Rời vùng an toàn, Digiworld đang tìm kiếm điều gì?

Trong bối cảnh thị phần phân phối điện thoại đang trên đà sụt giảm, Digiworld liên tiếp công bố những mảnh ghép chiến lược mới về sản phẩm. Liệu những mảnh ghép này có giúp công ty bay cao?

Bay cùng cloud

Chuyện hợp tác cung cấp dịch vụ đám mây (cloud) vào đầu năm 2017 cùng InfoFabrica (IFF) là sự kiện mới mẻ, nhưng không hẳn xa lạ với một doanh nghiệp đã quá quen thuộc trong lĩnh vực phân phối thiết bị công nghệ thông tin như Digiworld. Dù IFF là doanh nghiệp công nghệ thông tin (IT) Singapore chỉ mới 4 năm tuổi đời, nhưng lãnh đạo của Digiworld cho rằng thương vụ này là cầu nối giúp rút ngắn con đường đưa các doanh nghiệp Việt Nam đến với cloud. “Cloud không phải là một xu hướng, mà là điều tất yếu cho sự phát triển kinh tế”, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Digiworld, lý giải việc bước chân vào cloud.

Cloud có thể hiểu là việc đưa dữ liệu lên một “đám mây” ảo và doanh nghiệp có thể tùy ý sử dụng mọi lúc mọi nơi, thậm chí các công ty IT còn cung cấp cả công cụ phân tích được tích hợp vào đám mây. So với các hệ thống IT cũ, cloud thường rẻ hơn nhiều. Bộ phận IT của các doanh nghiệp chỉ mất vài phút thay vì hằng tuần để bổ sung các máy chủ mới hay cài đặt phần mềm. Các ứng dụng của họ có thể được cập nhật liên tục, thay vì vài tháng một lần. “Tôi ngạc nhiên với chi phí và hiệu quả mà cloud mang lại”, ông Vũ Mai Tùng, Giám đốc Công nghệ thông tin Ngân hàng Quốc Dân, chia sẻ.

Đoàn Hồng Việt

Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Digiworld.

Trên thế giới, đầu tư dịch vụ đám mây đang trở thành xu hướng trong khoảng 10 năm trở lại đây. Tập đoàn thương mại điện tử Amazon là công ty nắm giữ thị phần lớn nhất về dịch vụ đám mây, cao hơn nhiều so với Google, Microsoft, IBM. Thế giới cũng có nhiều công ty phần cứng chuyển sang dịch vụ đám mây như HP hay Dell. Các hãng sản xuất này kỳ vọng doanh nghiệp từng mua thiết bị mạng của mình cũng có thể đồng thời sử dụng dịch vụ đám mây.

Theo Gartner, năm 2016 có khoảng 205 tỉ USD được chi cho dịch vụ đám mây, nhưng chỉ mới chiếm khoảng 6% tổng chi phí IT trên toàn thế giới. Năm 2017, con số này dự kiến lên khoảng 240 tỉ USD. Gartner ví von, đến năm 2020, số doanh nghiệp không sử dụng cloud sẽ hiếm hoi như doanh nghiệp không có internet ngày nay.

Tiềm năng ở Việt Nam rất lớn khi được xếp thứ 14 trong danh sách các thị trường phát triển dịch vụ đám mây nhanh nhất, theo thống kê của Hiệp hội Cloud châu Á, dù còn nhiều thách thức cần giải quyết như chất lượng đường truyền, hiệu suất áp dụng cloud vào công việc.

Dự kiến liên doanh giữa Digiworld và IFF sẽ cung cấp một số dịch vụ cloud, được phân phối qua kênh bán hàng của Digiworld. Doanh thu Digiworld đến từ hoạt động bán phần cứng (thiết bị mạng, công nghệ cho cloud), phí bảo hành và dịch vụ tư vấn. Nhưng liệu mảng hoạt động mới này có mang lại tỉ suất lợi nhuận cao hơn? Rời vùng an toàn, Digiworld đang tìm kiếm điều gì?“Không thể nói lợi nhuận phân phối sản phẩm nào cao hơn, vì còn tùy thuộc vào tình hình thị trường, nhưng tôi có thể nói rằng sản phẩm gì khó bán thì lợi nhuận sẽ cao”, ông Việt nói. Tuy nhiên, một lợi thế khác là doanh thu lĩnh vực này sẽ phát sinh đều đặn hằng năm, thay vì “tiền trao cháo múc” như bán điện thoại.

Hẳn nhiên, Digiworld chưa thể quên được bài học Nokia. Năm ngoái, dòng sản phẩm mang thương hiệu Nokia và Microsoft đã chính thức ngừng phân phối và không mang lại khoản doanh thu nào, so với mức 880 tỉ đồng của năm 2015.

Digiworld nhắm đến cloud trong bối cảnh áp lực tăng trưởng ngày càng lớn. Năm ngoái, lĩnh vực phân phối điện thoại, laptop, máy tính bảng suy giảm trong khi thị trường thiết bị văn phòng vẫn tăng trưởng ổn định. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2016 ghi nhận 3.801 tỉ đồng và 67,4 tỉ đồng, lần lượt giảm 9,6% và 35% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng mảng điện thoại, thị phần phân phối đã giảm từ năm 2014, nay chỉ còn nắm giữ 2%. Theo Công ty Chứng khoán SSI, lý do là vì Digiworld không sở hữu các thương hiệu “bom tấn”, trong khi nhà phân phối PET có Samsung hay FPT có iPhone. Hơn nữa, xu hướng các chuỗi bán lẻ như Thế Giới Di Động tự nhập hàng cũng sẽ ảnh hưởng đến thị phần của các nhà phân phối sỉ.

Tuy nhiên, nếu tách thương hiệu điện thoại đã ngừng phân phối là Nokia, doanh thu phân phối các dòng điện thoại khác của Digiworld trong năm qua vẫn tăng trưởng. Dù vậy, áp lực duy trì tăng trưởng buộc Digiworld phải liên tục tìm đến sản phẩm mới. Cloud là một mảnh ghép mới, nhưng đó là tầm nhìn trong dài hạn. “Đây là mảng tư vấn nên chúng tôi không tốn nhiều chi phí đầu tư. Chúng tôi không vội đặt nặng vào doanh số”, ông Việt nói. Ngược lại, để giải bài toán áp lực tăng trưởng ngắn hạn, Digiworld buộc phải có những lá bài khác.

Mở lối vào đại dương xanh

Sau cloud, Digiworld lại công bố hợp tác cùng Xiaomi, một hãng điện thoại Trung Quốc. Dù có mặt ở thị trường Việt Nam đã lâu, nhưng nay Xiaomi mới chính thức bước chân vào Việt Nam theo kiểu đặt trọn niềm tin vào Digiworld, tiếp nối với các thương hiệu trước đây như Wiko, Obi, Intex, Freetel. Theo đó, Digiworld sẽ phát triển thị trường, thực hiện quảng bá hình ảnh, bán hàng và hậu mãi.

Khác với đối thủ Oppo tập trung vào các tính năng giải trí, Xiaomi chú trọng đến thiết kế, cấu hình và giá. Hãng này định vị sản phẩm phải có cấu hình cao hơn các đối thủ cùng mức giá. Xiaomi đã đạt được thành công lớn ở thị trường quê nhà Trung Quốc và thị trường Ấn Độ.

Rời vùng an toàn, Digiworld đang tìm kiếm điều gì?Một điểm lợi thế khác của Xiaomi là sở hữu danh mục đa dạng các sản phẩm công nghệ với hơn 100 dòng sản phẩm tạo thành hệ sinh thái Mi, bao gồm cả TV, nồi cơm điện, thiết bị mạng, vòng đeo tay đo sức khỏe, máy tính xách tay… Các sản phẩm nằm trong hệ sinh thái của Xiaomi hứa hẹn cũng được đem về thông qua kênh phân phối của Digiworld. Đó là một lợi thế quan trọng khi cộng đồng Mi-fan cũng khá đông đảo. Ông Việt cho biết chiến lược marketing trong thời gian tới sẽ là tập trung chăm sóc nhiều cho cộng đồng này.

Xiaomi được đặt kỳ vọng lớn trong năm nay, dự kiến giúp Digiworld tăng trưởng 50% doanh thu mỗi năm cho mảng điện thoại. Tuy nhiên, thành công của Xiaomi đến đâu tại thị trường Việt Nam vẫn còn là dấu hỏi lớn, đặc biệt khi sức hấp dẫn của hãng này trên thị trường quốc tế đang chững lại.

Trên thực tế, với Digiworld, Xiaomi vẫn chưa là mảnh ghép cuối cùng và hoàn chỉnh. Theo Công ty Chứng khoán SSI, trong thời gian tới, nhà phân phối sỉ này dự kiến bắt tay với hãng điện thoại LG. “Chúng tôi kỳ vọng Xiaomi và LG sẽ lấy thị phần từ người dẫn đầu Samsung ở thị trường Việt Nam”, Công ty Chứng khoán SSI nhận định.

Sau cloud hay điện thoại thông minh, lãnh đạo Digiworld cho biết định hướng của Công ty vẫn là thực hiện bất kỳ điều gì theo nhu cầu của khách hàng, dựa vào năng lực sẵn có và cốt lõi là hoạt động phát triển thị trường, không nhất thiết phải là lĩnh vực phân phối truyền thống và doanh thu phải đủ lớn. Chủ định của công ty là tìm kiếm những sản phẩm mới, thậm chí là những ngành hàng mới. “Sắp tới, Digiworld còn bước ra khỏi vùng an toàn để phát triển thêm ngành kinh doanh các sản phẩm chăm sóc sức khỏe”, ông Việt tiết lộ.

Thiên Phong
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư