Thời tàn “mua chung”, ngán ngẩm voucher giảm giá ăn uống
Cũng từng như một trào lưu của giới trẻ, groupon hay còn gọi là mua chung tại Việt Nam gần như đã hết thời. Những công ty còn hoạt động cho tới nay đã phải liên tục thay đổi mô hình kinh doanh.
Được hình thành vào cuối năm 2008 tại Mỹ, Groupon = Group + Coupon đã nhanh chóng lan rộng ra nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Theo mô hình này, người tiêu dùng cùng mua hàng hóa, dịch vụ trực tuyến tại cùng một thời điểm để hưởng ưu đãi, với sự tham gia của nhiều nhà cung cấp.
Hình thức mua hàng theo nhóm tạo điều kiện cho người mua được hưởng siêu khuyến mãi từ 50% đến 80% giá trị thực, đánh trúng tâm lý của người tiêu dùng.
Năm 2011, mô hình bán hàng theo nhóm phát triển khá mạnh mẽ. Hàng loạt trang web ra đời. Việt Nam có khoảng hơn 100 trang web cung cấp dịch vụ này, có thể kể tới như Phá giá, Muachung, Cực rẻ hay Nhóm mua, Hotdeal,... Hàng ngày, các chương trình khuyến mãi đều đặn được cập nhật, số lượng người mua tăng ngay sau mỗi lượt công bố.
Được quảng cáo là rẻ hơn nhưng thực tế, sau một thời gian trải nghiệm, người tiêu dùng đã ngán ngẩm vì dường như mình đang bị “lừa”. Thậm chí, họ còn hô hào tẩy chay hình thức mua bán kiểu này. Hậu quả là những deal thực sự có chất lượng bị ảnh hưởng và các doanh nghiệp uy tín khác chưa tham gia nhìn thị trường này với con mắt đầy e ngại.
Nhưng ngay cả trong thời cực thịnh của phong trào mua phiếu khuyến mãi, các nhà hàng nhận ra rằng đây không phải là sân chơi của họ. Khách hàng sử dụng phiếu khuyến mãi có mức giảm giá lớn không bao giờ trở lại nhà hàng để ăn với giá chưa giảm, mà chờ đến khi có giảm giá mới mới trở lại. Trong khi đó, nhiều khách hàng lại cảm thấy thất vọng vì các gói khuyến mãi được giới thiệu hấp dẫn nhưng chất lượng thì không như vậy.
Năm 2012, Công ty cổ phần VNG thông báo ngừng mọi hoạt động của website bán hàng theo nhóm Zingdeal, sau 15 tháng kinh doanh. Ngay sau đó, Nhommua thuộc công ty Nhóm Mua, đơn vị chiếm trên 50% thị phần mua hàng theo nhóm cũng phải tạm ngừng hoạt động. Đến ngày 17/11, Nhóm Mua đã hoạt động trở lại, tuy nhiên, một khách hàng cho biết, sau sự cố đã ngần ngại việc mua hàng theo dịch này.
Tới nay, hoạt động của các web bán hàng theo nhóm không còn thịnh hành như trước. Để tồn tại, nhiều trang web chuyển sang bán mã giảm giá, voucher ăn uống, nhà hàng khách sạn và các dịch vụ.
Anh Nguyễn Thanh Hùng, một chủ nhà hàng, cho biết, việc liên kết voucher trên mạng chủ yếu để quảng bá thương hiệu. Về hiệu quả, các quán ăn gần như không có lãi. “Thông thường, mức giá mình bán ra không được cao hơn so với niêm yết tại quán, vừa giảm giá lại còn chiết khấu cho các website voucher nên việc có lợi nhuận là không thể”, ông Hùng nhận định.
Trong khi đó, người tiêu dùng cũng cho rằng, việc mua voucher giảm giá không còn thịnh hành do chất lượng không đúng như quảng cáo. Nhiều quán ăn, nhà hàng tự nâng giá sau đó giảm hoặc có sự phân biệt với những khách dùng voucher. Chính vì thế, chỉ sau thời gian ngắn, người tiêu dùng không còn mặn mà với loại hình này.
Trên một diễn đàn có chủ đề chia sẻ về những chiêu thức lập lờ khi bán voucher nhận được hàng trăm lượt bình luận với nhiều câu chuyện “dở khóc dở cười”.
Có thể nói, những mô hình kinh doanh theo xu hướng có nhiều tiềm năng nhưng cũng không ít thách thức do thị trường thay đổi liên tục. Theo đánh giá của các chuyên gia, đảm bảo chất lượng vẫn là yếu tố quan trọng nhất để tồn tại.
Nam Hải
Nguồn Vietnamnet