AirAsia vươn cánh tới thị trường bay nội địa các nước bằng cách nào?

Bloomberg cho biết theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hãng hàng không giá rẻ tới từ Maylaysia, là AirAsia vừa mới ký thỏa thuận với Công ty Gumin, Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu và ông Trần Trọng Kiên để thành lập liên doanh hàng không tại Việt Nam.

Hãng hàng không mới này sẽ cất cánh chuyến bay đầu tiên vào đầu năm 2018.

Đổi chủ đổi vận

Tập đoàn AirAsia kinh doanh chủ yếu ở phân khúc vé giá rẻ và có trụ sở đặt tại Kuala Lumpur, Malaysia. Đây cũng là hãng hàng không cung cấp cho khách hàng mức giá vé thấp hàng đầu châu Á.

Tổng giám đốc hiện tại của AirAsia là ông Tony Fernandes.

Thành lập trước đó nhưng AirAsia chỉ “đổi vận” từ khi được ông chủ Tony Fernandes mua lại.

Năm 2001, ông Fernandes cùng các đối tác thành lập Công ty Tune Air Sdn Bhd, kinh doanh trong lĩnh vực hàng không giá rẻ tại Malaysia. Cùng năm, ông đã mua lại hãng hàng không AirAsia từ Tập đoàn DRB-Hicom với giá chỉ 1 Ringgit Malaysia (0,025 cent USD lúc đó). Lúc đó AirAsia đang bị thua lỗ và đang gánh khoản nợ lên tới 40 triệu Ringgit.

AirAsia vươn cánh tới thị trường bay nội địa các nước bằng cách nào?

Có thể trong thời gian tới, thị trường hàng không Việt Nam không chỉ có 3 hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific. Ảnh minh họa.

Sau khi mua lại AirAsia, chỉ với hai máy bay Boeing 737-300 và một điểm đến duy nhất Pulau Langkawi cùng 250 nhân viên, AirAsia bắt đầu vực dậy và nhanh chóng thanh toán được khoản nợ khổng lồ chưa tới 2 năm.

Với tham vọng xây dựng một hãng hàng không giá rẻ liên châu Á, đây không phải lần đầu tiên AirAsia gia nhập thị trường hàng không của quốc gia khác thông qua việc liên doanh với một đơn vị nội địa. Tập đoàn này đã vận hành nhiều hãng hàng không tại các quốc gia như Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ và Nhật Bản…trước khi có tham vọng lấn sân tại thị trường Việt Nam.

Vươn cánh khắp châu Á bằng liên doanh

AirAsia Berhad vận hành tại Malaysia được thành lập năm 2001. Từ một hãng bay nội địa tại Malaysia, hãng đã lớn mạnh và trở thành hãng hàng không giá rẻ hàng đầu tại châu Á. Hiện tại, hãng vận hành phi đội bay gồm 81 chiếc Airbus A320.

AirAsia Indonesia được thành lập vào năm 2004, thông qua liên doanh giữa AirAsia International Ltd. và PT. Awair International, với tên ban đầu là Awair, đến năm 2005 đổi tên thành AirAsia Indonesia. Hiện nay, hãng hàng không này được vận hành từ 4 trung tâm Jakarta, Bali, Surabaya và Medan.

Cũng với hình thức liên doanh tương tự, AirAsia bắt tay với Asia Aviation để thành lập hãng hàng không Thái AirAsia vào năm 2004, và bắt đầu chuyến bay thương mại đầu tiên từ Bangkok tới Hat Yai tháng 2 cùng năm.

AirAsia Ấn Độ được thành lập năm 2013, là công ty liên doanh giữa Tata Sons Limited và AirAsia Investment Limited. Hãng hàng không này đang vận hành các chuyến bay từ Bengaluru và Delhi tới Chandigarh, Goa, Guwahati, Imphal, Jaipur, Kochi, Pune và Visakhapatnam…

AirAsia vươn cánh tới thị trường bay nội địa các nước bằng cách nào?

Trước Việt Nam, hãng hàng không tới từ Malaysia đã thâm nhập vào thị trường bay nội địa của nhiều quốc gia, bằng việc thành lập các hãng hàng không liên doanh. Ảnh minh họa: Boomberg.

Philippines AirAsia (PAA) là chi nhánh thuộc sở hữu của AirAsia Inc., là công ty liên doanh giữa các nhà đầu tư Philippines; Antonio O. Cojuango, cựu Đại sứ Alfredo M. Yao, Michael L. Romero, Marianne B. Hontiveros, và Malaysia’s AirAsia Berhad. Đây là hãng chuyên chở nội địa duy nhất cung cấp nhiều chuyến bay quốc tế nhất từ Trung Quốc và Hàn Quốc tới Sân bay Quốc tế Kalibo (Philippines), dịch vụ chuyển tiếp Fly-Thru qua Kuala Lumpur từ Manila tới các điểm đến khác nhau ở châu Á, Australia...

AirAsia Japan (AAJ) cũng là liên doanh giữa AirAsia Investment Ltd, Rakuten Inc, Noevir Holdings Co Ltd, Octave Japan Infrastructure Fund và Alpen Co Ltd.

Ngoài ra, Tập đoàn AirAsia còn thành lập một thương hiệu riêng là AirAsia X, chuyên khai thác các đường bay dài đi khắp thế giới với giá rẻ.

AirAsia X được hành lập vào năm 2007, được vận hành từ trung tâm tại Kuala Lumpur. Năm 2014, Thái AirAsia X được thành lập. Indonesia AirAsia X là hãng chuyên chở đường dài, giá rẻ đầu tiên tại Indonesia, vận hành các máy bay như Airbus A330-300.

Hai lần thử sức thất bại ở Việt Nam

Bằng cách liên doanh với các công ty nội địa tại các quốc gia trong khu vực, AirAsia đã nhanh chóng đặt chân vào thị trường hàng không nội địa của các quốc gia đó, với vai trò như một hãng hàng không nội địa.

Tại Việt Nam, AirAsia đã từng 2 lần thử sức nhưng cuối cùng đều thất bại tại Việt Nam.

AirAsia vươn cánh tới thị trường bay nội địa các nước bằng cách nào?

Đây là bảng hiệu từng được treo tại TP.HCM để quảng bá cho liên doanh hàng không giá rẻ VietJet AirAsia, nhưng dự án đã thất bại ngay sau đó. Ảnh: VJ.

Lần đầu tiên, tháng 8/2007, hãng này đã ký ý định thư với tập đoàn Vinashin để thành lập một liên doanh hàng không giá rẻ, nhưng ý định này cũng không thành công.

Lần thứ 2 hãng thôi kế hoạch tham gia vào việc thành lập liên doanh hàng không giá rẻ tại Việt Nam là năm 2010, với Vietjet Air.

Tháng 2/2010, hãng hàng không này mua 30% cổ phần của hãng Vietjet Air. Hai tháng sau đó, hãng tiến thêm một bước với kế hoạch thành lập liên doanh VietJet AirAsia, khi ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với VietJet Air tại Hà Nội để giúp hãng hàng không tư nhân này sớm khai thác các hoạt động bay tại thị trường Việt Nam.

Tên thương mại của liên doanh là Vietjet AirAsia. Hãng dự kiến sẽ cất cánh vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8/2010, với 4 máy bay Airbus A320 trong giai đoạn đầu cho các chuyến bay nội địa và quốc tế.

Đáng tiếc, đến tháng 10 cùng năm, hai bên xác nhận các nỗ lực này đã bất thành, dù các thủ tục pháp lý đã hoàn tất, giấy phép hoạt động đã được cấp.

Nếu theo đúng kế hoạch mới nhất, thì đầu năm 2018, AirAsia sẽ chính thức chạm tới thị trường bay nội địa Việt Nam.

Thị trường hàng không trong nước sẽ có thêm sự cạnh tranh của 1 hãng giá rẻ nữa ngoài Vietjet Air và Jetstar Pacific.

Quang Thắng
Nguồn Zing News