Kido Foods "đua nóng" mảng đông lạnh
Đầu tháng 4, Kido Foods (KDF), công ty con thuộc Tập đoàn Kido, dự kiến sẽ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).
Sang quý II/2017, KDF dự kiến bán tiếp 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược và công nhân viên. Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc Kido, cho biết, dù có những thay đổi trong cơ cấu cổ đông nhưng Kido vẫn tiếp tục nắm giữ tỉ lệ chi phối 65% ở KDF.
Tham vọng trong ngành lạnh
Sau khi mua lại thương hiệu kem Wall’s từ Unilever để kinh doanh (năm 2003), đến nay KDF đã dẫn đầu thị phần, vốn điều lệ tăng gần 8 lần, liên tục tăng trưởng doanh thu hai con số và đã đạt đến quy mô ngàn tỉ đồng. KDF cũng mở rộng, xây thêm nhà máy mới tại phía Bắc vào cuối năm 2016 và phát triển mạng lưới bán lẻ rộng khắp cả nước.
Nếu không tiến hành IPO, KDF vẫn phát triển theo cách của mình. Tuy nhiên, nói như ông Trần Lệ Nguyên, “KDF cần đại chúng để có thêm nguồn lực bên ngoài”. Đây là lý do Kido từ chối lời đề nghị chuyển nhượng cổ phần KDF cho một số quỹ đầu tư đến từ Malaysia, Mỹ dù giá chào mua cao gấp rưỡi giá định bán. Ông Trần Lệ Nguyên xác nhận, đại chúng hóa và niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán là cách thức để Kido huy động vốn sau này. Trong tương lai, Kido cần nhiều tiền cho mục tiêu mở rộng ngành hàng, không chỉ dừng ở mảng kem mà còn hướng đến ngành lạnh, tiếp cận 85% người tiêu dùng Việt Nam.
Lâu nay, ngành kem đã nuôi sống KDF, chiếm gần 73% trong tổng doanh thu năm 2016 của công ty này. Nhưng theo Euromonitor, kem là ngành bị cạnh tranh khốc liệt. Ngoài phải cạnh tranh với các đối thủ trong nước như Vinamilk, Thủy Tạ, Tràng Tiền..., KDF còn phải đối đầu với những tên tuổi quốc tế là Unilever, Fanny, Monte Rosa... Đáng chú ý, cuối năm 2015, Nestlé cũng đã nhảy vào ngành kem Việt Nam với 2 dòng sản phẩm mang tên Milo và Kit Kat.
Ngành kem cũng là ngành có quy mô khá khiêm tốn, theo Euromonitor, hiện chỉ ở mức khoảng 130 triệu USD. Mặc dù thống kê này còn chưa đầy đủ và tiêu thụ kem ở Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng, có thể đạt tới 160-170 triệu USD trong 4-5 năm tới, nhưng rõ ràng, nếu chỉ dựa vào kem, KDF khó vươn tầm. Áp lực cho KDF còn ở chỗ, Công ty phải khác biệt để giảm cạnh tranh trực diện với các đối thủ. KDF đã tập trung vào sản phẩm kem que, kem ốc quế (Merino và Celano), trong khi thế mạnh của các thương hiệu nước ngoài, bao gồm cả kem Hàn Quốc, Thái Lan, New Zealand... là dòng kem cao cấp. Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, dòng kem cao cấp tuy có thể tạo ra sức hút hiếu kỳ ngắn hạn nhưng chưa thể đủ sức gây nên áp lực cạnh tranh mạnh mẽ cho các doanh nghiệp nội địa.
KDF cũng đặt mục tiêu sẽ bứt phá hơn nữa về thị phần, đạt tới 44% ngay trong năm nay. Để làm được điều này, ông Trần Quốc Nguyên, Tổng Giám đốc KDF, cho biết sẽ mở rộng độ phủ, từ thành thị đến cả nông thôn, len lỏi vào từng thôn xã. Sản phẩm kem của KDF cũng tiếp tục đa dạng chủng loại, phục vụ nhiều đối tượng khách hàng hơn. Trước mắt, kế hoạch của KDF là sẽ thâu tóm thêm thị phần kem ở miền Bắc... Với thế mạnh 70.000 điểm bán lẻ trên khắp cả nước, tỉ lệ doanh số tiêu thụ kem ở kênh hiện đại cao hơn mức trung bình ngành (25% so với 13%), gần 180 xe tải lạnh cùng mạng lưới kho vươn tới phạm vi 300-400 km/kho, KDF tin tưởng sẽ dễ dàng mở rộng thị phần.
Cạnh tranh quyết liệt nhất với KDF chỉ còn lại Unilever. Nhưng hiện tại, các sản phẩm kem Wall’s của Unilever được nhập khẩu từ Thái Lan và được phân phối qua hệ thống của Metro (nay đổi tên thành MM Mega Market). So sánh năng lực phân phối lạnh, theo ghi nhận từ VDSC, hệ thống Metro không bì kịp KDF về mức độ tập trung mặt hàng, độ phủ cũng như mối quan hệ gắn bó lâu năm với nhà phân phối. Ông Trần Lệ Nguyên nhấn mạnh, Kido đã mất hơn 10 năm để xây dựng hệ thống phân phối này. Toàn bộ đầu tư tủ lạnh ở các điểm bán đều do KDF bỏ tiền. KDF cũng mạnh tay chi cho quảng cáo, khuyến mãi để đảm bảo kem của Công ty được bán nhanh. Sắp tới, để tận dụng triệt để hệ thống phân phối lạnh sẵn có, tiết giảm chi phí và tạo thêm nhiều cơ hội kiếm tiền cho nhà phân phối, ông Trần Lệ Nguyên cho biết, Kido sẽ kinh doanh sản phẩm liên quan đến hệ thống phân phối lạnh.
Tìm cơ hội mới
Trên thực tế, từ năm 2006, Kido đã lấn sân sang mảng thực phẩm làm từ sữa với các mặt hàng như sữa chua, váng sữa, yogurt đá. Đây là ngành được Euromonitor đánh giá có quy mô gấp 4-4,5 lần ngành kem. Năm năm qua, mảng sản phẩm từ sữa của KDF tăng trưởng còn cao hơn cả kem và đóng góp 25-26% tổng doanh thu. Kem và sữa chua của KDF cũng là những mặt hàng cho biên lợi nhuận gộp rất cao, trên 55%.
Ông Trần Quốc Nguyên khẳng định, dù thay đổi ra sao, KDF vẫn sẽ xem kem là mảng chủ lực. Nhưng để vươn xa, KDF sẽ tìm kiếm cơ hội mới trong những ngành nghề liên quan đến bảo quản lạnh. Chiến lược của KDF là nhắm đến thị trường tỉ đô, bao gồm mảng kem, sản phẩm từ sữa, thực phẩm đông lạnh (xúc xích, chả giò, thịt cá viên chiên, hải sản đông lạnh…) lẫn rau củ quả đông lạnh.
Năm ngoái, KDF đã thử nghiệm dòng bánh bao đông lạnh. Cũng cuối năm ngoái, Kido khánh thành nhà máy thực phẩm đông lạnh ở Bắc Ninh. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), nhà máy Bắc Ninh với quy mô 400 tỉ đồng, cho công suất cao hơn nhà máy Củ Chi, lại có thêm chức năng sản xuất thực phẩm đông lạnh, sẽ là động lực gia tăng thị phần và tạo đột biến cho KDF. Năm 2016, KDF đã đạt tăng trưởng lợi nhuận ròng 85%. Trong 4-5 năm tới, dự kiến tăng trưởng lợi nhuận ròng của KDF sẽ còn cao hơn. “Đây là thời kỳ thu hoạch của KDF”, ông Trần Lệ Nguyên nhấn mạnh. Một mặt do KDF sẽ kinh doanh đa dạng mặt hàng nhưng mặt khác, hệ thống phân phối của Công ty hiện đã đạt điểm hòa vốn.
Như khẩu vị đầu tư quen thuộc từ tập đoàn mẹ, KDF sẽ đa dạng hóa sản phẩm theo 3 hướng: tự nghiên cứu đưa ra thị trường sản phẩm mới, bắt tay với đối tác khác và M&A. Bước đầu, KDF sẽ ưu tiên hợp tác trước, theo hướng KDF tham gia ở khâu phân phối bán hàng, còn đối tác lo việc sản xuất. Về chiến lược M&A, KDF sẽ tìm kiếm cơ hội với những doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm đông lạnh. Nhưng theo ông Trần Lệ Nguyên, thương vụ có diễn ra hay không sẽ phụ thuộc vào mức độ chấp nhận cho Kido nắm quyền chi phối, cũng như giá cả chào bán phải hợp lý.
KDF không đề cập câu chuyện tăng vốn cũng như sự hiện diện của ban điều hành mới do còn chờ Đại hội đồng cổ đông, dự kiến tổ chức vào năm 2018. Nhưng một bức tranh kinh doanh tăng trưởng mạnh, với triển vọng đến từ tiềm năng thị trường thực phẩm đông lạnh đã thu hút nhà đầu tư ngồi lại đến phút cuối cùng trong buổi giới thiệu cơ hội đầu tư vào KDF. Tại đó, một quỹ đầu tư Malaysia muốn mua trọn 100% cổ phiếu của KDF với giá 200 triệu USD (4.500 tỉ đồng). Ngoài ra, một công ty Nhật cũng muốn mua 35% cổ phần của KDF cũng với mức giá cao hơn 52.000 đồng/cổ phiếu.
Viết Nguyên
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư