Thực phẩm hữu cơ: Nhà sản xuất, bán lẻ cùng vào cuộc
Trước tình trạng đáng báo động của thực phẩm bẩn, thực phẩm chứa kháng sinh, chất cấm, các nhà sản xuất và bán lẻ đã vào cuộc với mong muốn đem đến sản phẩm an toàn cho người sử dụng.
"Đại gia" vào cuộc
Giữa tháng 3/2017, Vinamilk đã khánh thành Trang trại Vinamilk Organic Đà Lạt - trang trại bò sữa organic đầu tiên tại Việt Nam theo tiêu chuẩn châu Âu. Trang trại có mức đầu tư trên 200 tỷ đồng, quy mô đàn bò sữa ban đầu là hơn 500 con.
Bà Mai Kiều Liên - TGĐ Công ty CP Vinamilk cho biết, với chiến lược phát triển bền vững, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao để chủ động trong sản xuất, Trang trại Vinamilk Organic Đà Lạt là bước đi chiến lược để Vinamilk đẩy mạnh phát triển dòng sản phẩm hữu cơ cao cấp theo tiêu chuẩn organic châu Âu ngay tại Việt Nam với giá cả hợp lý cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Việc xây dựng trang trại bò sữa organic của Vianmilk được triển khai từ năm 2014. Từ năm 2006, Vinamilk đã bắt đầu xây dựng các trang trại nuôi bò sữa công nghiệp với vốn khởi điểm là hơn 500 tỷ đồng và đã tăng đến 1.670 tỷ đồng (năm 2015). Đến nay, Vinamilk đã có 10 trang trại quy mô lớn với toàn bộ bò giống nhập từ Úc, Mỹ, New Zealand.
Bà Mai Kiều Liên cho rằng, sữa organic chính là một trong những hướng đi của ngành nông nghiệp Việt Nam. Việc kết hợp giữa ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao, xây dựng chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường để cung cấp thực phẩm an toàn, chất lượng cao nhất cho người tiêu dùng là hướng đi mà Vinamilk đang nhắm đến.
Trước Vinamilk, vào cuối năm 2016, một doanh nghiệp lớn khác của Việt Nam là Vinamit cũng đã nhận chứng nhận canh tác, chế biến hữu cơ và nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Organic) và Liên minh châu Âu (Ecocert - EU).
Chia sẻ trong cuộc gặp gỡ báo chí về các vấn đề nông nghiệp Việt Nam do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) hồi đầu năm, ông Nguyễn Lâm Viên - TGĐ Công ty Vinamit cho biết, xu hướng thực phẩm organic rất phổ biến tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
"Công ty chọn hướng đi organic để đáp ứng những tiêu chí ngày càng cao của thị trường. Và tôi muốn trước hết người tiêu dùng Việt Nam cũng phải được sử dụng những sản phẩm ưu việt đó", ông Viên nói.
Theo các chuyên gia của Control Union - đơn vị chứng nhận tiêu chuẩn organic của Mỹ và EU, tại Việt Nam, xu hướng làm nông nghiệp hữu cơ ngày càng tăng cho thấy nhu cầu về thực phẩm sạch, tốt cho sức khỏe được người tiêu dùng đặt lên hàng đầu. Việt Nam hiện có khoảng 150 đơn vị được cung cấp chứng nhận đạt chuẩn organic các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi.
Nhà bán lẻ tham gia
Không chỉ có nhà sản xuất mà ngay cả nhà bán lẻ như Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM - Saigon Co.op cũng đang triển khai sản xuất thực phẩm organic. Theo đại diện của Saigon Co.op, hiện tại đơn vị đang có kế hoạch đưa vào hệ thống Co.opmart các sản phẩm hữu cơ đạt chứng nhận quốc tế thông qua kết nối chuỗi cung ứng ở các cấp độ khác nhau.
Theo ông Phạm Trung Kiên - Phó tổng giám đốc Saigon Co.op: "Saigon Co.op chủ động tham gia vào nông nghiệp nhằm thực hiện trách nhiệm xã hội, góp phần nâng cao thu nhập của nông dân. Saigon Co.op sẽ cùng nông dân tạo ra sản phẩm nông nghiệp không làm tổn hại đến môi trường, nguồn đất, nguồn nước và sinh vật xung quanh".
Sắp tới, các sản phẩm thương hiệu Co.op Organic như gạo, rau cải, rau muống, dưa leo, cà chua và tôm sú nuôi trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ và châu Âu sẽ được bày bán tại các siêu thị Co.opmart (Lý Thường Kiệt, Cống Quỳnh, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Đình Chiểu, Phú Mỹ Hưng, Tân Phong).
Chia sẻ về vấn đề này, TS. Christian Henckes - Giám đốc Chương trình Quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICMP) do GIZ thay mặt Chính phủ Đức và Australia thực hiện tại Việt Nam cho biết, khách hàng các nước mong muốn chất lượng cao của tôm và các sản phẩm khác của Việt Nam và hiện đang hướng đến các sản phẩm hữu cơ. Muốn sản phẩm vươn tầm thế giới, các doanh nghiệp và nhà sản xuất Việt Nam phải hợp tác để đáp ứng được các tiêu chuẩn đề ra mà không làm tổn hại đến môi trường.
Sản xuất hữu cơ tại Việt Nam có tiềm năng rất lớn, tuy nhiên vẫn còn một số thách thức, đặc biệt là nhu cầu thị trường. Những năm gần đây, người tiêu dùng Việt Nam đã được giới thiệu khái niệm "thực phẩm hữu cơ", chủ yếu là rau củ, quả, thịt, cá nhưng do các yêu cầu đặc thù của sản phẩm hữu cơ nên sản lượng chưa nhiều, phân phối hạn chế.
Theo bà Mai Kiều Liên, để có được một trang trại bò hữu cơ 76ha, Vinamilk đã mất nhiều năm tìm vùng đất thích hợp cho đàn bò sữa organic. Các quy trình từ việc chọn con giống, nguồn đất, nguồn nước, nguồn thức ăn đến chế độ chăn nuôi bò và sản xuất sữa đều phải tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn organic, như không được dùng hormone tăng trưởng, không có dư lượng kháng sinh, không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Ở góc độ của nhà chứng nhận tiêu chuẩn organic, ông Richard De Boer - Giám đốc Control Union Việt Nam cho rằng, xu hướng sử dụng thực phẩm hữu cơ đã phát triển từ nhiều năm nay tại châu Âu, châu Mỹ và đang lan tỏa mạnh mẽ bởi người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm hơn tới sức khỏe. Ở Nhật Bản, Hàn Quốc, tiêu dùng thực phẩm organic đang dần trở nên phổ biến. Tại Việt Nam, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng đang được đặt lên hàng đầu khi người tiêu dùng hướng tới đảm bảo sức khỏe, dinh dưỡng.
Hồng Nga
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn