Facebook và smartphone “đào sâu” khoảng cách thế hệ giữa 8X và 9X

Nhóm sinh vào thập niên 1990 lớn lên cùng với sự phát triển của cộng đồng mạng xã hội Facebook, thông qua điện thoại thông minh, dường như chịu ảnh hưởng mạnh mẽ hơn nhóm sinh vào thập niên 1980, những người bắt đầu biết đến điện thoại thông minh khi đã qua tuổi trưởng thành.

Đó là kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu về Đời sống và Con người khu vực Đông Nam Á Hakuhodo (HILL ASEAN), một tổ chức nghiên cứu độc lập được thành lập tại Thái Lan vào tháng 3/2014 đưa ra gần đây.

Thế hệ Millenials, những người sinh ra trong những năm 1980 - 1990, là đối tượng đã và đang được ngành marketing trên toàn thế giới quan tâm. Lớn lên cùng với công nghệ thời đại số và mang trong mình những giá trị mới mẻ, thế hệ Millenials rất khác biệt so với các thế hệ trước và khá khó tiếp cận bằng những phương pháp marketing truyền thống.

Thế hệ Millennial đặc biệt nổi bật tại khu vực Đông Nam Á, nơi có tỷ lệ dân số trẻ rất cao. Tuy nhiên, với sự chuyển dịch kinh tế, xã hội diễn ra mạnh mẽ tại các quốc gia này những năm gần đây, rất khó để xem các đối tượng có sự cách biệt lớn về độ tuổi như Millenials như một thực tể thống nhất.

Facebook và smartphone “đào sâu” khoảng cách thế hệ giữa 8X và 9X

Ảnh minh họa: freepik.com.

Thay vào đó, nghiên cứu của HILLASEAN phân chia thế hệ này thành nhóm nhỏ những đối tượng sinh vào thập niên 1980 và nhóm sinh vào thập niên 1990. Kết quả phân tích từ nghiên cứu riêng mỗi nhóm cho thấy sự khác biệt trong cách họ sống và làm việc, cách sử dụng thiết bị công nghệ kỹ thuật số, hành vi mua sắm và nhiều khía cạnh khác.

HILL ASEAN đã khảo sát hai nhóm đối tượng sinh vào thập niên 1980 và 1990 ở 6 quốc gia Đông Nam Á (Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia, Việt Nam, Philippines ("ASEAN-6") để tìm hiểu xem họ có nhận thấy khoảng cách thế hệ tồn tại giữa hai nhóm.

Khi được hỏi về những sự kiện lịch sự có tác động mạnh mẽ nhất đến đời sống của họ, nhóm sinh vào thập niên 1980 đã nhắc đến cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, khi họ đang ở tầm tuổi thiếu niên. Tuy nhiên, đối với nhóm sinh vào những năm 1990, sự ra đời của Facebook và điện thoại thông minh dường như có sức ảnh hưởng lớn hơn.

Điểm đánh giá sự kiện Khủng hoảng tài chính châu Á đều ở mức cao đối với cả hai nhóm đối tượng sinh vào thập niên 1980 và 1990 tại Indonesia và Thái Lan, hai nước có nền kinh tế chạm mốc vào thời kỳ khủng hoảng. Bố mẹ mất việc, phải xa nhà để tìm công việc khác, hoặc gia đình phải dời đi, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này chủ yếu mang tính chất cá nhân.

Facebook và smartphone “đào sâu” khoảng cách thế hệ giữa 8X và 9X

Tại Thái Lan, 48% 9X chọn Facebook, smartphone là sự kiện ảnh hưởng nhất so với Việt Nam là 40%. Trong khi đó thế hệ 8X ở Thái Lan, Việt Nam lần lượt là 26% và 23%. Nguồn: HILL ASEAN.

Tại Việt Nam và Thái Lan, sự ra đời của Facebook và điện thoại thông minh đã đào sâu hơn khoảng cách thế hệ giữa hai nhóm. Nhóm sinh vào thập niên 1990 lớn lên cùng với sự phát triển của cộng đồng mạng xã hội Facebook, thông qua điện thoại thông minh, dường như chịu ảnh hưởng mạnh mẽ hơn nhóm sinh vào thập niên 1980, những người bắt đầu biết đến điện thoại thông minh khi đã qua tuổi trưởng thành.

Một đặc điểm độc đáo của Việt Nam được thể hiện trong câu hỏi về "Sự kiện có ảnh hưởng lớn nhất". Trong khi người dân các nước Đông Nam Á khác cho rằng khủng hoảng tài chính tại Châu Á ảnh hưởng đến họ nhiều nhất thì nhiều người Việt Nam lại nhắc đến sự kiện "Việt Nam gia nhập ASEAN (1995)".

Một trong những lý do cho sự khác biệt này là vì giữa những năm 1990 là giai đoạn tăng trưởng kinh tế bắt đầu. Vì vậy, nhiều người Việt Nam đề cử "Việt Nam gia nhập ASEAN (1995)" ghi nhận điểm khởi đầu của sự tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam và đây là sự kiện có ảnh hưởng lớn lao đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Khảo sát lấy đối tượng là 1.800 người tại Singapore, Kuala Lumpur (Malaysia), Bangkok (Thái Lan), Jakarta (Indonesia), thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam), Manila (Philippines) sinh vào những năm 1970, 1980, 1990. Khảo sát được thực hiện hồi tháng 9/2016.

Thế Trần
Nguồn Trí thức trẻ