Apple “dọn dẹp” thị trường để chuẩn bị vào Việt Nam?
Vừa qua, Apple liên tiếp tung ra các chính sách mới đối với thị trường Việt Nam. Theo nhiều chuyên gia, có thể “quả táo khuyết” đang muốn sắp xếp lại trật tự của thị trường này và xa hơn nữa là mở cửa hàng chính thức tại Việt Nam.
Hàng hoạt hành động của Apple
Hành động đầu tiên của Apple là thông báo từ chối bảo hành cho các sản phẩm xách tay không có hóa đơn chứng từ mua hàng để chứng minh đó là sản phẩm của các cửa hàng chính thức hay đơn vị ủy quyền của Apple.
Cuối tháng 3/2017, Công ty luật Võ Trần (Votra) - đại diện pháp lý trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) tại Việt Nam của Apple - gửi đi thông báo cho một loạt cửa hàng yêu cầu dừng ngay việc sử dụng nhãn hiệu Apple, iPhone hoặc bất kỳ nhãn hiệu nào khác của Công ty Apple trên bảng hiệu, giấy tờ giao dịch, phương tiện kinh doanh. Votra cho biết theo Luật SHTT, các hành vi kể trên là “bất hợp pháp, vi phạm quyền SHTT của Công ty Apple”.
“Các cửa hàng sử dụng trái phép những nhãn hiệu trên có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng rằng đây là cửa hàng được Apple ủy quyền” - thông báo viết, đồng thời đưa ra thời hạn 7 ngày để các cửa hàng này điều chỉnh thông tin trên bảng hiệu. Nếu các cửa hàng không thực hiện theo yêu cầu, đại diện Võ Trần có thể sẽ sử dụng tới biện pháp pháp lý.
Sau khi nhận được thông báo, một số cửa hàng nhỏ lẻ tại TPHCM đã chủ động tháo dỡ logo Apple trên bảng hiệu. Tuy nhiên, phần lớn chỉ mới tháo dỡ phần logo có kích thước lớn, dễ nhận thấy, còn các nhãn hiệu như iPhone, iPad, Macbook thì hầu như vẫn để nguyên. Một số cửa hàng vẫn để nguyên logo và các nhãn hiệu của Apple trên bảng hiệu.
Cho đến nay, dù thời hạn 7 ngày mà Votra thông báo đã trôi qua gần 1 tháng nhưng đại diện Apple vẫn chưa có thêm động thái nào. Trả lời phóng viên, phía Votra cho biết hiện công ty chưa thể thông tin gì thêm về vấn đề này.
Động thái “dọn dẹp” thị trường
Theo ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục SHTT, việc Votra gửi khuyến cáo tới các doanh nghiệp và gia hạn 7 ngày là một hành động thiện chí bởi trên thực tế, họ có thể không cần gửi cảnh báo mà tiến hành xử lý xâm phạm ngay. “Theo luật, khi được bảo hộ độc quyền, Apple có quyền ngăn cản các hành vi xâm phạm - trong đó có hành vi quảng cáo trái phép nhãn hiệu của họ ở biển hiệu. Trong trường hợp này, những cửa hàng không có văn bản chứng minh được Apple ủy quyền sử dụng nhãn hiệu, logo rõ ràng đã vi phạm quy định của Luật SHTT” - ông Lâm nói.
Apple đã nộp tại Việt Nam 650 hồ sơ đăng ký nhãn hiệu cho các nhãn hiệu, nhóm sản phẩm hàng hóa và dịch vụ khác nhau (sửa chữa, mua bán, giáo dục, đào tạo...).
Phó Cục trưởng Cục SHTT phân tích thêm: “Sau thời hạn 7 ngày, Võ Trần có thể yêu cầu các cơ quan thực thi tới hoặc khởi kiện ra tòa. Khi đó, mức phạt mà các cửa hàng có thể nhận được còn tùy thuộc vào việc Apple chứng minh mình bị thiệt hại thế nào, mức thiệt hại là bao nhiêu, người vi phạm sử dụng logo, nhãn hiệu của Apple như thế nào, quy mô ra sao, ảnh hưởng gì tới quyền lợi của Apple. Trong trường hợp cửa hàng bán hàng giả, hàng nhái thì đây là hành vi vi phạm có thể gây ra những hậu quả nặng nề”.
Theo Cục SHTT, Apple đã nộp tại Việt Nam 650 hồ sơ đăng ký nhãn hiệu cho các nhãn hiệu, nhóm sản phẩm hàng hóa và dịch vụ khác nhau (sửa chữa, mua bán, giáo dục, đào tạo...). Như vậy, xét về luật, qua việc đăng ký, họ có tất cả quyền với nhãn hiệu đang và đã được bảo hộ như logo, nhãn hiệu iPhone, iPod, iPad... tại Việt Nam. Và Luật SHTT sẽ đứng về phía những người có nhãn hiệu được bảo hộ.
Nhận định về động thái của Apple qua sự việc này, ông Lâm cho rằng có thể Apple sẽ làm mạnh tay nhằm “dọn dẹp” những cửa hàng không chính hãng và để những cửa hàng chính gốc Apple bắt đầu vào Việt Nam. “Người Việt rất ưa chuộng sản phẩm của Apple. Đây có thể là yếu tố để hãng quyết định vào thị trường Việt Nam; nhưng không thể đưa hàng hóa hay đầu tư vào thị trường này khi xung quanh toàn hàng xâm phạm quyền SHTT” - ông Lê Ngọc Lâm phân tích thêm.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng các hành động gần đây của Apple là động thái dọn dẹp thị trường. Nhiều đơn vị được Apple ủy quyền tại Việt Nam cho rằng đây là việc làm đúng đắn, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho đối tác, đại lý chính thức của hãng và người tiêu dùng Việt Nam. “Nếu Apple vào Việt Nam mà giá không bị đẩy lên thì người tiêu dùng là người được hưởng lợi nhiều nhất (về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ chăm sóc hậu mãi...)” - ông Lâm kết luận.
Từ nhiều năm nay, trên thị trường Việt Nam, giá của những chiếc iPhone xách tay thường rẻ hơn hàng chính hãng từ 10-30%. Chẳng hạn, một chiếc iPhone 7 Plus 128Gb do các đơn vị ủy quyền phân phối chính thức của Apple tại Việt Nam bán ra hiện có giá hơn 25 triệu đồng, trong khi nhiều nơi bán hàng xách tay chỉ với giá hơn 19 triệu đồng.
Hiền Thảo
Nguồn Khoa học & Phát triển