Bob Taylor - nhà kiến tạo thế giới công nghệ hiện đại
Hầu hết công nghệ chúng ta sử dụng ngày nay đều do Bob Taylor tạo ra. Ông vừa qua đời ở tuổi 85 sau nhiều năm cống hiến tài năng cho ngành công nghệ.
Năm 1961, khi còn là quản lý dự án tại NASA, chính Taylor đã đầu tư tiền cho nhà khoa học máy tính Douglas Engelbart, người sử dụng một phần số tiền đó để phát minh ra chuột máy tính.
Năm năm sau, tại ARPA (giờ là DARPA – Cơ quan Quản lý các Dự án Nghiên cứu Cao cấp Bộ Quốc phòng Mỹ), Taylor bắt tay vào xây dựng mạng lưới Internet đầu tiên.
Khi đó, ông đã thuyết phục sếp của mình bỏ ra 500.000 USD để xây dựng mạng máy tính kết nối. Hệ thống mạng đó được tên là Arpanet, tiền thân của mạng Internet ngày nay.
Năm 1972, lại chính là Taylor đã khai sinh ra chiếc máy tính cá nhân hiện đại đầu tiên tại Xerox PARC.
Ngoài việc tạo ra các phát minh quan trọng, Taylor còn là người gây dựng và duy trì nỗ lực đổi mới trong lĩnh vực công nghệ cao. Ông đã dựng nên một trong những nhóm vĩ đại nhất trong lịch sử công nghệ cao và duy trì nhóm trong nhiều năm trời.
Giới truyền thông thường ca tụng những cá nhân xuất sắc nhưng lịch sử lại cho thấy chính các nhóm xuất sắc và mạng lưới phát triển từ đó mới tạo ra những đổi mới thực sự tại Thung lũng Silicon và xa hơn nữa. Không ai hiểu rõ điều này bằng Bob Taylor.
Với mỗi thế hệ trẻ tài năng tại Thung lũng Silicon, ban đầu thường là các gương mặt kiệt xuất làm việc chung một nhóm, rồi sau đó mới tách riêng ra thành lập công ty.
Điển hình trong số này là PayPal. Những nhân viên từng xây dựng PayPal sau đó đã tách riêng, lập ra và lãnh đạo nhiều công ty khác nhau, trong đó có Tesla và SpaceX (Elon Musk), LinkedIn (Reid Hoffman), Yelp (Jeremy Stoppelman và Russel Simmons), Clarium Capital (Peter Thiel), và Yammer (David Sacks).
Thế nhưng trước PayPal có Sun Microsystems, công ty phần mềm và phần cứng máy tính đã viết nên ngôn ngữ lập trình Java mà hiện vẫn chạy trên hàng triệu website và ứng dụng Internet. Các cựu CEO của Google, Yahoo và Motorola có xuất thân từ Sun Microsystems.
Vào những năm 60 của thế kỷ trước, Fairchild Semiconductor là cái tên thành công nhất tại Thung lũng Silicon. Công ty này được lập ra bởi nhóm 8 người, trong đó có Robert Noyce (đồng phát minh ra microchip), Gordon Moore (chủ nhân Định luật Moore nổi tiếng), và Eugene Kleiner (đồng sáng lập Kleiner Perkins Caufield & Byers, một trong những công ty vốn đầu tư nổi tiếng nhất hiện nay).
Chính Fairchild Semiconductor đã khai sinh ra một loạt công ty nổi tiếng hiện nay như Intel, National Semiconductor và AMD.
Với thế hệ các công ty công nghệ những năm 1970 và đầu 1980, Xerox PARC và Bob Taylor chính là tâm điểm. Phòng thí nghiệm của Taylor khi đó được giới chuyên gia đánh giá cực cao.
Giáo sư Đại học Stanford Donald Knuth từng gọi đó là “phòng thí nghiệm tuyệt vời nhất do nhóm các nhà khoa học máy tính của một tổ chức từng tạo ra”.
Phòng Thí nghiệm Khoa học Máy tính của Taylor kết hợp với Phòng Thí nghiệm Khoa học Hệ thống đã tạo ra rất nhiều phát minh có vai trò quan trọng với điện toán hiện đại.
Điển hình là giao diện người dùng đồ họa, biểu tượng (icon), thanh menu sổ ra, kỹ thuật cắt-và-dán, các cửa sổ chồng nhau, hiển thị bitmap, các chương trình xử lý văn bản dễ sử dụng, và các kỹ thuật mạng Ethernet.
Khi Steve Jobs tới thăm Xerox PARC vào năm 1979, ông đã vô cùng ấn tượng với những thành quả tại đây. Sáng tạo của máy tính Macintosh và Lisa một phần được tạo nên nhờ ảnh hưởng này.
Nếu Taylor là huấn luyện viên thì sáng tạo chính là môn thể thao theo nhóm. Ông truyền cảm hứng, sự đam mê và quyết tâm theo đuổi tận cùng cho nhân viên và cộng sự. Taylor đã tạo nên nhóm nhân viên vô cùng trung thành bởi họ luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của ông.
“Không ai trong chúng ta thông minh bằng tất cả chúng ta.”
Khi Taylor rời khỏi PARC năm 1983, 15 trong số các nhà nghiên cứu hàng đầu đã tự nguyện theo ông lập ra Trung tâm Nghiên cứu Các hệ thống trực thuộc Tập đoàn Thiết bị Số (Digital Equipment Corporation). Thêm một nhóm làm việc tuyệt vời nữa được tạo ra.
Nhiều năm sau, Taylor hưởng thụ một cuộc sống bình dị với các bữa tiệc nhỏ ngoài trời tại ngôi nhà khiêm tốn trên đồi nhìn xuống Thung lũng Silcion. Sức ảnh hưởng của ông không vì thế mà giảm đi.
Vây quanh những chiếc bàn đơn sơ trong vườn nhà Taylor là các gương mặt nổi tiếng đang vui vẻ nhâm nhi ly bia. Đó là các nhà khoa học cao cấp làm việc tại Google; các nhà nghiên cứu hàng đầu của Microsoft; một số người từng đoạt giải Turing Award (được ví như giải Nobel của khoa học máy tính); hay các nhà khoa học máy tính hàng đầu từ các viện nghiên cứu lớn nhất thế giới.
Trong e-mail cuối cùng gửi cho bạn bè và đồng nghiệp, Taylor đã ca ngợi những thành quả mà nhóm của ông đạt được trên con đường thay đổi thế giới. “Bạn làm những thứ mà người ta nói không thể. Bạn sáng tạo ra những thứ mà họ không thể nhìn thấy hoặc tưởng tượng”.
Từ lâu, Taylor đã theo đuổi một giải thưởng nhằm tôn vinh sự sáng tạo theo nhóm. Ông luôn cho rằng hầu hết sáng tạo không đến từ một cá nhân riêng lẻ. Taylor tâm đắc nhất câu nói: “Không ai trong chúng ta thông minh bằng tất cả chúng ta”.
Gia Nguyễn
Nguồn Zing News