Quyền lực mới của Amazon

Từ lợi thế của công ty thương mại điện tử và cung cấp hạ tầng dịch vụ điện toán đám mây số một thế giới, Amazon đang có những bước tấn công mạnh mẽ vào thị trường video game thế giới trong năm 2017.

Tham vọng ngành game của gã khổng lồ này càng được khẳng định khi mới đây trang tuyển dụng Amazon Jobs đã đăng tuyển hàng trăm vị trí công việc có liên quan đến ngành game, với thông điệp sẽ “chơi lớn với video game”. Thật ra đợt tuyển quân rầm rộ lần này chỉ là bước tiếp theo của Amazon sau một thời gian dài chiêu mộ rất nhiều cựu chiến binh dày dạn kinh nghiệm trong ngành công nghiệp game, bao gồm cả những “ngôi sao” của các studio làm game danh tiếng như Sony Interactive Entertainment hay Electronic Arts, về với Amazon Game Studio.

Soán ngôi đầu công nghiệp giải trí

Trong thông điệp tuyển dụng của mình, Amazon Game Studio lại có một định nghĩa khác: “Game đã trở thành hình thức giải trí lớn nhất hành tinh”. Điều này trở nên rõ ràng hơn nếu nhìn vào các số liệu thống kê. Trong năm 2016, người Mỹ đã dành nhiều thời gian để chơi game trên di động hơn là xem phim trên các dịch vụ phim như Netflix hay Hulu. Theo số liệu của nhà sản xuất - phát hành game hàng đầu thế giới Activision Blizzard, các game thủ đã chơi tổng cộng 43 tỉ giờ chỉ riêng với các game của hãng này, so với 45 tỉ giờ mà người dùng chìm đắm trong những bộ phim chiếu trên Netflix. Ngành công nghiệp video game đang là thị trường màu mỡ với doanh thu dự kiến sẽ tăng từ 100 tỉ USD lên 132 tỉ USD vào năm 2021.

Quyền lực mới của Amazon

Amazon đang có những bước tấn công mạnh mẽ vào thị trường video game thế giới trong năm 2017.

Các game thủ thường có 2 nhu cầu chính: chơi game và xem game. Chơi game là khái niệm đã quá rõ ràng, khi các nhà phát triển game làm ra những game mới và phát hành đến tay game thủ thông qua nhiều hệ máy và nền tảng khác nhau. Các thể loại game hiện nay cũng vô cùng đa dạng, từ các game “bom tấn” với đồ họa cực đẹp, nội dung tốt, cốt truyện hấp dẫn, nhạc nền hay... thường được bán với giá khoảng 60USD cho đến các game trực tuyến miễn phí, nhưng người chơi sẽ phải bỏ tiền để mua các vật phẩm ảo trong game. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của các thiết bị thông minh, mảng game trên di động cũng phát triển chóng mặt và chiếm đến 40% tổng doanh thu toàn ngành.

Bên cạnh đó, khi các nền tảng mạng xã hội dần trở thành một phần của cuộc sống, các game thủ lại nảy sinh thêm một nhu cầu mới: xem game. Nhu cầu này của các game thủ vô cùng đa dạng như: xem trailer giới thiệu game mới, xem đánh giá để quyết định có nên bỏ vài chục USD để mua hay không, xem clip hướng dẫn chơi, clip hài hước về game, xem các trận đấu được truyền trực tiếp từ các giải đấu game trên thế giới, hoặc thậm chí chỉ là rảnh rỗi ngồi xem người khác vừa chơi game vừa... chém gió. Chính nhu cầu này đã khiến nội dung về game chiếm tỉ lệ rất lớn trên YouTube, xuất hiện ngày càng nhiều các nền tảng xem game trực tiếp như Twitch, Hitbox, Steam Broadcasting... Tại Việt Nam cũng có 2 nền tảng xem game khá được lòng các game thủ, đó là TalkTV của VNG và Garena Live của nhà phát hành game Vietnam Esports Development vừa được chạy thử nghiệm hồi tháng 2 vừa qua.

Quyền lực mới của AmazonThế giới mới cho game

Amazon không chỉ dừng lại ở việc phát triển game hay phân phối game, mà còn cung cấp một hệ sinh thái toàn diện cho cả ngành công nghiệp. Vào năm 2014, Amazon đã có 2 cột mốc quan trọng để đánh dấu việc đặt những nền móng đầu tiên của mình vào ngành game. Đầu tiên là thành lập Amazon Game Studio, tuyển dụng ngay nhiều nhân lực giỏi đang làm việc tại các studio danh tiếng và sau đó mua lại Twitch với giá 970 triệu USD.

Vào thời điểm được mua lại, Twitch đang là trang video chuyên về game hàng đầu thế giới, chỉ đứng sau YouTube vốn không giới hạn về chủ đề nội dung. Hiện nay, sự bùng nổ về lượng người hâm mộ các game thể thao điện tử (eSports), nơi tổ chức các giải đấu với giải thưởng lên đến 20 triệu USD và việc xem một trận tranh tài trên bàn phím và màn hình cũng hấp dẫn y như xem bóng đá đã khiến Twitch nhanh chóng cất cánh. Twitch đang có hơn 100 triệu người dùng, với gần 10 triệu trong số đó là những người sử dụng hằng ngày. Chắc chắn con số này sẽ còn tăng cao hơn nữa khi dự đoán lượng người xem thể thao điện tử toàn cầu sẽ tăng lên thành 385 triệu người trong năm 2017 và lên đến gần 500 triệu vào năm 2020 dựa theo dự đoán của Newzoo.

Để nắm chắc cơ hội và tạo nền tảng bền vững trong ngành công nghiệp game, Amazon Game Studio đã nhận nhiệm vụ tự phát triển Amazon Lumberyard. Đây là công cụ vô cùng quan trọng trong quá trình làm ra các tựa game. Lumberyard còn được tích hợp toàn diện với 2 nền tảng cực mạnh khác của Amazon: dịch vụ đám mây Amazon Web Services và kênh xem game trực tuyến Twitch.

Hệ sinh thái về game của Amazon mang lại rất nhiều lợi ích mà các nhà phát triển game khó có thể bỏ qua. Khởi nguồn từ cốt lõi game engine Lumberyard, các tựa game mới làm ra nhờ tích hợp sẵn với Twitch sẽ mang lại khả năng kết nối dễ dàng hơn với nền tảng này, tạo lợi thế nhanh chóng thu hút cộng đồng người chơi. Thông thường, các công cụ game engine hiện nay đều không hỗ trợ tính năng này, và nếu người dùng muốn phát trực tiếp quá trình chơi của mình lên Twitch, họ sẽ phải cậy nhờ tới phần mềm của hãng thứ 3 khiến cho việc kết nối trở nên khá phức tạp. Các game được phát triển bằng Lumberyard sẽ giải quyết được điều đó, hứa hẹn sẽ cho phép người dùng Go Live chỉ bằng một cú click nhanh chóng.

Như đã nhắc đến ở trên, sự phát triển của game trực tuyến nhiều người chơi và thể thao điện tử cũng khiến cho lượng người chơi tăng vọt một cách chóng mặt. Hãy lấy tựa game có nhiều người chơi nhất thế giới hiện nay là League of Legends làm ví dụ. Quyền lực mới của AmazonLeague of Legends, được Vietnam Esports Development phát hành tại Việt Nam dưới tên gọi Liên Minh Huyền Thoại, có đến 100 triệu người chơi hằng tháng trên toàn thế giới, ước tính lên đến 13-14 triệu người chơi trực tuyến cùng lúc. Điều này cũng kéo theo nhiều khó khăn cho đơn vị phát hành game về phát triển cơ sở hạ tầng. Lượng người chơi quá đông sẽ khiến nhà phát hành game phải mở rộng thêm máy chủ, lượng người online cùng lúc quá nhiều sẽ khiến server thường xuyên bị tắc nghẽn, do đó phải liên tục nâng cấp sức mạnh máy chủ để đáp ứng. Vào lúc này, Amazon Web Services xuất hiện và cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây cho các nhà làm game.

Như vậy, với giải pháp Lumberyard, Amazon đang mang lại một hệ sinh thái khá hoàn hảo cho các game studio, bao gồm: Công cụ phát triển game - Giải pháp máy chủ đám mây và tính năng kết nối nhanh chóng với Twitch. Tiết kiệm được tài nguyên và thời gian, các nhà phát triển game có thể dùng để đầu tư thêm cho nội dung, làm hài lòng các game thủ đang ngày càng trở nên khó tính.

Bên cạnh video game, Amazon còn đầu tư không ít vào điện ảnh, sản xuất hàng loạt phim và show độc quyền cho dịch vụ xem phim trực tuyến Amazon Prime. Trong năm 2015, Amazon đã bỏ ra 2,7 tỉ USD để sản xuất nội dung cho Prime và năm 2017 con số này tăng lên thành 4,5 tỉ USD. Nếu là khách hàng của Amazon Prime, ngoài thưởng thức các bộ phim hay show diễn, khách hàng đã có thêm một sự lựa chọn khác: xem trực tiếp các kênh stream game độc quyền và không có quảng cáo của Twitch Prime.

Game di động, thể thao điện tử, xem game trực tiếp và thực tế ảo được dự đoán sẽ dẫn dắt thị trường game trong tương lai. Amazon đã xây dựng một hệ sinh thái toàn diện để phục vụ cho cả ngành công nghiệp và quyết tâm chơi lớn với ngành game trong năm 2017 này.

Huy Bách
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư