CJ và chuỗi khép kín ngành thực phẩm Việt

Ngành thực phẩm Việt Nam vẫn là miếng bánh béo bở với mức tăng trưởng 12%/năm. CJ Việt Nam không muốn bỏ lỡ cơ hội tiến sâu vào lĩnh vực này khi liên tục mua lại những công ty thực phẩm Việt.

Thương hiệu việt đổi chủ

Trên trang tin Korea Herald (Hàn Quốc), CJ CheilJedang (thuộc CJ Group) đã chi 13,44 triệu USD mua 64,9% cổ phần của Công ty Thực phẩm Minh Đạt, được xem là doanh nghiệp tư nhân sản xuất thịt viên (cá viên, bò viên…) lớn nhất Việt Nam với doanh thu năm 2016 đạt gần 270 tỉ đồng. Thương vụ này được tiến hành bí mật từ cuối năm 2016 và chính thức được chốt vào tháng 5.2017. Đến thời điểm hiện tại, Công ty đã có tên mới là Công ty Cổ phần Thực phẩm Minh Đạt CJ và đang trong giai đoạn tuyển dụng nhân sự.

Minh Đạt đi lên từ một cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, do ông Lê Văn Khanh và bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết sáng lập năm 2001 với sản phẩm ban đầu là bò viên và cá viên. Khoảng 10 năm sau đó, cơ sở này phát triển thành Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thực phẩm Minh Đạt, được đầu tư xây dựng tại Bình Dương với hệ thống máy móc hiện đại và cho ra đời nhiều sản phẩm mới như xúc xích, chả giò, tôm viên…

Theo đại diện CJ, các sản phẩm như thịt viên, cá viên là món ăn rất phổ biến ở các nước Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. CJ đánh giá thị trường này có tốc độ tăng trưởng hằng năm ổn định. Tập đoàn có kế hoạch bán các thực phẩm chế biến sẵn của họ (bao gồm thịt viên) tại thị trường Đông Nam Á thông qua Minh Đạt.

CJ và chuỗi khép kín ngành thực phẩm Việt

Ngành thực phẩm trong nước đang mất dần những tên tuổi lớn và hầu hết được mua lại bởi những ông lớn ngành thực phẩm thế giới.

Theo báo cáo của CJ, chiến lược tham gia thị trường thông qua các công ty địa phương nổi tiếng sẽ giúp CJ giảm đáng kể rủi ro kinh doanh mà tập đoàn này có thể đối mặt nếu sử dụng thương hiệu riêng của mình. Sau khi hoàn tất mua lại, họ có kế hoạch giới thiệu sản phẩm mới, đặc biệt phù hợp với khẩu vị Việt Nam.

Không dừng lại ở đó, sắp tới đây Tập đoàn CJ sẽ gom tiếp 20% vốn Công ty Cổ phần Chế biến Hàng xuất khẩu Cầu Tre từ Satra vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5, sau khi đã nắm gần 51% cổ phần ở Cầu Tre. Cầu Tre, chuyên chế biến các sản phẩm thực phẩm đông lạnh (từ thủy sản, thịt) và trà, có một quá trình phát triển dài từ năm 1982 nhưng khoảng năm 2012 trở lại đây lại kinh doanh thua lỗ triền miên. Vậy lý do nào một công ty đang sa sút lại hấp dẫn trong mắt CJ?

Trước hết, sức hút đến từ mặt bằng sản xuất lớn lên tới 80.000m2 của Cầu Tre. Mặc dù mặt bằng này sẽ phải di dời nhưng nếu tính giá trị bất động sản, thì lợi thế quyền sử dụng đất của Cầu Tre ước tính trên 600 tỉ đồng.

Cầu Tre cũng có một số điểm đáng chú ý khác. Cầu Tre đã cùng Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Hiệp Phước ký kết hợp đồng đầu tư dự án tại tổ hợp chế biến thực phẩm với tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỉ đồng trên diện tích 7ha, bao gồm các hạng mục, nhà máy chế biến thực phẩm có nhiều xưởng sản xuất với các dây chuyền hiện đại cho nhiều nhóm sản phẩm khác nhau, trung tâm R&D và trung tâm an toàn thực phẩm hiện đại… Cầu Tre cũng có hệ thống cửa hàng, kênh phân phối sẵn có, thương hiệu Cầu Tre đã quen thuộc với người tiêu dùng và thị trường xuất khẩu lớn. Vì thế, có thể nói CJ đã tính toán kỹ khi quyết định mua Cầu Tre.

Cứ điểm “khép kín” của CJ

Ngành thực phẩm trong nước đang mất dần những tên tuổi lớn và hầu hết được mua lại bởi những ông lớn ngành thực phẩm thế giới. CJ và chuỗi khép kín ngành thực phẩm ViệtĐến thời điểm này, CJ Việt Nam đã mua cổ phần của nhiều công ty trong ngành thực phẩm Việt như Satra, Cầu Tre, Minh Đạt. CJ tận dụng hệ thống bán lẻ của Satra để phân phối thực phẩm do chính CJ sản xuất. Công ty con chuyên về thực phẩm là CJ CheilJedang sẽ hợp tác với Satra phát triển các sản phẩm thực phẩm mới dựa trên những sản phẩm có sẵn của cả hai bên. Hai công ty cũng sẽ hợp tác trong lĩnh vực sản xuất theo mô hình gia công cho các sản phẩm đồ uống của CJ CheilJedang tại Việt Nam.

Một công ty khác của CJ chuyên về phân phối thực phẩm và dịch vụ thực phẩm cũng chính thức trở thành nhà cung ứng độc quyền của Satra cho các sản phẩm trái cây đặc trưng của Hàn Quốc. CJ Freshway cũng hỗ trợ hệ thống kho lạnh để đảm bào chất lượng sản phẩm luôn ổn định trong quá trình cung ứng. Hai bên cũng sẽ phát triển hệ thống phân phối các sản phẩm súc sản và thủy hải sản.

Ngoài ra, CJ sẽ hỗ trợ Satra phát triển chuỗi giá trị từ nguyên liệu đến gia công nhằm thay thế nguồn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ở dự án mới nhất, CJ cùng với Satra triển khai xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi từ đỗ tương.

Những động thái này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu hình thành hệ thống khép kín từ xây dựng vùng nguyên liệu, thu mua, chế biến, xây dựng thương hiệu, sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu ra thị trường thế giới của CJ.

Đầu tư vào thị trường Việt Nam 900 triệu USD, nhưng chỉ riêng năm 2016, CJ đã rót vào Việt Nam 500 triệu USD. Nói về kết quả hoạt động kinh doanh 2016, ông Chang Bok Sang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc CJ tại Việt Nam, cho biết: “Công ty đạt tốc độ tăng trưởng hơn 30% so với năm 2015”. Doanh thu đạt trên 17.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 834 tỉ đồng, chủ yếu đến từ thức ăn chăn nuôi, các nhóm ngành thực phẩm, giải trí... Và nay lấn sân vào ngành thực phẩm, CJ gần như đã hoàn thiện chu trình khép kín mà nhiều tập đoàn khác phải bỏ ra cả 20 năm mới hoàn tất.

Theo số liệu từ StoxPlus, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam hiện có quy mô khoảng 4 tỉ USD, trong đó ngành chế biến thịt và thủy sản chiếm khoảng 45,1% toàn thị trường, tương đương 1,8 tỉ USD. Còn theo khảo sát của Euromonitor dự báo giai đoạn 2016-2021, ngành thịt chế biến sẽ tăng trưởng với tốc độ bình quân 2,2% về sản lượng và 1,9% về doanh số. Điều này cho thấy thị trường còn nhiều tiềm năng và CJ đang đi đường tắt để có thể tham gia một cách nhanh nhất vào lĩnh vực này.

Nhìn lại các công ty thực phẩm Việt thì hầu như đã bị thâu tóm bởi các tập đoàn châu Á đến từ Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật, Indonesia…Bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, nhận xét: “Nhiều ông chủ Việt trong lĩnh vực thực phẩm đã phải bán doanh nghiệp của mình. Sắp tới sẽ còn nhiều doanh nghiệp phải chia tay ông chủ Việt”.

CJ và chuỗi khép kín ngành thực phẩm Việt

Mai Hân
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư