Bán hàng là bán lời hứa, bán cam kết
“Nhiều lúc em thấy mình bán hàng không có cảm xúc, nhàm chán bởi cứ nói đi nói lại một nội dung về sản phẩm của mình, lâu ngày những cảm giác đó ngày một nhiều hơn, đôi lúc thấy mình nói theo phản xạ, thói quen.”
Đó là chia sẻ của Việt Anh, chàng thanh niên bán sản phẩm sơ mướp Vi Lâm trong buổi huấn luyện với chủ đề: “Kinh nghiệm bán hàng và tiếp thị sản phẩm” tại Phiên chợ Xanh – Tử tế lần thứ 43.
Cả khán phòng với vài chục người là chủ cơ sở, HTX, các doanh nghiệp nhỏ… có vẻ như đều đồng ý, bán tán, chia sẻ và đồng cảm với câu hỏi của Việt Anh. Có lẽ mọi người đang kinh doanh và bán hàng ở đây (trong Phiên chợ Xanh – Tử tế) đang gặp phải điều này ở những mức độ khác nhau.
Đáp lại, chuyên gia Trương Cẩm Minh, giám đốc điều hành công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao chữ Tâm cho hay, việc các bạn bán hàng được một thời gian rồi không thấy cảm xúc là có thật, bởi không biết cách sáng tạo trong việc bán hàng.
Cầm ngay một sản phẩm túi xơ mướp dùng để đựng xà bông của Vi Lâm, chuyên gia Cẩm Minh nói: “Tôi mua ở hội chợ HVNCLC TPHCM vừa rồi, về không biết làm gì, tôi định dùng đựng điện thoại, bà xã nói thế thì trầy xước hết. Sau đó tôi mới biết, thứ này để đựng bánh xà bông dùng khi mình tắm.”
Đó, chỉ một chi tiết nhỏ đấy thôi nhưng cũng cho thấy rằng, bán hàng mà không tư vấn hay có những hướng dẫn cho khách hàng thì rất đáng tiếc và đáng trách.
Các bạn nói không có cảm xúc, vậy hãy sáng tạo ra những điều mới mẻ cho sản phẩm đi, hãy cho người tiêu dùng biết họ phải làm gì với sản phẩm này, chỉ cho họ thêm nhiều cách khác.
Như sản phẩm túi đựng xà bông bằng sơ mướp này, tôi không dùng đựng xà bông, mà dùng nó treo lên trong nhà tắm để đựng bàn chải đánh răng, “nhìn rất thiên nhiên, cảm giác như mình ở trong resort cao cấp vậy”, chuyên gia Trương Cẩm Minh nói.
Củng cố thêm điều này, chuyên gia Trương Cẩm Minh cho rằng, có nhiều doanh nghiệp tồn tại hàng trăm năm với một vài sản phẩm, do người ta luôn biết cách tìm tòi, sáng tạo trong bán hàng, đem lại trải nghiệm mới cho người dùng…
“Bởi bán hàng là bán một lời hứa, một cam kết chứ không phải bán sản phẩm”. Và khi đó là một lời hứa với khách hàng, người tiêu dùng thì nó sẽ quan trọng hơn là một sản phẩm.
Do đó, trong các sản phẩm, phải gắn vào đó những sự tiện dụng, cùng một nội dung, nhưng cách nói khác nhau thì sẽ đem đến cho người tiêu dùng những cảm giác khác.
Nhiều người bạn tôi khi mua một sản phẩm nông nghiệp, họ rất thích, nhưng khi về dùng, trong gói sản phẩm lại không có thông tin gì về địa chỉ (name card) để có thể mua khi dùng hết. Đó là bạn đã mất đi một cơ hội để gia tăng thêm doanh số bán hàng của mình.
Khi bán hàng, hãy cố gắng tác động đến 5 giác quan của người tiêu dùng, và hãy cố gắng thu thập thông tin từ những khách hàng đó làm cơ sở dữ liệu cho mình.
Chuyên gia Trương Cẩm Minh khuyên, khi bán hàng, hãy cố gắng tác động đến 5 giác quan của người tiêu dùng, và hãy cố gắng thu thập thông tin từ những khách hàng đó làm cơ sở dữ liệu cho mình.
Và một người bán hàng giỏi phải có câu chuyện hay để kể cho người tiêu dùng, thuyết phục họ mua hàng.
Bán hội chợ, phải khuyến mãi
Chia sẻ thêm chuyên gia Trương Cẩm Minh cho hay, thông thường khi đi hội chợ, người tiêu dùng có tâm lý đi đến đó sẽ được mua hàng giảm giá, khuyến mãi lớn…
“Các bạn bán hàng nông sản xanh, hoa, củ, quả cũng thế, đừng nghĩ điều này chỉ cho các ngành hàng khác, đó là một sai lầm”.
Vừa rồi tôi thấy tại Hội chợ HVNCLC, hầu như các bạn không khuyến mãi hay giảm giá nhiều.
Ngoài ra, khi bạn đang đi đâu đó, tình cơ gặp khách hàng tiềm năng của mình, bạn phải có đủ “vũ khí” để chiến đấu luôn. Phải “show” ra cho người đó biết mình có gì, (bằng name card, bằng sản phẩm, bằng giấy chứng nhận…).
Nó như kiểu khi chúng ta ra chiến trường giáp mặt với địch, sờ đến vũ khí mà không có thì coi như thua ngay từ phút đầu, chuyên gia Trương Cẩm Minh chia sẻ.
Trần Quỳnh / BSA
Nguồn Tiếp Thị Thế Giới