"Ông lớn" trong ngành bán lẻ thu được gì khi tiến quân ra ngoài ngành?

Thế Giới Di Động, FPT Shop, Digiworld là những "ông lớn" trong ngành bán lẻ mở thêm các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành nhưng kết quả vẫn chưa tạo dấu ấn.

Thế Giới Di Động sau khi thành công với chuỗi cửa hàng điện máy đã lấn sân sang bán rau củ quả bằng việc mở hệ thống Bách hóa Xanh, sau đó mở thêm trang thương mại điện tử Vui Vui. Nhà bán lẻ xếp sau Thế Giới Di Động trong lĩnh vực điện thoại di động là FPT Shop cũng liên kết với Vinamilk để mở cửa hàng sữa, đồng thời ấp ủ các dự án khác. Trong bối cảnh hai nhà bán lẻ này lớn mạnh và dành thị phần phân phối, Digiworld – công ty hoạt động trong ngành phân phối hàng công nghệ được 20 năm quyết định rẽ bước khi tham gia phân phối thực phẩm chức năng.

Ở các lĩnh vực mới tham gia, các ông lớn nói trên đều vì nhiều lý do khác nhau mà chưa tạo được dấu ấn trên thị trường.

Trong buổi họp với các nhà đầu tư và môi giới chứng khoán tuần trước, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần Thế Giới Di Động (MWG) cho biết, năm nay bằng mọi cách sẽ giành giật và mở rộng thị phần hệ thống Điện máy Xanh để năm sau chỉ tập trung phát triển chất lượng chứ không mở rộng số lượng như hiện nay. Điện máy Xanh là trường hợp thành công của Thế Giới Di Động khi hiện đã có khoảng hơn 360 cửa hàng, lớn nhất trong các hệ thống điện máy. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của một nhà đầu tư về chuỗi Bách hóa Xanh, ông Tài cho biết các cửa hàng này vẫn đang thí điểm ở hai quận Tân Phú, Bình Tân (TP.HCM) chứ chưa mở rộng hơn.

Ông lớn trong ngành bán lẻ thu được gì khi tiến quân ra ngoài ngành?

Bên trong một cửa hàng Bách hóa Xanh thời mới mở cửa. Ảnh: H.Đ.

Chủ tịch Thế Giới Di Động cho biết đang tìm công thức thành công cho Bách hóa Xanh trước khi mở rộng hệ thống này. Ông Tài ví việc này như nhà khoa học đang bào chế và tìm công thức, hy vọng tìm ra sớm chứ chưa biết khi nào tìm thấy.

Chuỗi Bách hóa Xanh nhắm vào các bà nội trợ, là kế hoạch đã được MWG thông qua tháng 8/2015, dự kiến mở từ 6.000-8.000 cửa hàng giai đoạn 2018-2020 tuy nhiên đến nay mới chỉ trên dưới chục cửa hàng được mở tại hai quận vùng ven TP.HCM. Ông Tài cho rằng, việc mở ồ ạt không khó với MWG, vì công ty đã có kinh nghiệm mở chuỗi bán lẻ với trên 1.000 cửa hàng, tuy nhiên do chưa tìm ra “công thức thành công” nên chuỗi này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.

“Cũng như Điện máy Xanh khi tìm ra công thức thành công đã mở rất nhanh làm bất ngờ đối thủ, Bách hóa Xanh khi tìm ra công thức cũng thế”, ông Tài phát biểu hồi đầu năm nay.

Dễ thấy Điện máy Xanh có nhiều điểm tương đồng với chuỗi Thế Giới Di Động, hai cửa hàng này ở nhiều nơi đặt cạnh nhau, hoặc làm chung bảng hiệu, do đó việc thu hút khách và thành công của Điện máy Xanh dễ dàng hơn, còn chuỗi Bách hóa Xanh chắc chắn có nhiều điểm khác mà Thế Giới Di Động phải đau đầu hơn khi kinh doanh. Cho đến nay “công thức” vẫn chưa tìm ra.

Cũng đánh giá thị trường di động sẽ bão hòa và cần mở rộng ngành nghề để tăng trưởng, FPT Retail (chủ quản chuỗi FPT Shop) năm ngoái kết hợp với Vinamilk để mở các cửa hàng bán sữa. Thông tin ban đầu cho rằng việc kết hợp giữa hai bên chỉ đơn thuần là Vinamilk tận dụng các mặt bằng của FPT Shop để thuê, tuy nhiên Tổng giám đốc FPT Reatail Nguyễn Bạch Điệp khi trả lời ICTnews đã cho rằng kinh doanh sữa là bước đi có tính toán và nghiêm túc của công ty. Nếu thành công, có thể sẽ có chuỗi cửa hàng bán sữa mang tên F Milk chẳng hạn. Tuy nhiên, dự án này sau 6 tháng có lẽ vẫn chưa đủ thời gian để nhìn thấy kết quả, chưa thấy các cửa hàng sữa của FPT Retail xuất hiện nhiều, ít nhất là ở TP.HCM.

Ông lớn trong ngành bán lẻ thu được gì khi tiến quân ra ngoài ngành?

Cửa hàng Vinamilk bên cạnh FPT Shop. Ảnh: FPT.

Cũng như Thế Giới Di Động đánh tiếng về kế hoạch thâu tóm chuỗi bán lẻ lĩnh vực khác, như dược phẩm, hoặc có lúc đã bán vé số Vietlott tại cửa hàng Điện máy Xanh, FPT Retail từng hé lộ việc mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ khác. Bà Điệp cho rằng thời trang, dược phẩm, nhà hàng… là những lĩnh vực tiềm năng mà FPT có thể nghĩ tới. Hiện tại, FPT Retail đang có những kế hoạch kinh doanh bán lẻ ngoài ngành tuy nhiên chưa có thông tin chính thức từ chuỗi này.

Sau nhiều năm là một trong ba nhà phân phối hàng công nghệ lớn nhất tại Việt Nam, đến nay Digiworld vẫn giữ vị trí đó tuy nhiên doanh thu giảm sút. Nguyên nhân chính của việc này là do hai nhà bán lẻ đề cập trong bài này sở hữu thị phần lớn, tự nhập hàng từ các hãng chứ không qua các nhà phân phối như Digiworld nên thị phần phân phối hàng di động tuột dốc không phanh. Để tiếp tục tăng trưởng, Digiworld mới đây công bố mở rộng sang lĩnh vực dược phẩm, cụ thể là thực phẩm chức năng.

Digiworld cho biết thị trường dược phẩm đang rất tiềm năng mà lại chưa có nhà bán lẻ hay nhà phân phối nào đủ mạnh ở lĩnh vực này. Digiworld sẽ không phân phối như thông thường mà sẽ thực hiện phát triển thị trường cho các thương hiệu, tức ngoài nghiệp vụ phân phối sẽ còn làm các hoạt động tiếp thị và mở rộng thị trường.

Ông lớn trong ngành bán lẻ thu được gì khi tiến quân ra ngoài ngành?

Digiworld hiện phát triển thị trường cho điện thoại Freetel tại Việt Nam. Ảnh: H.Đ.

Nhà phân phối này từng thực hiện việc tương tự cho hai hãng Wiko và Freetel, tuy nhiên mối lương duyên với Wiko đã kết thúc, còn Freetel hiện vẫn chưa gây dấu ấn trên thị trường. Riêng việc phát triển sang kênh thực phẩm chức năng vẫn còn quá sớm để thấy được kết quả từ Digiworld.

Cả ba ông lớn trong lĩnh vực bán lẻ đề cập trong bài này đều mở rộng ngành nghề mới theo đúng quy luật phát triển của thị trường. Ngoài chuỗi Điện máy Xanh của Thế Giới Di Động có cơ sở để thành công thì các lĩnh vực khác của chính Thế Giới Di Động lẫn hai công ty còn lại vẫn chưa nhìn thấy được kết quả, do thời gian chưa đủ dài và công thức thành công chưa thấy.

Hải Đăng
Nguồn ICT News