Chờ một “đẳng cấp”
Có một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam có thu nhập cao và họ đang chờ đợi nhiều hơn từ các thương hiệu cao cấp.
Người tiêu dùng Việt Nam hiện nay khẳng định mức sống của mình không chỉ ở bất động sản, khách sạn, resort, nhà hàng… Họ còn muốn được sở hữu và trải nghiệm những sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng, cao cấp đến từ mọi quốc gia trên thế giới
Cơ hội từ người chịu chi
Giữa tháng 3/2017, Eurasia Concept và Cassina (Ý) đã cùng nhau tổ chức triển lãm các sản phẩm nội thất nổi tiếng thế giới của nhà thiết kế huyền thoại Charlotte Perriand tại tòa nhà Time Square Saigon. Nhiều sinh viên khoa nội thất, kiến trúc được mời đến tham quan đã hết sức ngạc nhiên khi biết rằng, có những chiếc ghế được bán với giá vài trăm triệu đồng.
Bà Đàm Loan, phụ trách truyền thông cho biết, đây là lần đầu tiên các sản phẩm của nhà Charlotte Perriand được chính thức giới thiệu tại Việt Nam nên sẽ không ngạc nhiên sau buổi tiệc VIP dù thương hiệu bỏ giá rất cao vẫn sẽ có những đơn đặt hàng mới. Còn ông Gianluca Armento, đại diện thương hiệu của Cassina tại châu Á – Thái Bình Dương cho biết, ông đánh giá cao thị trường Việt Nam, dù đây chưa phải là thị trường lớn nhất của Cassina. Tuy nhiên, ông tin tưởng khách hàng tại Việt Nam sẽ hài lòng khi mua được những sản phẩm chính hãng, cao cấp đến từ Ý.
Sản phẩm, dịch vụ thương hiệu đẳng cấp cao phải mang lại trải nghiệm thú vị, tiện nghi, đáp ứng tiêu chuẩn của khách hàng.
Rõ ràng ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài lẫn Việt Nam đang nhắm đến một bộ phận khách hàng giàu có, chịu tiêu xài tiền. Điều này càng hấp dẫn doanh nghiệp kinh doanh khi gần đây có nhiều nghiên cứu cho thấy, lượng khách hàng trung lưu của Việt Nam đang tăng lên đáng kể. Báo cáo gần nhất của Robenny thực hiện đầu năm 2017 cho thấy, tầng lớp HENRY (High earn not rich yet – kiếm tiền nhiều, nhưng chưa thật giàu có) là tầng lớp chịu chi tiêu, mua sắm, thích trải nghiệm nhiều dịch vụ mới. Đây chính là khách hàng mà các thương hiệu cao cấp muốn nhắm đến. Ông Robert Trần, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Robenny chia sẻ, hãy nghĩ đến tầng lớp này. Họ là người chịu chi xài. Còn người giàu, chưa chắc họ bỏ tiền mua sắm. Khác nhau ở chỗ HENRY thì sẵn sàng chi xài, cho dù họ có thể kiếm tiền ít hơn tầng lớp nhà giàu. Đây là điều vô cùng hấp dẫn các thương hiệu.
Theo nghiên cứu của Robenny, khách hàng HENRY tại Việt Nam có thu nhập từ 75.000 USD/năm trở lên, họ thường quan tâm đến 6 chủ đề của luxury gồm: Thời gian, Sức khỏe, Đời sống tinh thần, Trải nghiệm, Sự tự do và Không giới hạn. Ông Robert Trần cho rằng, nếu các chủ thương hiệu hiểu rõ được 6 mối quan tâm này thì có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng HENRY và cơ hội kiếm tiền từ khách hàng này là vô cùng lớn. Tuy nhiên, làm sao để những khách sộp này chú ý đến thương hiệu và sẵn sàng chi tiêu là điều các nhà kinh doanh cần phải bỏ công nghiên cứu nhiều.
Không còn là đại trà
Không phải HENRY là những khách hàng chịu chi mà dễ dãi. Có một thực tế chứng minh rằng, những khách hàng khi đã sẵn sàng trả tiền cao cho một sản phẩm, dịch vụ thì họ cũng chờ đợi một giá trị tương xứng. Ở đây, giá trị chứ không phải trị giá của món hàng; nghĩa là sản phẩm, dịch vụ phải mang lại một ích lợi, đáp ứng một tiêu chuẩn của khách hàng.
Thị trường Việt Nam gần đây được nhiều công ty đánh giá là một thị trường tiềm năng để phát triển kinh doanh. Báo cáo của Nielsen Vietnam cho thấy, đến năm 2030, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ đạt đến con số 33 triệu người. Những sản phẩm dịch vụ không thuộc hàng tiêu dùng nhanh (non FMCG) đang thu hút tầng lớp này tăng chi tiêu lên rất nhiều. Chẳng hạn năm 2016, chi tiêu cho điện thoại thông minh tăng 19%, xe ô tô 28%, thiết bị gia dụng tăng 18% và đặc biệt chi tiêu cho du lịch trong nước tăng đến 48%. Do vậy, cơ hội cho các doanh nghiệp khai thác tầng lớp chịu chi này là khi họ biết “gãi đúng chỗ ngứa”.
Báo cáo của Nielsen Vietnam cũng chỉ ra rằng, chỉ riêng trong nhu cầu ăn uống, chăm sóc sức khỏe, có đến 89% người tiêu dùng Việt Nam sẵn lòng chi trả cho những thực phẩm tốt cho sức khỏe. Đáng lưu ý là có 48% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả cho những thực phẩm vừa tốt cho sức khỏe lại vừa “hoàn toàn tự nhiên”.
Kinh nghiệm làm thương hiệu Hunter của Biti’s cũng có thể xem là một hướng đi tiếp cận đối tượng khách hàng trẻ, có thu nhập trung bình khá so với khách hàng truyền thống vốn quen định hình thương hiệu Biti’s là những sản phẩm bình dân.
Gần đây, có rất nhiều thương hiệu Việt Nam định vị mình là sản phẩm cao cấp, nhưng lại không đủ yếu tố làm nên “chất” cao cấp đó. Đây là điều rất đáng báo động, theo ông Robert Trần. Chẳng hạn, với những khu bất động sản cao cấp, có những chủ đầu tư cứ nghĩ cái gì đẹp đẹp, sạch sẽ một chút là đã tự cho là cao cấp. Trong khi đó, cao cấp đòi hỏi mọi thứ rất tỉ mỉ, chi tiết, kể cả câu chuyện đằng sau của những sản phẩm, dịch vụ cao cấp và tất nhiên tất cả mọi thứ phải “khớp” với nhau.
Bà Pernette, con gái của nhà thiết kế Charlotte Perriand trong dịp triển lãm bộ sưu tập các sản phẩm nội thất cao cấp của gia đình ở TP.HCM đã nói rằng, sở dĩ các thiết kế của Charlotte Perriand vẫn trường tồn và trở thành huyền thoại là vì nó được làm ra bằng trái tim với sự tính toán chi tiết, tỉ mỉ, từ kiểu dáng cho đến chất liệu để đạt được đỉnh cao của sự đơn giản và tinh tế. Người ta có thể copy kiểu dáng của chiếc ghế, nhưng sẽ không thể copy được cái “hồn” của sản phẩm. Do vậy, chỉ những sản phẩm nguyên bản do Charlotte Perriand thiết kế mới mang đến cho người dùng những trải nghiệm thú vị về thương hiệu và niềm tự hào về sản phẩm. Đây chính là sự khác biệt lớn nhất làm nên tên tuổi của thương hiệu.
Cũng theo ông Robert Trần, những sản phẩm của Việt Nam có tiềm năng để làm cao cấp đó là: bất động sản, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, vật dụng trang trí nội thất, nữ trang, giáo dục…
Thiên Thủy
Nguồn Doanh Nhân Online