Teen - Thế lực tiêu dùng mới

Tồn tại một thế giới “tuổi Teen”đại diện cho một thế lực tiêu dùng mới?

Hàng loạt những thương hiệu xưa nay thường chọn nhóm mục tiêu truyền thông là các bậc cha mẹ - với một niềm tin cổ điển rằng – họ là người quyết định lựa chọn sản phẩm tiêu dùng trong gia đình gần đây đã vội vã chuyển dịch thông điệp của mình sang tuổi teen, hay chí ít chia bớt cho tuổi tin vì họ sớm nhận ra người quyết định mua hàng đã chuyển thành tuổi teen từ đời kiếp nào rồi, và việc chuyển dịch nhóm tiêu dùng mục tiêu này tuy trễ cũng còn hơn không…

Một cuộc khảo cứu gần tại IAM Marketing Research nhằm phục vụ cho một chuỗi bán lẻ đã ghi nhận những lời cảm thán từ các bậc làm cha mẹ rằng “chúng tôi đâu có quyết định được gì, chúng quyết hết!” Hết rồi cái chuyện đem về cặp táp, ba lô, điện thoại di động hay đôi giày mà chúng chịu dùng. Không có dắt các cậu ấm cô chiêu theo lựa hàng thì đừng có mà hòng…Hơn nữa ở nhiều lãnh vực teen còn rành kiến thức tiêu dùng hơn các bậc phụ huynh. Mua chiếc laptop chẳng hạn. các bậc phụ huynh gọi là ù tai với các kiểu cấu hình mà chúng đòi (đủ mạnh để chơi game ấy mà..) Thôi thì ông mày cứ trả tiền còn chàng tiến sĩ tương lai muốn gì thì cứ lựa cho đúng ý thích nhé.

Gần đây tại khu nhà chúng tôi ở khai trương một khu mua sắm hoành tráng đã nhiều tháng trời chịu cảnh vắng lặng thì thoảng có một cặp vợ chồng trẻ lang thang trong sảnh phòng mênh mông lạnh lẽo. Sao lại thế nhỉ? Lý do là nhà đầu tư đã quên mất không có món giải trí gì thu hút đám teen mà người lớn thì dù có thích mấy cũng đành “pó tay” khi chúng bảo chỗ đó “bùn wá ko chịu đi đâu”… thì cũng đành đánh xe ra Parkson, Diamond hay bèo lắm cũng phải Lotte thôi.

Thật vậy những đứa trẻ “ăn chưa no lo chưa tới” có thế giới riêng và có cách hình thành quyết định riêng và vì chẳng có “diệc dì wan trọng” hết nên chúng tiêu xài tương đối vô tư. Bởi thế, trong ngân sách chi tiêu hàng tháng của nhiều gia đình ngày nay đã xuất hiện thêm một khoản chi cố định dành cho “nhân vật” teen của chúng ta “dằn túi”.

… Và teen bằng cách nào đó đã và đang trở thành một lực lượng tiêu dùng hùng mạnh đầy tiềm năng chỉ có ngày càng mạnh lên và còn mạnh lên rất nhiều nữa trong tương lai.

Để tìm hiểu lực lượng tiêu dùng mới mẻ này tháng 9 vừa qua, IAM Marketing Research đã thực hiện một cuộc nghiên cứu chuyên sâu nhằm khám phá thế giới teens.

Hãy bắt đầu với một khảo sát sơ bộ về mức chi tiêu trung bình trong 01 tuần của teens cho việc đi chơi hay ăn uống với bạn bè:

Teen - Thế lực tiêu dùng mới

Nếu chỉ lấy mức chi tiêu cho việc ăn uống cùng bạn bè của một teen trung bình là 70 ngàn/tuần thì gần 1 triệu teens từ 13-19 tuổi tại Tp. HCM sẽ chi xấp xỉ 300 tỉ đồng/tháng chỉ cho các hoạt động tưởng như “dzớ dzẩn” này. Đây là một thị trường đáng kể mà những người làm kinh doanh chuyên nghiệp rất khó bỏ qua.

Vậy “thiếu gia” teen, bạn là ai?

Kết quả nghiên cứu các teens tại Tp. HCM cho thấy nổi bật lên 2 nhu cầu có thể xem là cuộc sống, là hơi thở của teens. Đó là nhu cầu được kết nối và nhu cầu được thể hiện mình; hai nhu cầu này gắn kết và đan xen lẫn nhau. Sự phát triển của công nghệ số và internet tạo điều kiện để chúng bộc lộ mạnh mẽ hơn bao giờ hết thông qua cả thế giới ảo (thế giới mạng) lẫn đời thường.

Nhu cầu được kết nối

Ở lứa tuổi này với những chuyển biến phức tạp về tâm sinh lý, teen cảm thấy khó mà chia sẻ những cảm xúc và suy nghĩ của mình với phụ huynh. Bạn bè mới chính là điểm tựa tin cậy nhất về mặt tinh thần. Bởi vậy, teens tìm mọi cách để giữ liên lạc và cập nhật với bạn bè - mọi lúc mọi nơi. Nhiều teen chia sẻ với chúng tôi rằng trong một ngày 70% thời gian là dành cho bạn bè. Teen chỉ trở nên hoạt bát, hòa đồng và sinh động khi được sống trong môi trường bè bạn. Chính vì vậy nếu không duy trì được kết nối thì chắc “hok chịu nổi!”. Trợ thủ đắc lực cho teens trong việc kết nối không ai khác chính là những “chú dế” và “bác internet”.

Chẳng ngạc nhiên gì khi một khảo sát gần đây về tình hình sử dụng internet tại các thành phố lớn cho thấy 79% số người sử dụng nằm trong độ tuổi từ 15-19 (số liệu tháng 4, 2009 của TNS). Hiện nay hầu như teen nào cũng sở hữu một tài khoản blog, chat hay email và thường xuyên tham gia vào các diễn đàn trên mạng, cập nhật thông tin,… để không bị tụt hậu với bạn bè. Những tính năng chia sẻ trong các mạng xã hội, forum (chia sẻ hình ảnh, clip, nhạc, câu miêu tả trạng thái (status),…) được teen tận dụng tối đa để cho mọi người biết “tui đang làm gì”

Điện thoại di động cũng vậy, không thể thiếu các tính năng quay phim, chụp hình, bluetooth hoặc wifi để có thể “bắn” ngay các hình vừa chụp lên facebook hay chuyển bản nhạc yêu thích cho bạn bè. Nếu có một cuộc thi nhắn tin nhanh thì nhà vô địch chắc chắn là một teen thứ thiệt. Điều này lý giải tại sao gần đây hàng loạt gói cước của các mạng di động tung ra dành cho teen và đánh thẳng vào dịch vụ SMS.

Những công cụ số này còn giúp cho teen mở rộng các mối quan hệ bạn bè qua việc kết bạn trên mạng cả trong nước và nước ngoài. Trình độ tiếng Anh của teen Việt nhờ vậy mà cũng khá lên thấy rõ.

Kết nối thôi chưa đủ, đó chỉ mới là tiền đề để teen ghi dấu ấn cá nhân trong thế giới của mình.

Nhu cầu được thể hiện

Teen bây giờ không còn muốn thể hiện mình đã là một người lớn như những thế hệ 7x, 8x đời đầu. Teen bây giờ hãnh diện sống đúng với lứa tuổi của mình, rất hồn nhiên nhưng cũng vô cùng năng động, tự tin và sáng tạo.

Chuyện teen 9x đứng ra kinh doanh không còn là chuyện lạ, phổ biến nhất là mở shop thời trang, các quán trà sữa hay bán hàng trên mạng. Khách hàng chủ yếu cũng là các thượng đế teen. Các chiêu thức kinh doanh (giới thiệu hàng, thanh toán, giao hàng… ) cũng rất sáng tạo và linh hoạt. Bản lĩnh như vậy thì đúng là chỉ có teen 9x mới làm được. Những hoạt động này vừa giúp teen thể hiện được năng lực của mình đồng thời có thêm khoản thu nhập kha khá để thỏa mãn các nhu cầu cá nhân của mình.

“Ku-te” cũng là một xu hướng thể hiện đáng chú ý của teen trong một vài năm gần đây. Xu hướng này được du nhập và nở rộ trong giới teen Việt Nam từ phim ảnh và công nghệ giải trí Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Thể hiện qua việc con trai thì phải da trắng mịn, nhẹ nhàng hơi ‘nữ tính’, ăn mặc chăm chút; con gái thì phải tóc dài cắt tầng, mắt to tròn ngây thơ, trang phục phối đa dạng với nhiều phụ kiện như một búp bê. Có thể thấy rằng “ku-te” là một trào lưu nổi bật trong thế giới teen nhờ nó gần gũi với tâm lý của tuổi này – tuy thích khác biệt, thích thể hiện mình, nhưng vẫn là một phong cách hồn nhiên, đáng yêu, hơn là cố khoác lên mình vẻ chững chạc, đạo mạo của người lớn. Đỉnh cao của trào lưu này là sự xuất hiện của các “hot girls” và “hot boys” tuổi teen, thu hút một số lượng đáng kể fan hâm mộ tuổi teen và tạo được vô số ảnh hưởng tương đối đến các fan của mình. Từ chỗ tự phát trong cộng đồng teen, nhu cầu được công nhận này gần đây đã được quy mô hóa thành các cuộc thi chính thức như Miss Teen, Hot V-Teen,...

Teen - Thế lực tiêu dùng mới Teen - Thế lực tiêu dùng mới

“Tự sướng” là một hiện tượng phổ biến trong cộng đồng teens. Một lần nữa, với sự trợ giúp của đồ chơi hi-tech như điện thoại di động, webcam, máy ảnh kỹ thuật số, teen rất thường tự ghi lại những “khoảnh khắc” đặc biệt của mình rồi đưa lên mạng cho bà con cùng chiêm ngưỡng.

Một bộ phận không nhỏ teen con nhà khá giả dùng chính những đồ chơi công nghệ này để khẳng định đẳng cấp và mức độ sành điệu của mình. Ai trong chúng ta cũng từng đôi lần tròn mắt trước những món đồ công nghệ hàng “khủng” mà các cô cậu teen trang bị mà cũng là “trang trí” cho mình.

Teen - Thế lực tiêu dùng mới

Thế giới ảo, suy cho cùng là biểu hiện sinh động nhất cho môi trường và nhu cầu thể hiện bản thân của tuổi teen. Tồn tại song song và không thể tách rời đời thực, đây là nơi teen tự do sống và trải nghiệm những tính cách và nhân dạng (identity) khác nhau mà teen khó thực hiện ngoài đời sống thật. Chẳng trách gì mà các games online, mạng xã hội lại thu hút đông đảo teen đến vậy. Giữa đời sống mạng và đời thực dường như không tồn tại một ranh giới rõ ràng nào khi những cuộc họp trên mạng trở thành những offline ngoài đời.

Như vậy, việc kết nối “liên tùng tục” thông qua cả hai thế giới thực và ảo của teen đã tạo nên một mạng lưới các quan hệ rộng lớn để trên đó, teen thỏa sức thể hiện mình.

Kinh doanh cho teen – tiềm năng mà không dễ

Ngoài đồ ăn thức uống và cách trang trí đậm chất “ku-te”, điểm cốt lõi làm cho những quán này trở thành điểm hẹn thường xuyên của teen là tạo nên một không gian giành riêng cho teen thoải mái giao lưu bè bạn và thể hiện mình mà không cần điều chỉnh hành vi. Một teen 18 tuổi chia sẻ với chúng tôi: ”Vô đây quán vừa đẹp, mát vừa có thể đùa giỡn thoải mái với bạn bè rất là vui. Có khi xì trét quá mình hét to lên cũng chẳng phiền ai… Vào đó ai cũng vậy hết á”.

Rõ ràng miếng bánh teen Việt còn lắm tiềm năng. Nhưng với đặc điểm tâm sinh lý phức tạp của lứa tuổi, đáp ứng được nhu cầu của các thượng đế này cũng là một thách thức không nhỏ đối với người làm kinh doanh.

Lứa tuổi này tuy rất cởi mở và thích khám phá những cái mới nhưng lại chóng chán, khiến vòng đời các sản phẩm dịch vụ dành cho teen đa phần không dài. Nó đòi hỏi người kinh doanh phải liên tục cập nhật và nắm bắt các xu hướng tiếp theo của teen để điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của mình cho phù hợp. Bởi vậy, không có gì là quá khó hiểu khi một số chủ quán dành cho teen hiện nay cũng chính là những teen hay là những người đã qua tuổi teen nhưng vẫn làm những công việc thường xuyên tiếp xúc, liên quan đến teen. Càng hiểu teen thì khả năng thành công càng cao.

Bên cạnh đó, ngân sách chi tiêu của teen cũng vẫn tương đối giới hạn trong khi có rất nhiều cám dỗ tiêu dùng ở nhiều lĩnh vực khác nhau đối với đối tượng này, nên việc càng nhanh chóng thu hút teen sử dụng dịch vụ/sản phẩm của mình ngay từ đầu thì càng chiếm được nhiều lợi thế. Điều đó cho thấy nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ để lựa chọn mô hình và quy mô đầu tư thích hợp để nâng cao hiệu quả đầu tư.

Tóm gọn lại, có ba yếu tố then chốt cần chú ý khi thực hiện kinh doanh cho teen, đó là:

Teen - Thế lực tiêu dùng mới

Nguồn I.A.M Vietnam