Tham vọng của CJ CheilJedang tại Việt Nam

Tập đoàn CJ CheilJedang (Hàn Quốc) đang nắm giữ 3,8% cổ phần của Vissan, nhưng trước khi bước vào "cuộc đua" sở hữu cổ phần của Vissan, mong muốn của CJ CheilJedang là nắm đến hơn 14%.

Không chỉ Vissan, tháng 11 năm ngoái, nhà sản xuất, chế biến thực phẩm hàng đầu của Hàn Quốc này đã tiến hành mua cổ phần của Công ty CP Chế biến hàng xuất nhập khẩu Cầu Tre (gọi tắt là Thực phẩm Cầu Tre) từ 3 cổ đông, gồm Transwell Enterprises Ltd (thuộc VinaCapital - sở hữu 37,3% vốn điều lệ tại Thực phẩm Cầu Tre), Quỹ đầu tư Việt Nam (Vietfund Management nắm 10%) và Song Da Corp. (0,11%).

Được biết, hiện cổ đông đang nắm 45% vốn điều lệ tại Cầu Tre là Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH Một thành viên (Satra) đang thực hiện việc chào bán hơn 2,3 triệu cổ phần của Thực phẩm Cầu Tre (với giá khởi điểm 65.000 đồng/cổ phần, tương ứng mức mà VinaCapital bán cho CJ CheilJedang) và thời gian dự kiến bán đấu giá là cuối tháng 4 này.

Cũng trong năm 2016, CJ CheilJedang đã tiến hành mở rộng hoạt động tại thị trường thực phẩm Việt Nam thông qua các thương vụ M&A. Như trường hợp mua lại công ty sản xuất kim chi mang thương hiệu "Ong Kim" và Công ty TNHH Thực phẩm Minh Đạt (Minh Đạt Food).

Tham vọng của CJ CheilJedang tại Việt Nam

Lựa chọn thực phẩm chế biến trong siêu thị. Ảnh: QH.

Mới đây, hãng tin Pulse (Hàn Quốc) cũng loan tin, CJ CheilJedang vừa hoàn tất việc thanh toán một phần trong thương vụ mua lại 64,9% cổ phần của Công ty TNHH Thực phẩm Minh Đạt. Thương vụ được ký kết từ tháng 11/2016 với tổng giá trị là 15 tỷ Won (tương đương 13,4 triệu USD). Minh Đạt là một trong những doanh nghiệp lớn của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm chế biến, đồ đông lạnh dạng viên (chủ yếu là cá viên, bò viên...), với doanh thu năm 2016 là 13 tỷ Won (tương đương 11,6 triệu USD).

Được biết, thông qua thương vụ này, Tập đoàn CJ CheilJedang dự định sẽ bán các sản phẩm thịt viên, đồ đông lạnh qua hệ thống của Minh Đạt tại các quốc gia Đông Nam Á. Dự kiến cuối tháng 4/2017 thương vụ sẽ hoàn tất.

Vào Việt Nam từ năm 1998, báo cáo hoạt động của CJ mới đây cho thấy, năm 2016, tập đoàn này đạt mức tăng trưởng trên 30% tại thị trường Việt Nam. Theo đó, doanh thu đạt 750 triệu USD và lợi nhuận sau thuế đạt 36,7 triệu USD (tương đương 834 tỷ đồng). Trong đó, mảng thức ăn chăn nuôi chiếm doanh thu cao nhất, kế đến là thực phẩm chế biến và tiếp theo là mảng giải trí.

Năm 2016, CJ tuyên bố đầu tư thêm 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam và tiến hành giải ngân ngay trong năm, chủ yếu vào các ngành như thức ăn chăn nuôi, thực phẩm và logistics.

Mục tiêu CJ là biến Việt Nam thành thị trường đầu tư lớn thứ 3 của họ đến năm 2020, sau Hàn Quốc và Trung Quốc.

Trao đổi với báo chí, đại diện của CJ tại Việt Nam - Giám đốc điều hành Chang Bok Sang cho biết, năm 2017 sẽ là năm công ty tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp tiềm năng tại Việt Nam, trong đó có việc đón cơ hội từ tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thông qua hoạt động M&A. Mục tiêu của một trong những tập đoàn đa ngành lớn của Hàn Quốc này là biến Việt Nam thành thị trường đầu tư lớn thứ 3 của họ đến năm 2020, sau Hàn Quốc và Trung Quốc.

Theo đó, bên cạnh CJ CheilJedang, một doanh nghiệp lớn khác đến từ Hàn Quốc là Deasang Corp. (với doanh thu bình quân khoảng 1 tỷ USD mỗi năm) cũng đã chi 33 triệu USD để mua 13 triệu cổ phần của Công ty CP Đức Việt (Đức Việt Foods - Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng và triển vọng của Việt Nam), nhà sản xuất xúc xích, sản phẩm cắt lát, thịt tươi an toàn và là nhà sản xuất gia vị lớn trong nước (sản phẩm chủ lực là mù tạt tiêu đen, mù tạt cay...).

Được biết, Daesang đã vào thị trường Việt Nam từ những năm 90 và có 3 nhà máy tại Việt Nam, với sản phẩm chủ lực được biết đến là bột ngọt Miwon, mù tạt, gia vị ướp thịt, nước chấm...

Nguyên Bảo - Minh Hào
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn