Tham vọng của FPT trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Tại đại hội đồng cổ đông của Tập đoàn FPT (mã FPT) vừa diễn ra, Chủ tịch tập đoàn này, ông Trương Gia Bình đã chia sẻ với cổ đông những tham vọng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay còn gọi là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp 4.0
Tại đại hội, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT Trương Gia Bình cho biết, hiện nay đến đâu mọi người cũng nhắc đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đó là xu hướng tất yếu của thời đại.
“Diễn biến của cuộc cách mạnh rất nhanh, tác động nhanh đến đời sống xã hội. Để bước vào cuộc cách mạng quy mô lớn, FPT đã sẵn sàng cho sứ mệnh tiên phong. Chúng tôi ứng dụng công nghệ số vào tất cả mọi công việc điều hành, quản lý, thực hiện của tập đoàn”, ông Bình chia sẻ.
Ông Bình cho biết, tại những cửa hàng bán lẻ FPTshop, khách hàng chỉ cần bước chân vào là cửa hàng đã biết khách cần gì, sở thích, nhu cầu các mặt hàng. Những gì mà FPT đang giới thiệu đến người Việt đang là những sản phẩm được chính người Mỹ đang sử dụng hiện nay.
Lãnh đạo FPT kể, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (Thuỵ Sỹ) đầu năm nay, khi trao đổi với những khách hàng hàng đầu thế giới rằng FPT đặt mục tiêu xuất khẩu phần mềm 1 tỷ USD vào năm 2020 thì nhiều người đã hỏi có thật không? “Nó là không thật với khách hàng nhỏ, nhưng là thật khi bắt tay với các khách hàng lớn”, người đứng đầu Tập đoàn FPT nói.
Về việc ứng dụng công nghệ số vào thực tế, ông Bình nói “cứ hai ngày chúng tôi phải báo cáo làm gì để không bỏ lỡ cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4”. Theo đó, FPT đã đưa ra 7 giải pháp, quan trọng nhất là xây dựng được các thành phố thông minh.
Đại diện tập đoàn cho biết, FPT đang tập trung ứng dụng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào việc xây dựng Chính phủ số.
“Chính phủ điện tử và Chính phủ số khác nhau cơ bản. Trước đây chúng ta đã quá quen với việc Chính phủ thông tin một chiều, công dân phải làm gì, tuân thủ ra sao nhưng công nghệ số sẽ giúp Chính phủ đa chiều, hiểu rõ về công dân nước mình nhờ những tương tác của mạng xã hội. Để có được thành phố thông mình thì trước hết phải xây dựng Chính phủ số”, đại diện FPT cho hay.
Trong xu hướng này, Việt Nam sẽ có 12 thành phố thông minh, xây dựng giải pháp số cho ngành y tế, giao thông, bán lẻ. Ông Bình khẳng định, thế giới sẽ biết đến FPT như một doanh nghiệp hàng đầu nắm bắt xu hướng cuộc cách mạng thứ 4 này.
Bán mảng bán lẻ, xây dựng tập đoàn thuần công nghệ
Nắm bắt trào lưu của cuộc cách mạng số, ông Trương Gia Bình định hướng FPT có sự tăng trưởng nhanh, bền vững và trở thành tập đoàn thuần công nghệ. Bên cạnh đó, nhiều cổ đông cũng đề xuất muốn tách mảng thương mại. Vì thế, việc bán đi mảng phân phối và bán lẻ là điều cần thực hiện. FPT dự kiến sau khi thoái vốn sẽ không nắm cổ phần chi phối tại hai doanh nghiệp sở hữu mảng phân phối và bán lẻ (FPT Trading và FPT Retail).
Trước đó, năm 2016, tập đoàn đã có kế hoạch thoái vốn khỏi mảng phân phối và bán lẻ song bị tạm dừng dù đã xây dựng phương án và mời các nhà đầu tư nhưng vì một số lý do kỹ thuật, tỷ trọng cổ phần bán ra có thể chưa phù hợp nên chưa có kết quả.
Tập đoàn cho biết đang sửa đổi phương án, và dự kiến sẽ tách riêng hai mảng phân phối và bán lẻ để thoái vốn. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đã quan tâm, trao đổi và đang có tiến triển tốt, dự kiến sẽ được hoàn thành trong năm 2017.
Năm 2017, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu 46.619 tỷ đồng, tăng 15% so với thực hiện năm 2016. Lợi nhuận trước thuế cũng tăng 13%, đạt mức 3.408 tỷ đồng. Dự kiến chi cổ tức 2017 bằng tiền mặt tỷ lệ 20%.
Về cơ cấu doanh thu, khối phân phối và bán lẻ vẫn chiếm chủ đạo với 26.093 tỷ đồng, dự kiến mang về 741 tỷ lợi nhuận. Tiếp theo là khối công nghệ dự kiến thu về 11.830 tỷ đồng doanh thu và 1.359 tỷ đồng lợi nhuận. Doanh thu khối viễn thông khoảng 7.746 tỷ đồng và 1.210 tỷ đồng lợi nhuận, còn lại đến từ doanh thu giáo dục và đầu tư.
Trong năm 2017, FPT sẽ tập trung đầu tư hạ tầng cho lĩnh vực dịch vụ viễn thông, đầu tư văn phòng cho khối công nghệ đáp ứng nhu cầu văn phòng dài hạn với chi phí hợp lý, đầu tư các cơ sở giáo dục mới với tổng mức đầu tư 2.284 tỷ đồng.
Về thắc mắc của cổ đông liên quan đến dịch vụ 4G, ông Bình cho biết, hiện FPT chưa sở hữu băng tần và thiết bị cần thiết nhưng đang chuẩn bị lực lượng nghiên cứu và tìm thị trường ngách để xâm nhập.
Người đứng đầu tập đoàn FPT cũng khẳng định mong muốn nâng sở hữu tại FPT Telecom trong năm 2017 nếu như Nhà nước thoái vốn. Tuy nhiên, việc thoái vốn còn phụ thuộc vào quyết định của Chính phủ.
Bạch Dương
Nguồn VN Economy