Cần cho Grab và Uber một “danh phận”!

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Giao, Phó phòng quản lí Vận tải - Sở Giao thông Vận tải TP. HCM tại buổi tọa đàm “Taxi truyền thống chấp nhận cạnh tranh cùng Uber, Grab” do Báo Pháp luật TP. HCM tổ chức sáng ngày 11/04/2017.

Ông Nguyễn Ngọc Giao cho biết, xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi tham gia vận tải hành khách loại hình Uber và Grab vào thời điểm 31/08/2016 có khoảng 9.322; vào tháng 2/2017 có đến 21.155 xe chưa bao gồm các xe từ ngoại tỉnh vào hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh, và chưa bao gồm xe gia đình.

Theo ông Giao, nhờ có Uber và Grab dịch vụ của taxi truyền thống tốt hơn, phục vụ khách hàng tốt hơn, các hãng taxi truyền thống buộc phải cải tiến ứng dụng công nghệ app để quản lý. Ngoài ra, số km vận doanh của loại hình vận tải Uber và Grab taxi cao hơn của taxi truyền thống, vì vậy ít gây ô nhiễm môi trường hơn taxi truyền thống do lượng khí xã thải thấp hơn….

Tuy nhiên, bất bình đẳng giữa 2 loại hình Uber, Grab và Taxi truyền thống là loại hình kinh doanh khi Taxi truyền thống thuộc nhóm kinh doanh có điều kiện theo quy định của Nghị đinh 86, xe hợp đồng, có niên hạn sử dụng xe (8 năm), niêm yết giá, tính tiền bằng đồng hồ, phải nghỉ sau 4 giờ vận hành, phải chịu quy hoạch; trong khi Grab và Uber phát sinh hợp đồng điện tử, không chịu điều kiện niên hạn khai thác xe, giá thương lượng, không bị quy hoạch. Thêm vào đó, các loại hình vận chuyển Grab đang ký hợp đồng trực tiếp với khách hàng.

Cần cho Grab và Uber một “danh phận”!

Nguồn: PLO.

Vì vậy, ông Nguyễn Ngọc Giao kiến nghị tới đây TP. Hồ Chí Minh nên dừng cấp phép cho xe hợp đồng dưới 9 chỗ; Thí điểm xây dựng đề án quy hoạch xe hợp đồng mà tập trung vào xe dưới 9 chỗ ngồi.

Bên cạnh đó, cần phải cho Grab và Uber một danh phận – nhận dạng loại hình kinh doanh vận tải này bằng tem nhãn, logo dán ngay trên xe.

Ngoài ra, cũng cần thanh kiểm tra Grab và Uber trong việc ký hợp đồng trực tiếp với khách hàng để có điều chỉnh phù hợp.

Các kiến nghị này cũng sẽ được Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh gửi UBND TP. HCM thông qua đó để kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ.

Tại buổi tọa đàm, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch hiệp hội taxi TP. HCM chia sẻ “nhìn thấy nguy cơ kinh doanh lụn bại của taxi truyền thống” và kiến nghị Bộ GTVT nên bỏ quy định chạy 4 tiếng liên tục phải nghỉ đối với hoạt động vận tải taxi do bất cập liên quan bãi đổ, và phục vụ khách hàng.

Cần phải cho Grab và Uber một danh phận – nhận dạng loại hình kinh doanh vận tải này bằng tem nhãn, logo dán ngay trên xe.

Trong khi đó, ông Phạm Minh Sương, Phó tổng giám đốc vận tải taxi Mai Linh cho rằng, cần phải có hình thức quản lý lượng xe gia đình tham gia vận tải taxi qua Uber và Grab. Bởi một lượng lớn là xe gia đình, không đăng ký kinh doanh nhưng vẫn tham gia vào vận chuyển hành khách hình thức Uber và Grab.

Ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP. HCM cũng kiến nghị cần có quy định về nhận dạng, khẩu hiệu an toàn tín mạng con người trên xe, logo của đơn vị đăng ký kinh doanh vận tải, và quy định niên hạn sử dụng của xe đối với xe vận tải hành khách loại hình Grab và Uber. Ngoài ra, Bộ nên nghiên cứu bãi bỏ quy định đồng hồ tính tiền cước.

Ông Lê Hồng Việt cũng cho biết, Sở Giao thông Vận tải đang thanh tra 2 đơn vị cung cấp phương tiện vận tải cho Uber và Grab thực hiện Quyết định 24. 2 doanh nghiệp này đang cung cấp khoảng 10.000 xe. Qua đợt thanh tra này, Sở sẽ nhắc nhở các doanh nghiệp cung cấp xe phải dán logo nhận diện trên xe.

Hồng Quân
Nguồn BizLive