Ngành thực phẩm trong "cơn lũ" đầu tư ngoại
Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam luôn có sức hút nhất định, không chỉ với các quỹ đầu tư tài chính mà ngay cả các công ty nước ngoài trong cùng ngành.
Điều này được minh chứng qua các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) diễn ra liên tục trong hơn 3 năm trở lại đây.
Sức hấp dẫn của ngành được dự báo sẽ tiếp tục tăng, bởi Việt Nam đang sở hữu thị trường nội địa với quy mô dân số hơn 90 triệu dân và mức chi tiêu cho thực phẩm của người dân đang được cải thiện.
Nếu nhìn vào danh mục sản phẩm, lĩnh vực đầu tư của các doanh nghiệp ngoại, có thể thấy cuộc đua mua bán - sáp nhập trong ngành thực phẩm sẽ chưa dừng lại. "Sân chơi" này không chỉ có sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất mà còn từ các quỹ đầu tư tài chính.
Báo cáo mới của VinaCapital cho biết, họ sẽ vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư vào những công ty thuộc nhóm ngành hàng tiêu dùng, đặc biệt là thực phẩm và đồ uống. Năm ngoái, thương vụ thoái vốn khỏi Thực phẩm Cầu Tre, bán cho CJ đã giúp nhà đầu tư tổ chức này thu về 12,4 triệu USD, với tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) đạt 17% và thu nhập trên vốn đầu tư đạt 2,8x.
Dù thực phẩm được đánh giá là có mức độ tăng trưởng ổn định từ 10 - 15%/năm và theo một dự báo của Business Monitor International (BMI), mức tiêu thụ của thị trường thực phẩm chế biến tại Việt Nam 2011 - 2016 đạt 29,5 tỷ USD (một công ty nghiên cứu trong nước đã đưa ra mức tăng quy mô của ngành thực phẩm chế biến Việt Nam thực tế tăng mạnh hơn, từ 18,8 tỷ USD của 2011 lên 32,1 tỷ USD năm 2015) và mức tiêu thụ bình quân đầu người ước tính năm 2016 đạt 5,8 triệu đồng/năm, nhưng điều này không đồng nghĩa khoản đầu tư nào cũng trở nên hấp dẫn.
Được biết, tiêu chí để các quỹ đầu tư tài chính cũng như các doanh nghiệp tiến hành M&A một doanh nghiệp trong ngành thực phẩm thường là doanh nghiệp đầu ngành (chiếm lĩnh thị phần lớn ở một sản phẩm nào đó), có sản phẩm tương đồng hoặc sản phẩm mà bên mua muốn mở rộng (doanh nghiệp cùng ngành); hoặc bên bán có hệ thống phân phối rộng khắp trong nước và cả thị trường xuất khẩu rộng lớn. Chẳng hạn, trường hợp của Thực phẩm Cầu Tre (chuyên về thực phẩm chế biến, trà, bữa ăn chế biến sẵn, thịt đông lạnh, xúc xích...), doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp này luôn chiếm trên 60% tổng doanh thu của họ qua các năm.
Theo BMI, mức tiêu thụ của thị trường thực phẩm chế biến tại Việt Nam 2011 - 2016 đạt 29,5 tỷ USD và mức tiêu thụ bình quân đầu người ước tính năm 2016 đạt 5,8 triệu đồng/năm.
Báo cáo phân tích về thị trường thực phẩm chế biến của Việt Nam năm 2016 do StoxPlus thực hiện cho thấy, trong 2015 - 2016, các thương vụ M&A trong ngành này chủ yếu đến từ các nhà đầu tư châu Á như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc. Thực tế, công nghiệp chế biến thực phẩm được phân loại thành 4 loại: chế biến thịt, hải sản, sữa, chế biến trái cây và rau quả. Trong đó, nếu các nhà đầu tư Nhật Bản từng thấp thoáng bóng dáng trong các thương vụ mua lại cổ phần của các công ty chế biến sữa của Việt Nam thì doanh nghiệp Hàn Quốc lại chuộng 3 lĩnh vực còn lại.
Nhà điều hành một doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc chia sẻ, bên cạnh các công ty đã có sự tham gia của khối ngoại, ngành chế biến thực phẩm tại Việt Nam vẫn còn nhiều công ty sở hữu tiềm lực mạnh về thị trường, sản phẩm lẫn thương hiệu được khối ngoại "nhòm ngó", như trường hợp của Hải Việt Corp. (doanh thu xuất khẩu năm 2016 đạt trên 77 triệu USD, với sản phẩm hải sản chế biến sẵn như sushi tôm, mực...) hay Thực phẩm Thiên Hương (Thiên Hương Food), Antesco (chế biến rau quả, thực phẩm An Giang)...
Điều đáng nói, bên mua, điển hình như CJ CheilJedang, trong các ngành kinh doanh trọng yếu của họ, không chỉ có chuyên về thực phẩm chế biến sẵn, đông lạnh, thịt... mà công ty này thực chất còn sản xuất các mặt hàng khác như dầu ăn; trong khi "người anh em" của họ là CJ Freshway lại chú trọng đến thực phẩm tươi sống, cụ thể là rau củ quả chế biến. Do đó, chiến lược M&A để mở rộng thị trường của các Tập đoàn lớn nước ngoài tại Việt Nam chắc chắn sẽ còn tiếp tục trong các lĩnh vực của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.
Nguyên Bảo - Minh Hào
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn