Fintech Việt & giấc mơ 35 tỷ USD

Ngành công nghệ tài chính (Fintech) nhìn thấy Việt Nam là thị trường lên tới gần 35 tỉ USD. Thế nhưng sau 10 năm, Việt Nam đã bị tuột lại sau Campuchia.

Harbour View, nơi đơn vị sở hữu ví điện tử Payoo là VietUnion đặt văn phòng, có vị trí khá sầm uất khi nằm gần cuối phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM, đối diện tòa nhà Bitexco cao nhất Việt Nam. Dọc các con đường này, không khó để tìm thấy các quán ăn, cửa hàng mua sắm chấp nhận thanh toán bằng thẻ, nhưng cũng không thiếu các cây ATM được bố trí ở gần các ngã tư hay trong các tòa nhà. Nguyên nhân đơn giản, nhu cầu sử dụng tiền mặt ở đây vẫn rất cao. Một nhân viên văn phòng gần đó là Ngân Nguyễn, 25 tuổi, giải thích cô không dùng thẻ hay ví điện tử là do nhiều quán ăn không chấp nhận thanh toán thẻ và vẫn dùng tiền mặt thanh toán là chính. Sự xuất hiện của Payoo tại đây như “biểu tượng” cho sự kiên trì của dịch vụ này trong địa hạt “ví điện tử” gần 10 năm qua khi rất nhiều dịch vụ thanh toán tương tự đã lặng lẽ đóng cửa. Làn sóng đầu tư cho các doanh nghiệp “Fintech” đang lan tỏa tại Việt Nam giúp công ty này lạc quan hơn cho sự kiên nhẫn của mình.

Fintech hay công nghệ tài chính là thuật ngữ để chỉ một ngành cung cấp các dịch vụ tài chính trên nền công nghệ di động. Theo Tập đoàn Tư vấn quản trị Boston Consulting Group (BCG), gần 53 tỉ USD đã được dành cho các công ty Fintech và hiện có khoảng hơn 3.500 công ty Fintech trên thế giới. Trong đó, doanh nghiệp Fintech của Mỹ thu hút gần 70% vốn đầu tư và Trung Quốc đứng đầu trong các nước châu Á - Thái Bình Dương về thu hút đầu tư Fintech.

Fintech Việt & giấc mơ 35 tỷ USD

Ngành công nghệ tài chính (Fintech) nhìn thấy Việt Nam là thị trường lên tới gần 35 tỉ USD. Thế nhưng sau 10 năm, Việt Nam đã bị tuột lại sau Campuchia.

Theo PwC, các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền di động đang trở thành cánh cổng để tiếp cận một bộ phận dân số chưa giao dịch với ngân hàng. PwC dự báo rằng công nghệ di động sẽ giúp nhiều khách hàng mới tiếp cận các dịch vụ tài chính và mở ra một thị trường mới có tổng giá trị tới 3.000 tỉ USD cho lĩnh vực thanh toán toàn cầu.

Việt Nam có dân số hơn 90 triệu người với phần lớn là người trẻ, khoảng một nửa dân số được tiếp xúc nhiều với internet và đến 70% dân số sử dụng smartphone. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, đây là những lý do chính khiến các chuyên gia đánh giá Việt Nam là một thị trường Fintech đầy tiềm năng. Tính đến năm ngoái, đã có khoảng hơn 30 công ty Fintech ở Việt Nam và 2/3 trong số đó cung cấp các dịch vụ thanh toán di động khi mà lĩnh vực thương mại điện tử đang phát triển bùng nổ. Các chuyên gia nhận định, dịch vụ thanh toán di động sẽ tiếp tục là điểm sáng trong thị trường Fintech Việt Nam năm nay.

Ông Nguyễn Hòa Bình, nhà sáng lập, Chủ tịch NextTech Group of Technopreneurs, cho rằng vẫn còn một bộ phận lớn khách hàng, có thể chiếm tới 70-80% dân số tại các quốc gia mới phát triển, trong đó có Việt Nam nằm ngoài vùng phủ sóng của ngân hàng. Đây là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp hợp tác lấp chỗ trống hoặc thay thế ngân hàng phục vụ đối tượng này.

Sức hút “khoản tiền nhỏ”35 tỉ USD

Fintech Việt & giấc mơ 35 tỷ USDThương vụ đầu tư 28 triệu USD từ Quỹ Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng Goldman Sachs vào Công ty Cổ phần M_Service, đơn vị sở hữu ví điện tử MoMo khiến nhóm doanh nghiệp Fintech mới bắt đầu được chú ý hơn. Theo thống kê của Topica Founder Institute, trong năm 2016, tổng giá trị các thương vụ liên quan tới startup Fintech tại Việt Nam là 129 triệu USD, chiếm 63% tổng giá trị các thương vụ startup.

Năm 2007, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu thử nghiệm dịch vụ thanh toán trung gian. Thời điểm đó có 9 đơn vị ghi tên khai phá thị trường là Mobivi, Payoo, VNPay, VinaPay, Smartlink, M_Service, VNPT EPay, Ngân Lượng và ECPay. Tám năm sau, dịch vụ này chính thức được cấp phép, từ 9 doanh nghiệp ban đầu đã tăng lên con số 20, theo thống kê hồi tháng 2.2017 của Ngân hàng Nhà nước. Sau nhiều năm thí điểm dịch vụ, đến nay, các phân khúc đã định hình khá rõ ràng, mỗi đơn vị trung gian thanh toán đã dần định hướng nhóm đối tượng khách hàng cụ thể của họ với các đặc trưng và lợi thế riêng. Thị trường này thu hút nhiều quỹ đầu tư, công ty công nghệ như Gobi Partners của Trung Quốc (OnOnPay); UTC Investment của Hàn Quốc (VNPTPay); các quỹ Experian, Kusto Tiger và Unitus Impact cùng ngân hàng Sumitomo đầu tư cho Mobivi, song hành cùng các công ty trong nước như Viettel với BankPlus; MobiFone nhắm vào Vimo... Theo xu hướng toàn cầu, dự báo thị trường Fintech tại Việt Nam tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư trong thời gian tới.

Ông Phạm Thành Đức, Giám đốc Điều hành của MoMo, từng phát biểu rằng với đà phát triển công nghệ như hiện nay, Việt Nam lẽ ra đã phải có tới 20 triệu người dùng thanh toán di động và khối lượng giao dịch đạt 25 tỉ USD, dựa theo ước lượng từ nước láng giềng Trung Quốc. Nếu như các ngân hàng có ứng dụng mobile banking để kết nối người dùng (buộc sở hữu tài khoản ngân hàng) với các dịch vụ ngân hàng đó, thì MoMo giúp khách hàng làm điều tương tự nhưng không cần thiết phải có tài khoản ngân hàng. MoMo định danh tài khoản qua số điện thoại của người dùng. Người dùng có thể nạp tiền mặt từ các điểm giao dịch của MoMo hoặc qua ngân hàng. Số tiền này sau đó được sử dụng cho các giao dịch như chuyển tiền hoặc thanh toán dịch vụ, mua hàng hóa.

Ở Việt Nam, đó là thị trường 35 tỉ USD với những khoản chuyển tiền nhỏ hơn 5 triệu đồng, theo số liệu khảo sát của MoMo dựa trên các bưu điện, báo cáo của Liên hiệp Quốc và Smartlink (đơn vị trung gian thanh toán, nay đã nhập vào Banknet). Đó cũng là lý do vì sao bên cạnh hệ thống giao dịch trực tuyến, MoMo cũng sở hữu hệ thống giao dịch vật lý với hơn 4.000 điểm giao dịch trải dài rộng khắp 45 tỉnh thành. Fintech Việt & giấc mơ 35 tỷ USD“Chúng tôi đang phục vụ hơn 1,5 triệu khách hàng qua những kênh này”, ông Thành Đức cho biết. Không chỉ tăng cường người bán hàng hóa, MoMo còn tăng cường thêm các điểm giao dịch. Mục tiêu lên đến 11.000 điểm giao dịch phủ sóng khắp toàn quốc là một tham vọng lớn, bởi nó vượt qua số bưu điện trên cả nước.

Giống như MoMo, Payoo là đơn vị tham gia thị trường từ sớm và đầu tư khá lớn vào mạng lưới giao dịch, chỉ khác là MoMo tập trung vào việc thanh toán hóa đơn điện, nước, truyền hình. Theo ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng Giám đốc VietUnion, hiện Công ty có gần 5.000 điểm thanh toán trên toàn quốc. Năm ngoái, tổng doanh thu điện nước, truyền hình cáp ở các thành phố lớn của Payoo là 1 tỉ USD, chiếm khoảng 10% thị phần. Đơn vị này cũng bắt đầu mở rộng liên kết với các doanh nghiệp kinh doanh nhà xe, du lịch để đa dạng dịch vụ. Hiện nay, Payoo xử lý khoảng 10% lượng giao dịch cho EVN tại TP.HCM. Một điểm khác biệt khác là Payoo hiện không tập trung vào mảng ứng dụng di động; Công ty chỉ có khoảng vài chục ngàn người sử dụng từ kênh này nhưng bù lại tỉ lệ hoạt động khá cao, trên 80%. “Có hai nguyên nhân chính khiến chúng tôi không đẩy mạnh kênh này trong thời điểm hiện tại: Thứ nhất, các dịch vụ trực tuyến chưa đủ để hấp dẫn số đông người sử dụng trên internet. Thứ hai, bản thân Payoo cũng cung cấp dịch vụ internet banking và mobile banking cho các doanh nghiệp đối tác, việc tham gia cạnh tranh trong một thị trường chưa đủ lớn không đem lại lợi ích”, ông Lĩnh cho biết.

Bên cạnh các công ty chuyên Fintech, nhiều tập đoàn dịch vụ internet khác cũng đã nhảy vào cuộc chơi này ở Việt Nam nhằm tận dụng số lượng người dùng sẵn có. Cuối tháng 12 năm ngoái, ví điện tử ZaloPay của Zion, công ty con của VNG, cũng ra mắt thị trường dù đơn vị này đã có cổng thanh toán 123pay. Được tích hợp với cộng đồng 70 triệu người dùng của ứng dụng chat Zalo, có thể thấy ZaloPay đang đi theo con đường mà Tencent đã mở ra tại Trung Quốc với WeChat Pay.

Hai “kỳ lân” đầu đàn của làng công nghệ Đông Nam Á là dịch vụ chơi game Garena và dịch vụ gọi xe Grab đều đã bước chân vào mảng dịch vụ thanh toán. Tháng 3 năm ngoái, chi nhánh tại Việt Nam của Garena là Vietnam eSports đã cho ra mắt ví điện tử TopPay. Theo tuyên bố của TopPay, dịch vụ này đã có trên 20.000 điểm giao dịch trên toàn quốc và hiện số lượt tải về TopPay trên Play Store đã vượt ngưỡng 100.000. Trong khi đó, Grab đang ráo riết chạy khuyến mãi trên toàn Đông Nam Á để thu hút thêm người dùng cho dịch vụ thanh toán GrabPay, nhằm tận dụng con số 27 triệu người dùng đang có.

Trước đây, hãng thương mại điện tử Lazada cũng từng có kênh thanh toán riêng HelloPay được phát triển tại Việt Nam và triển khai ở các nước Đông Nam Á khác như Singapore và Malaysia. Sau khi Lazada được Alibaba mua lại hồi tháng 4.2016, HelloPay đã được sáp nhập vào hệ thống AliPay của Alibaba, tạo điều kiện cho dịch vụ thanh toán di động lớn nhất Trung Quốc (400 triệu người dùng) tiến vào Đông Nam Á.

Học Campuchia, Kenya được không?

Nhưng dù số lượng người sử dụng internet chiếm 40% dân số và đa số là người trẻ nhưng Fintech ở Việt Nam vẫn còn quá non kém so với nước láng giềng Campuchia. Ở Campuchia, ngành Fintech đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, trong đó dẫn đầu là dịch vụ tài chính di động Wing thuộc tập đoàn lớn nhất Campuchia là Royal Group. Fintech Việt & giấc mơ 35 tỷ USDTheo thông tin từ CEO Jojo Malolos của Wing, đến cuối năm 2016, Công ty đã có khoảng 5.000 điểm giao dịch trên khắp Campuchia, phục vụ 3 triệu khách hàng (tương đương 20% dân số) và xử lý khoảng 60 triệu giao dịch mỗi năm.

Từ năm 2013, khối lượng giao dịch Wing xử lý đã là 1,5 tỉ USD (bằng khoảng 10% GDP khi đó) và mới đây, ông Malolos tuyên bố Wing đang xử lý khối lượng giao dịch gần bằng một nửa GDP của Campuchia, nghĩa là xấp xỉ 9 tỉ USD. Theo Giám đốc Marketing Franchette Cardona, hằng năm, chỉ riêng lượng tiền được chuyển từ thủ đô Phnom Penh về các vùng nông thôn qua Wing đã vào khoảng 2 tỉ USD. Sự phát triển mạnh mẽ của Wing một phần đến từ các cơ chế chính sách khá thông thoáng cho Fintech tại Campuchia. Từ cuối năm 2014, Wing đã được Ngân hàng Trung ương Campuchia (NBC) cấp giấy phép ngân hàng đặc biệt, cho phép Công ty được quản lý và chịu trách nhiệm về các khoản tiền ký gửi của khách hàng, cũng như được trực tiếp báo cáo cho NBC. Tại thời điểm được cấp phép, tổng số tiền ký gửi tại Wing là 35 triệu USD và khách hàng ký gửi được hưởng lãi suất 1%/năm.

Thậm chí, tới tháng 3.2016, sau khi có thỏa thuận giữa Bộ Tài chính Campuchia và Wing, người dân Campuchia đã có thể đóng thuế bất động sản và phí đăng ký xe qua Wing. Theo ông Malolos, từ đó đến nay, số thuế được đóng đã tăng khoảng 25% và Wing đang chuẩn bị cho “giai đoạn 2” là được quyền thay mặt Chính phủ thu các loại thuế khác nữa. Chỉ trong một thời gian ngắn, các chức năng của Wing đã vượt rất xa so với những dịch vụ mà các công ty Fintech Việt Nam đang cung cấp.

Nhưng để nói về “hiện tượng” trong lĩnh vực Fintech ở các quốc gia phát triển, phải nói đến Kenya. Với mức GDP bình quân đầu người còn khá khiêm tốn vào khoảng 1.600 USD, nhưng Kenya lại là nơi khai sinh dịch vụ chuyển tiền qua di động lớn nhất thế giới là M-Pesa, với hơn 30 triệu người dùng tại 10 nước. Trong đó, đáng chú ý là sự bùng nổ dịch vụ M-Pesa của Công ty Safaricom, vốn là liên doanh giữa Chính phủ Kenya với Tập đoàn Vodafone của Anh, đã ra đời nhằm cho phép những người vay tín dụng vi mô có thể trả lại tiền qua điện thoại.

Ở Kenya, số người sử dụng M-Pesa đã lên tới 19 triệu người, tương đương 40% dân số và 2/3 số người ở tuổi trưởng thành. Khối lượng giao dịch qua di động tại Kenya trong năm 2016 là 33 tỉ USD, xấp xỉ phân nửa GDP, trong đó 90% được thực hiện qua M-Pesa. Trong năm 2016, doanh thu của M-Pesa đạt hơn 402 triệu USD. Theo ước tính, tổng doanh thu của các doanh nghiệp thanh toán di động tại Kenya là khoảng 0,7% GDP, nếu cũng đạt tỉ lệ này thì thị trường ở Việt Nam sẽ có trị giá khoảng 1,43 tỉ USD.

Fintech Việt & giấc mơ 35 tỷ USD

Payoo là một trong những dịch vụ ví điện tử đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: trainghiemso.vn.

Dĩ nhiên, các doanh nghiệp Fintech hàng đầu ở Việt Nam đã để tâm tìm hiểu những bài học kể trên từ lâu. Ban lãnh đạo MoMo từng chia sẻ rằng họ đã dành ra cả tháng ở Kenya và các nước láng giềng Uganda, Tanzania để tìm hiểu về thanh toán di động. CEO Thành Đức cũng cho biết Wing là một trong các mô hình mà Công ty tham khảo học tập. Nhìn lại những kinh nghiệm đã nêu, có thể thấy rằng động lực lớn nhất khiến cho người dùng mạnh dạn làm quen với các dịch vụ thanh toán ảo chính là khả năng chuyển tiền cho người thân hay bạn bè. Khảo sát của Wing tại Campuchia cho thấy 70% người dùng dịch vụ này là để chuyển tiền, so với 20% để thanh toán hay 10% nạp tiền điện thoại. Tương tự, khẩu hiệu marketing thành công nhất của M-Pesa đơn giản là “Chuyển tiền về nhà bạn”.

Tại Trung Quốc, WeChat Pay chỉ thực sự trỗi dậy mạnh mẽ kể từ khi nghĩ ra ý tưởng lì xì ảo hồi năm 2014 và kể từ đó tới nay, giữa WeChat Pay và AliPay liên tục diễn ra các “trận chiến lì xì”. Do đó, chẳng phải ngẫu nhiên mà mới đây, Facebook cũng đặt bước chân đầu tiên vào cuộc chơi Fintech qua việc cho phép người dùng gửi tiền qua lại trên Messenger bằng hệ thống TransferWise và Gmail của Google giờ cũng cho phép người dùng gửi tiền cho nhau trên phiên bản di động.

Mặt khác, thế mạnh của các Fintech là các khoản vay nhỏ. Bởi vì, ở nhiều nước, ngân hàng thường bỏ qua người cho vay nhỏ do e ngại đánh giá rủi ro tín dụng tiêu dùng. Fintech đã bắt đầu lấp vào khoảng trống này. Chẳng hạn, tại Trung Quốc, những người mua hàng trên Alibaba và JD.com, có thể được vay các khoản chi tiêu nhỏ, dưới 10.000 nhân dân tệ. Bên cạnh đó, đầu tư tài chính cũng là thị trường mà các Fintech tạo nên đột phá tại Trung Quốc. Alibaba tung ra quỹ trực tuyến Yu’e Bao, giúp người dân hưởng lãi suất trên số tiền có trong các tài khoản thương mại điện tử với lãi suất cao hơn 3 điểm phần trăm so với lãi suất tại các ngân hàng...

Fintech Việt & giấc mơ 35 tỷ USD

M-Pesa bùng nổ tại Kenya. Ảnh: mondo3.com.

Về phương diện pháp lý và chính sách, rõ ràng chính phủ đóng vai trò rất quan trọng trong việc mở đường cho Fintech phát triển. Ở Campuchia, Wing đã không thể lớn mạnh đến như vậy nếu không được hưởng các chính sách tiến bộ như cấp giấy phép ngân hàng đặc biệt và thay mặt nhà nước thu thuế. Tại Kenya, Chính phủ nắm 35% vốn trong công ty vận hành M-Pesa là Safaricom và đặt ra các quy định rất thông thoáng cho người dùng đăng ký sử dụng.

Tại Việt Nam, theo luật sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch LP Group, hiện Chính phủ chưa có các quy định chuyên ngành cụ thể về các hoạt động kinh doanh, trừ hoạt động trung gian thanh toán. Hoạt động trung gian thanh toán (cổng thanh toán điện tử, hỗ trợ thu hộ/chi hộ, hỗ trợ chuyển tiền điện tử, ví điện tử) đã được quy định và mang lại những tác động tích cực, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên các loại hình Fintech khác được quan tâm nhiều như sàn giao dịch cho vay ngang hàng, quản lý đầu tư tự động, giao dịch tiền ảo, gọi vốn cộng đồng… vẫn chưa có cơ chế pháp lý tương ứng với bản chất hoạt động kinh doanh mà ngân hàng và doanh nghiệp mong muốn. Ông Lộc cho rằng, có 3 việc mà Chính phủ cần làm ngay và đồng bộ để Fintech trong nước phát triển. Một là, cho phép thử nghiệm các mô hình Fintech mà ngân hàng và doanh nghiệp cần ở một số địa phương hoặc lĩnh vực cụ thể. Hai là, các hoạt động Fintech mà nhiều quốc gia áp dụng thành công như như sàn giao dịch cho vay ngang hàng hay nền tảng gọi vốn cộng đồng, cần có những quy định cụ thể ở cấp độ nghị định, thông tư để thực hiện. Ba là cần nghiên cứu các mô hình phù hợp để có lộ trình ban hành văn bản điều chỉnh cũng như kêu gọi các tổ chức, hội đoàn phác thảo lộ trình cho Fintech trong 10 năm tới.

Tuấn Minh - Công Sang
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư