Hàng loạt thương hiệu lớn Nhật Bản lao dốc ra sao?

Các công ty Nhật từng một thời 'cai trị' ngành điện tử song giờ đây, họ được chú ý vì hàng loạt vấn đề tài chính, kinh doanh nhiều hơn là vì sản phẩm.

Theo CNN, tại đất nước phát minh ra máy nghe nhạc Walkman, nhiều thương hiệu tên tuổi đã và đang bỏ lỡ không ít xu hướng chính, chẳng hạn như sự đi lên của điện thoại thông minh. Họ bị sa lầy trong bộ máy quản trị doanh nghiệp quan liêu. Ngoài ra, nhiều hãng còn vướng bê bối kiểm toán hay các quyết định sai lầm khiến công ty thiệt hại về tài chính. Bài viết này điểm qua vài thương hiệu Nhật Bản đang lao dốc không phanh.

Toshiba: Khó qua khủng hoảng

Hàng loạt thương hiệu lớn Nhật Bản lao dốc ra sao?

Toshiba từng là cái tên nổi tiếng với sự đổi mới trong công nghệ. Ảnh: AFP

Đây là công ty tiên phong trong lĩnh vực máy tính xách tay, TV và nhiều thiết bị điện tử gia dụng khác. Toshiba hiện thuộc nhóm các công ty Nhật gặp khó, phải nhờ đến ngân hàng để tiếp tục đứng vững. CEO Jesper Koll thuộc hãng WisdomTree Investments Japan nhận định: “Toshiba là xác sống cuối cùng”.

Tập đoàn thua nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, Trung Quốc trong các ngành công nghiệp then chốt. Vì thế, họ chọn con đường đi vào các mảng kinh doanh khác, đơn cử là việc đổ tiền vào ngành công nghiệp điện hạt nhân bằng cách mua lại hãng Mỹ Westinghouse Electric.

Toshiba vướng bê bối kiểm toán lớn trong năm 2015. Trong lúc vẫn còn chật vật giải quyết rắc rối trên, khoản cược mà hãng đặt vào Westinghouse Electric không như ý. Hồi tháng 2, Toshiba cho hay các đợt trì trệ lớn và chi phí cao tại mảng kinh doanh ở Mỹ làm hãng mất 6,3 tỉ USD. Westinghouse Electric đã nộp đơn xin phá sản và Toshiba cũng vừa cảnh báo họ không chắc có thể tiếp tục “sống” trong tương lai.

Giá cổ phiếu Toshiba giảm hơn một nửa chỉ trong vài tháng. Hãng đang bán mảng kinh doanh bộ nhớ máy tính đáng giá và nhiều tài sản khác để xoay sở tình hình.

Sharp: Về tay Foxconn

Hàng loạt thương hiệu lớn Nhật Bản lao dốc ra sao?

Logo hãng Sharp. Ảnh: Reuters.

Sharp nổi tiếng thời thập niên 1980 nhờ các mẫu máy tính cao cấp, máy nghe nhạc cassette cầm tay và máy VCR. Công ty cược lớn vào TV LCD và khoản cược này từng trả quả ngọt cho họ trong một thời gian. Song sau đó, việc yen Nhật tăng giá và đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến nhu cầu sụt giảm. Hãng đứng bên bờ phá sản trong nhiều năm và được nhiều nhà băng giải cứu hai lần.

Năm 2015, Sharp công bố lỗ lớn, cắt giảm 5.000 việc làm trên toàn thế giới. Con số này nghe có vẻ không lớn song nhà sáng lập Keith Henry của hãng Asia Strategy ở Tokyo cho hay tại Nhật Bản, đây là tin “khủng”. Nhiều doanh nghiệp Nhật được cho là tiếp tục kinh doanh chỉ để giúp mọi người có việc làm. Năm 2016, Sharp được nhà sản xuất thiết bị điện tử Đài Loan Foxconn thâu tóm.

Olympus: Sống nhờ thiết bị y tế

Hàng loạt thương hiệu lớn Nhật Bản lao dốc ra sao?

Cựu CEO Olympus, ông Michael Woodford. Ảnh: Reuters.

Olympus là thương hiệu bắt đầu bằng việc sản xuất kính hiển vi trong nước, sau đó trở thành nhà sản xuất máy ảnh và thiết bị y tế hàng đầu. Dù vậy, hoạt động kiểm toán đáng ngờ kéo thương hiệu vào một vụ bê bối đáng xấu hổ.

Năm 2011, CEO Michael Woodford trở thành giám đốc điều hành không phải người Nhật đầu tiên của Olympus. Ông nhanh chóng phát hiện ra doanh nghiệp làm giả báo cáo tài chính, che giấu nhiều năm thua lỗ hồi thập niên 1990. Khi Woodford đặt câu hỏi, hội đồng quản trị cố ngăn ông lại song mọi sự đã trễ. CEO người Anh tiết lộ thông tin 13 năm gian lận kiểm toán với tổng giá trị 1,7 tỉ USD của Olympus.

Woodford sau đó cho hay nền văn hóa cực kỳ lịch sự của Nhật Bản góp phần vào một loạt vấn đề ở Olympus. Sự tôn kính dành cho người cao niên tạo ra môi trường mà ở đó, những quyết định quản lý thiếu sáng suốt không đổi trong nhiều năm. Với đội ngũ quản lý mới, Olympus trở lại ấn tượng. Giá cổ phiếu công ty tăng gần gấp 10 lần so với mức thấp hồi năm 2011 nhờ doanh số mạnh mảng thiết bị y tế.

Sanyo: Bị Panasonic thâu tóm

Hàng loạt thương hiệu lớn Nhật Bản lao dốc ra sao?

Gian hàng của Panasonic. Ảnh: Reuters.

Sanyo từng là nhà sản xuất hàng điện tử tiêu dùng lớn thứ ba Nhật Bản, bán pin điện thoại di động và thiết bị gia dùng. Thương hiệu quen thuộc với các hộ gia đình toàn cầu và còn sở hữu bất động sản cao cấp tại Piccadilly Circus, một trong những điểm du lịch hàng đầu ở London (Anh). Năm 1978, hãng đặt tại đây một biển quảng cáo neon khổng lồ.

Vào thập niên 2000, công ty đối mặt với sóng gió kéo dài khi vấp phải sự cạnh tranh đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Nội tệ Nhật mạnh khiến hàng hóa xuất khẩu đắt đỏ hơn, gây áp lực sáp nhập lên các nhà sản xuất. Vì thế, Panasonic tiếp quản Sanyo vào năm 2009.

Cũng như hãng Nhật, tấm biển neon lớn ở Piccadilly Circus, cuối cùng cũng trở thành nạn nhân của sự phát triển công nghệ. Sanyo từng được gợi ý thay bảng neon thành màn hình LED, vốn cho phép hiển thị hình ảnh động, song hãng lại “không cảm thấy cần phải thay đổi vì lý do kinh tế”. Năm 2011, tấm biển mác Sanyo tắt hẳn.

Thu Thảo
Nguồn Thanh Niên