Thời hoàng kim của truyền hình liệu có còn?
Trong một chuyến đi dã ngoại cùng gia đình, Charlie Brooker – nhà sáng lập ra chương trình truyền hình nổi tiếng “Black Mirror” – đã rất bất ngờ khi con trai của ông phản ứng lại với cách theo dõi truyền hình truyền thống.
Cậu bé cho rằng thay vì phải ngồi chờ đến đúng một khung giờ để xem một chương trình trên kênh truyền hình, giờ đây mình có thể xem bất cứ thứ gì mình thích vào bất kì thời gian nào. “Cách xem ti vi như cũ đối với nó có vẻ đã là cổ lỗ sĩ rồi”, ông Brooker chia sẻ.
Màn “cướp ngôi” này không diễn ra nhanh chóng, mà theo một tốc độ chậm rãi. Truyền hình (dù trả phí hay phát sóng miễn phí) vẫn là nền móng vững chắc cho loại hình giải trí thông qua video ở hầu hết mọi nơi trên thế giới. Nhưng mối đe dọa đối với sự thống trị này đến từ 2 phía.
Cả 2 nhóm đối thủ của truyền hình đều đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, với số lượng người dùng tăng lên từng giờ. Áp lực từ các đối thủ này càng làm lung lay hơn “ngôi vương” mà truyền hình đang nắm giữ, đặc biệt trong bối cảnh khán giả đang dành nhiều hơn thời gian mỗi ngày để online, từ đó quay lưng lại với chiếc ti vi quen thuộc.
Có một điều trớ trêu là dù đối mặt với nhiều đối thủ lớn như vậy, nhưng truyền hình lại đang ở giai đoạn hoàng kim về mặt quy mô. Người Mỹ chỉ có trung bình 41 kênh truyền hình cáp để xem vào năm 1995, và họ thường chỉ xem 10 kênh trong số đó một tuần. Đến năm 2008, theo hãng nghiên cứu thị trường Nielsen, người dân Mỹ có thể bật đến 129 kênh, nhưng họ chỉ xem khoảng 17,3 kênh một tuần. Và sang năm 2013, con số kênh có thể bật đã lên đến 189, nhưng số kênh được xem chỉ là 17,5.
Số kênh tăng không đồng nghĩa với việc người dùng sẽ xem nhiều hơn. Những thứ mà khán giả có thể “nuốt trôi” cũng có giới hạn.
Dù không xem thêm nhiều hơn, nhưng người dùng truyền hình cáp lại phải chấp nhận trả phí cao hơn. Theo công ty nghiên cứu Leichtman, hóa đơn truyền hình cáp tại Mỹ đã gần gấp đôi trong 10 năm qua, lên đến hơn 100 đô la Mỹ/tháng. Chính điều này đã tạo cơ hội cho những nhà cung cấp video qua mạng Internet, như Netflix cung cấp tới khách của họ rất nhiều chương trình hấp dẫn mà có thể xem bất cứ khi nào muốn chỉ với giá chưa tới 10 đô la Mỹ/tháng, chưa kể các mạng xã hội còn cho phát miễn phí video.
Đà suy giảm của truyền hình truyền thống có thể thấy rất rõ ở một thị trường lớn như Mỹ. Thời gian theo dõi truyền hình (cả phát sóng và cáp) từ khán giả ở mọi lứa tuổi đã giảm 11% sau 6 năm, xuống còn hơn 4 tiếng/ngày. Đặc biệt ở nhóm khán giả trẻ từ 12-24 tuổi, con số này giảm đến 40%. Mức độ thâm nhập thị trường của loại hình truyền hình trả phí đã giảm từ 90% xuống còn 80%.
Nhưng không phải mọi thứ đều diễn biến theo chiều hướng xấu đối với truyền hình. Loại hình này vẫn còn nét hấp dẫn riêng của nó, đó chính là các sự kiện trực tiếp, đặc biệt là thể thao.
Theo Nielsen, các chương trình thể thao chiếm đến 93 trong số 100 chương trình được xem nhiều nhất trong năm 2015. Mười năm trước có chỉ có 14 chương trình thể thao lọt được vào top 100 này. Trong khi quảng cáo truyền hình đang theo xu hướng giảm, thì quảng cáo trong sự kiện thể thao lại tăng 50% trong giai đoạn 2005-2015. Dù cho lượng người xem có thể giảm đi, nhưng các chương trình có số khán giả theo dõi lớn như thể thao lại rất ít nên giá quảng cáo không hề đi xuống. Kênh thể thao ESPN (thuộc sở hữu của Disney) hiện có tới 90 triệu người đăng kí và đạt doanh thu khoảng 8 tỷ đô la Mỹ - con số lớn hơn thành tích của mọi kênh truyền cáp nào khác.
Hiểu rõ các nhà đài cần mình đến mức nào, nhiều giải thể thao lớn cũng đội giá lên theo từng năm. Chỉ tính riêng tiền bản quyền mà ESPN cùng 4 kênh truyền hình khác phải trả để phát sóng giải bóng bầu dục quốc gia tại Mỹ đã gấp đôi sau 10 năm, hiện vào khoảng 5,5 tỷ đô la Mỹ/năm. ESPN cùng TNT (sở hữu bởi Time Warner) cũng phải chồng tới 24 tỷ đô la Mỹ cho tiền bản quyền phát sóng giải Bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) trong 9 năm, gấp 3 lần con số cho thương vụ trước đó.
Nhiều người đắn đo rằng ESPN sẽ còn có lãi được trong bao lâu, khi mà nhà đài này đã mất cả triệu người theo dõi vài năm gần đây. Bởi lẽ chi phí tăng lên cũng buộc ESPN phải thu thêm tiền từ khách hàng.
Liệu truyền hình sẽ để mất vị thế thống trị trong ngành công nghiệp giải trí? Câu trả lời trong tương lai gần có lẽ là không, bởi lẽ quy mô và lợi nhuận của nền tảng này là rất lớn, không dễ gì để “ngôi vương” mà nó nắm giữ bị lật đổ ngay được. Nhưng chắc chắn vị trí này đang bị xói mòn dần từng ngày, và các nhà đài cũng thật khó làm gì để đảo ngược lại xu hướng này.