản phẩm này theo thời gian.
"Aldi đang 'phá bĩnh' ngành bán lẻ theo cách mà Wal-Mart đã từng làm khi họ mới bắt đầu", Flickinger của nhóm Strategic Resource Group cho biết.
Chạy đua mở thêm cửa hàng
Nỗ lực mạnh mẽ của Aldi để thiết kế lại các cửa hàng sẽ cho phép công ty bổ sung thêm các sản phẩm nhãn hiệu riêng mới vào các nhóm hàng đang phát triển nhanh chóng, chẳng hạn như thực phẩm tươi sống.
Ông Scott Patton, phó chủ tịch phụ trách mua hàng của Aldi nói: "Việc thiết kế lại cửa hàng hướng tới việc gia tăng doanh số bán ra, có nghĩa là sức mua tăng lên, từ đó sẽ giúp chúng tôi giảm giá nhiều hơn nữa”.
Đến xem cửa hàng Aldi mới ở Wheaton (Illinois), các phóng viên của Reuters nhận ra nhiều sự khác biệt khi các kệ để hàng mới hơn, lối đi rộng hơn và ánh sáng rực rỡ hơn so với các cửa hàng Aldi điển hình. Aldi cũng có thêm nhiều mặt hàng mới như các sản phẩm tươi, hữu cơ, không chứa gluten và các loại thịt không chứa chất kháng sinh. Đây là những mặt hàng mà Aldi cho biết đang tăng trưởng doanh số nhanh nhất tại các siêu thị của hãng.
Đơn cử, doanh số của dòng sản phẩm nhãn hiệu riêng Simply Nature đã tăng 53% lên 300 triệu USD vào năm 2016, so với một năm trước đó.
Aldi cũng đã mở các cửa hàng mới gần các đại siêu thị (supercenter) của Wal-Mart để hưởng lợi từ những khách hàng quan tâm đến giá cả. Tổng số siêu thị của công ty được dự kiến sẽ tăng lên 2.000 vào cuối năm tới, bằng khoảng 42% số siêu thị Wal-Mart ở Mỹ.
Bá Ước / BI
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư