Khủng hoảng ở United Airlines và sức mạnh của người tiêu dùng châu Á
Trong tương lai, các tập đoàn đa quốc gia sẽ phải rất chú ý đến các khách hàng ở châu Á. Adam Carstens đến từ PQ Partners cho rằng trong 15 năm tới, phần lớn động lực tăng trưởng chi tiêu của nhóm người tiêu dùng có thu nhập trung bình sẽ đến từ châu Á.
Ngày giao dịch đầu tiên sau khi hãng hàng không Mỹ United Airlines lôi 1 hành khách gốc Á khỏi máy bay vì tình trạng overbook (số vé bán ra nhiều hơn số ghế và vì thế bị thiếu chỗ), cổ phiếu của United Continental Holdings thực chất đã tăng giá. Tất nhiên, người Mỹ vẫn giận dữ về cách đối xử quá thiếu tôn trọng của hãng này đối với hành khách, nhưng hàng không là 1 ngành đặc thù, nơi mà khách hàng không có nhiều sự lựa chọn. Nhà đầu tư nhún vai và kết luận rằng dù gì thì khách sẽ đi máy bay của United.
Nhưng điều thú vị đã xảy ra ở ngày thứ hai.
Trong đêm, một cơn bão đã bùng phát trên mạng xã hội và đặc biệt mạnh mẽ ở Trung Quốc. Cư dân mạng Trung Quốc cho rằng vị hành khách bị đối xử thô bạo như vậy là bởi vì ông là người gốc Á. Trong phiên giao dịch buổi sáng 11/4, cổ phiếu United mất 4%.
Theo giới phân tích, đây là điều mà các nhà đầu tư nên lưu ý. Trong tương lai, các tập đoàn đa quốc gia sẽ phải rất chú ý đến các khách hàng ở châu Á.
Adam Carstens đến từ PQ Partners cho rằng trong 15 năm tới, phần lớn động lực tăng trưởng chi tiêu của nhóm người tiêu dùng có thu nhập trung bình sẽ đến từ châu Á. Những công ty đa quốc gia có trụ sở ở Mỹ sẽ phải coi tầng lớp trung lưu của châu Á là một phần quan trọng trong chiến lược tăng trưởng.
Mới đây Starbucks vừa công bố sẽ bổ sung thêm bảo hiểm y tế cho cả bố mẹ của các nhân viên người Trung Quốc. Động thái này vừa giúp thu hút nhân tài vừa giúp ghi điểm trong mắt khách hàng Trung Quốc vì coi trọng giá trị văn hóa về đạo hiếu đã tồn tại lâu đời trong xã hội Trung Quốc. Starbucks muốn ghi lại dấu ấn trong lòng các khách hàng Trung Quốc với vị thế là một thương hiệu Trung Quốc thay vì nước ngoài.
Các nhà làm phim Hollywood cũng quan tâm đến vấn đề này. Trong bối cảnh doanh thu từ bán đĩa DVD sụt giảm do sự trỗi dậy của video trực tuyến, các hãng phim Hollywood tập trung vào các sản phẩm phù hợp với người xem trên toàn cầu chứ không phải riêng các khán giả Mỹ. Họ hi vọng doanh thu bán vé trên toàn cầu sẽ bù đắp được sự sụt giảm trong doanh thu từ DVD.
Các doanh nghiệp ở thung lũng Silicon hiểu rõ điều này hơn ai hết.
Hiện bị chặn ở Trung Quốc nhưng trước đó Google đã phải rất khó khăn để cân bằng giữa việc được tiếp cận thị trường đông dân nhất thế giới và những yêu cầu của Trung Quốc về việc kiểm soát nội dung. Facebook vẫn bị chặn ở thị trường này từ năm 2009 đến nay, cho dù CEO Mark Zuckerberg đã nhiều lần tiếp cận với giới chức Trung Quốc và thậm chí còn học tiếng Trung. Từ eBay đến Uber, có vô số công ty công nghệ đã nỗ lực nhưng không thể chiến thắng ở thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, xu hướng dịch chuyển sang các giá trị châu Á cũng gây ra mâu thuẫn khi các khách hàng Mỹ chưa thể thích ứng. Nhiều trường đại học Mỹ đang tiếp nhận số lượng kỷ lục du học sinh Trung Quốc để giải quyết vấn đề tài chính. Thử tưởng tượng một ngày các cuộc biểu tình ở trường đại học Mỹ được dẫn dắt bởi sinh viên châu Á coi trọng giá trị châu Á thay vì những giá trị Mỹ. Khi 2 nhóm mâu thuẫn, giá trị nào sẽ chiến thắng?
Ngay sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống, CEO của các tập đoàn Mỹ đã lâm vào tình huống khó xử khi họ bị chỉ trích vì xây nhà máy ở những nước có chi phí nhân công giá rẻ trong khi các giá trị và nhu cầu của khách hàng châu Á là điều quan trọng đối với tương lai của họ.
Thời mà các công ty đứng ngoài chính trị đã trở thành dĩ vãng. Giờ đây, khi người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi nhiều hơn về những giá trị mà 1 thương hiệu sẽ mang lại khi họ mua sản phẩm của hãng, một loạt câu hỏi xuất hiện. Công ty nên đặt giá trị nào lên trước nhất? Là khách hàng, nhân viên hay quốc gia? Những quyết định này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà còn định hình những giá trị phổ biến trên toàn thế giới.
Thu Hương / Bloomberg
Nguồn Trí thức trẻ