ĐHĐCĐ Vissan: Đặt kế hoạch lợi nhuận 156 tỷ, tăng 5%
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan cho biết trong năm 2016 Vissan chỉ mới có 6 tháng cuối năm hoạt động theo mô hình công ty cổ phần nhưng đã đạt kế hoạch kinh doanh vượt mong đợi.
Lợi nhuận năm 2017 dự kiến 156 tỷ đồng
Sáng ngày 5/4/2017, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2017 tại TP.HCM.
Vissan bán cổ phần lần đầu ra công chúng ngày 7/3/2016 với khối lượng đăng ký gấp 5-6 lần và giá đấu thành công bình quân đạt 80.053 đồng/cổ phần, gấp 4,7 lần giá khởi điểm.
Ngày 26/3/2016, CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (ANCO), một thành viên của Tập đoàn Masan, đã trở thành cổ đông chiến lược của Vissan. Ngày 28/5/2016, Vissan đã tổ chức đại hội cổ đông thành lập và chính thức chuyển thành công ty cổ phần từ ngày 1/7/2016.
Tại ĐHĐCĐ năm 2017, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan, báo cáo cổ đông về hoạt động kinh doanh năm 2016 và kế hoạch năm 2017.
Năm 2016, Vissan đạt tổng doanh thu ở mức 3.684 tỷ đồng, đạt 92% kế hoạch.
Lợi nhuận trước thuế đạt 148 tỷ đồng, vượt 19% kế hoạch.
Năm 2017, công ty tiếp tục theo đuổi chiến lược theo hướng chất lượng an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc với sứ mạng mang lại lợi ích cao nhất cho cộng đồng, quyền lợi tốt nhất cho công ty và cổ đông.
Công ty đã đặt ra mục tiêu và kỳ vọng lớn với sản lượng heo bên vượt hơn 35% cùng kỳ, đạt 28.500 tấn, thực phẩm chế biến đạt vượt hơn 14,5% cùng kỳ, đạt hơn 19.760 tấn, tổng doanh thu 2017 sẽ là 4.545 tỷ đồng, tăng 23% cùng kỳ, lợi nhuận 156 tỷ đồng, tăng 5% cùng kỳ.
Cổ tức dự kiến chia năm 2017 ở mức 7%/mệnh giá.
Vissan là một trong những công ty tham gia bình ổn thị trường, giá bán giảm 5%-10% so với giá của thị trường tuy có khó khăn về cân đối vốn và chỉ tiêu lợi nhuận, nhưng việc này sẽ mang lại một giá trị thương hiệu cho Vissan.
Quý III/2017, Vissan dự kiến cho ra đời các sản phẩm: thịt heo thảo mộc, thịt heo không có kháng sinh… Sản phẩm đã sẵn sàng nhưng vì tính pháp lý chưa có nên công ty chưa thể bán ồ ạt trên thị trường, sẽ bán thử nghiệm ở VietGap.
Hiện, Vissan là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành thực phẩm, lĩnh vực hoạt động chuyên về sản xuất kinh doanh thịt tươi sống, đông lạnh và thực phẩm chế biến từ thịt.
Vissan giữ 65% thị phần xúc xích, 75% thị phần lạp xường, 40% thị phần hàng đông lạnh, 30% thị phần giò chả, 20% thị phần đồ hộp… Công ty cũng sở hữu hệ thống phân phối đa dạng phong phú hơn với 130.000 điểm bán hàng trên toàn quốc.
Năm 2017, Vissan có chủ trương thực hiện di dời và đổi mới công nghệ nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm Vissan.
Tổng mức đầu tư của dự án là 1.587 tỷ đồng, trong đó cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan tại Long An là 1.307 tỷ đồng. Văn phòng điều hành kinh doanh của Vissan và các kho trung chuyển tại khu công nghiệp Tân Tạo là 279 tỷ đồng.
Nguồn vốn đầu tư: vốn chủ sở hữu của Vissan là 30%. Vốn vay từ ngân hàng hoặc các tổ chức khác là 70%.
Tại ĐHĐCĐ năm 2017, các cổ đông sẽ thông qua các tờ trình, trong đó có tờ trình về việc miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị đối với ông Văn Đức Mười do đến tuổi nghỉ hưu; tờ trình về miễn nhiệm thành viên Ban kiểm soát đối với bà Hoàng Thị Kim Phượng.
Thảo luận
* Năm 2017, Ban lãnh đạo Vissan đặt kế hoạch tăng doanh thu 23% và mức tăng 35%/năm trong thời gian tới là dựa vào yếu tố nào?
Trả lời cổ đông, ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vissan cho biết, xét quy mô thị trường thì thị phần của Vissan đối với mảng tươi sống tại TP.HCM là lớn nhất. Một ngày, thị trường tại TP.HCM tiêu thụ 12.000-13.000 con heo, riêng Vissan chỉ cung ứng được 1.500 con. Kênh phân phối của Vissan là siêu thị, cửa hàng tiện lợi, rất ít phân phối tại một số chợ truyền thống.
Năm 2016, mảng thực phẩm tương sống của công ty tăng 12%/năm, trong đó thịt bò tăng 18%, thịt heo tăng 10%.
Trong 5 năm tới, công ty đặt mức tăng trưởng 35% về thị trường tươi sống và chiếm 40% thị phần mảng này.
Năm 2017, Vissan dự kiến tăng 14,5% về mảng chế biến để lấy lại thị phần đã giảm 18% trong năm 2016. Vissan thực hiện phương châm “Cái gì của Cesar, trả về cho Cesar”.
Việc di dời nhà máy giết mổ của Vissan từ TP.HCM tới Long An trong thời gian tới sẽ hoàn thành trong năm 2018. Trong đó, công ty sẽ lắp dây chuyền mới với công suất 360 con heo/giờ. Do đó, từ nay tới khi hoàn thành nhà máy mới công ty vẫn hoạt động tại đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TP.HCM).
* Cổ đông chiến lược là ANCO hỗ trợ Vissan như thế nào?
Trong 5 năm tới Vissan thực hiện chiến lược từ nông trại tới bàn ăn (Feed-Farm-Food). Trong đó, ANCO là những người hợp tác thiếu mảng ghép cuối cùng: Food-Farm-Fo.
Vissan thiếu mảng ghép đầu, nên ANCO chiến lược sẽ lắp ghép vào mảng Feed mà Vissan còn thiếu.
* Năm 2016, Vissan giảm tới 18% mảng chế biến là do đâu?
Giảm mảng chế biến là do giảm mảng chủ lực của Vissan là xúc xích. Năm 2016, Vissan bị nhiều áp lực về thông tin thị trường khi có thông tin ăn xúc xích bị ung thư. Thị trường lớn nhất là miền Trung khi khu vực này gặp khó khăn.
Đại hội thống nhất tân Tổng giám đốc của Vissan là ông Nguyễn Ngọc An.
Kết thúc đại hội, các cổ đông đã thông qua tất cả các tờ trình.
Theo đó, thành viên HĐQT mới của Vissan là ông Huỳnh Quang Giàu với tỷ lệ phiếu bầu hơn 90%.
Hai thành viên Ban kiểm soát mới là ông Lê Quang Liêm (tỷ lệ bầu 99%) và Phạm Hoàng Sơn (tỷ lệ bầu hơn 98%).
Tại ĐHĐCĐ năm 2017, Ban lãnh đạo của Vissan cũng bầu thêm những vị trí còn khuyết. Ông Văn Đức Mười sẽ thôi nắm giữ vị trí Tổng giám đốc. Thay ông Văn Đức Mười là ông Nguyễn Ngọc An, tân Tổng giám đốc của Vissan kể từ ngày 07/4/2017.
Ông Nguyễn Ngọc An cũng nắm giữ vị trí Phó chủ tịch HĐQT của Vissan.
Tân Trưởng Ban kiểm soát mới của Vissan là ông Phạm Hoàng Sơn.
Hoàng Anh
Nguồn BizLive