Microsoft trỗi dậy dưới trướng "phù thủy" Satya Nadella

Tập đoàn phần mềm lớn nhất thế giới đã thay đổi 180 độ chỉ trong một thời gian ngắn sau khi Nadella trở thành CEO vào đầu năm 2014.

Cách đây 1 thập niên, ghé thăm trụ sở Microsoft ở gần Seattle giống như xông vào hang ổ của kẻ thù. Các nhà điều hành không nói gì với khách viếng thăm, thậm chí tỏ thái độ hầm hè. Nhưng giờ tâm trạng của những người làm việc tại trụ sở gồm hơn 100 tòa nhà của Microsoft khác hẳn. Khách có hỏi, dù là hỏi vu vơ hay có ý chỉ trích, cũng đều nhận được câu trả lời một cách đầy kiên nhẫn. Ngay cả ông chủ của Microsoft - Satya Nadella - cũng mang một phong thái khác hẳn với người tiền nhiệm Steve Ballmer. Trong khi Ballmer là kiểu người ồn ào, Nadella lại là người thích ngồi ở ghế khán giả để lắng nghe.

Tất cả cho thấy chỉ ra một điều: tập đoàn phần mềm lớn nhất thế giới đã thay đổi 180 độ chỉ trong một thời gian ngắn sau khi Nadella trở thành CEO vào đầu năm 2014. Lúc đó, mọi thứ tại Microsoft chỉ xoay quanh hệ điều hành Windows, vốn được sử dụng trong hầu hết các máy tính. Microsoft dưới thời của Ballmer tin rằng Windows là trung tâm của vũ trụ và cần phải được bảo vệ bất kỳ giá nào. Các sản phẩm bị hoãn lại bị cắt đi một số đặc tính nào đó nếu những đặc tính ấy được cho là ảnh hưởng đến Windows.

Nhưng việc làm đầu tiên của Nadella khi trở thành CEO là “hạ bệ” Windows. Một trong những quyết định rất sớm của Nadella là cho phép Office được chạy trên các thiết bị di động mà sử dụng các hệ điều hành đối thủ. Việc hạ thấp tầm quan trọng của Windows giúp cho Nadella dễ dàng hơn trong việc thay đổi văn hóa doanh nghiệp, vốn là điều vô cùng quan trọng vì ông tin rằng văn hóa cũ “phá hoại chiến lược”.

Microsoft trỗi dậy dưới trướng phù thủy Satya Nadella

Giờ trái tim của “Microsoft mới” là mảng điện toán đám mây Azure. Bộ phận này gồm hơn 100 trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới, cung cấp các ứng dụng dựa trên web, mang lại sự sống cho các thiết bị di động và thu thập dữ liệu cho các dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI). Tuy nhiên, sự chuyển mình của Microsoft còn lâu mới gọi là hoàn tất. Windows, Office và các sản phẩm khác liên quan đến máy tính cá nhân (PC) vẫn còn tạo ra khoảng 2/5 doanh thu và 3/4 lợi nhuận của Tập đoàn. Nhưng thậm chí những người hoài nghi nhất cũng phải thừa nhận rằng Tập đoàn dưới thời của Nadella đang nỗ lực rời xa khỏi những con bò vắt sữa này.

Cuộc lột xác của Microsoft trên thực tế có từ thời của Ballmer khi tập đoàn này tung ra Azure và bắt đầu viết lại phần mềm cho điện toán đám mây. Nhưng chính Nadella mới là người cho Microsoft một tính cách mới và tính cách này được các nhà đầu tư đón nhận. Microsoft hiện giờ là một công ty công nghệ được tích hợp theo chiều dọc hơn. Microsoft không chỉ viết tất cả các loại phần mềm, mà còn tự xây dựng các trung tâm dữ liệu và thiết kế cả phần cứng riêng. Nadella còn cho biết Tập đoàn giờ thậm chí phát triển một số chip cho các trung tâm dữ liệu của nó.

Dấu ấn của Nadella ghi đậm nét ở 3 mảng kinh doanh: đám mây, phần cứng và AI. Microsoft không tiết lộ đã tăng bao nhiêu vốn đầu tư vào mảng đám mây, nhưng xây dựng các trung tâm dữ liệu là rất đắt đỏ và chi phí đầu tư cơ bản của dự kiến sẽ nhanh chóng tăng lên gấp đôi, lên tới 9 tỉ USD mỗi năm so với thời điểm khi Nadella bắt đầu làm CEO.

Nếu chỉ xét các dịch vụ cơ bản như lưu trữ dữ liệu và máy tính, mảng đám mây của Microsoft có quy mô khiêm tốn hơn rất nhiều so với Amazon Web Services (AWS), kẻ dẫn đầu trong lĩnh vực điện toán đám mây, thuộc sở hữu của Amazon. Nhưng nếu cộng thêm cả các dịch vụ dựa trên web của Microsoft, như Office 365 và các ứng dụng doanh nghiệp khác, vốn là mảng AWS không mấy chú trọng thì cả hai công ty có quy mô tương đương nhau. Cả AWS lẫn mảng đám mây của Microsoft có doanh thu hằng năm dự kiến 14 tỉ USD. Microsoft kỳ vọng sẽ đạt 20 tỉ USD vào năm tài chính 2018, bằng 1/5 tổng doanh thu dự kiến của doanh nghiệp này.

Microsoft trỗi dậy dưới trướng phù thủy Satya Nadella

Tuy nhiên, ngược lại hoàn toàn với AWS, vốn mang về phần lớn lợi nhuận cho Amazon, Azure của Microsoft lại vẫn đang thua lỗ. Một số chuyên gia phân tích lạc quan cho rằng tình thế này có thể sẽ thay đổi. Mark Moerdler, chuyên gia thuộc Sanford C. Bernstein, cho rằng một khi Microsoft giảm đầu tư vào các trung tâm dữ liệu và mức độ sử dụng của chúng tăng lên thì Tập đoàn hoàn toàn có thể đạt tới biên lợi nhuận giống như AWS, vốn đã lên tới hơn 30% trong quý vừa qua.

Mặc dù đám mây là mảng cốt lõi của Microsoft mới, nhưng phần cứng cũng là một canh bạc đặt cược quan trọng khác. Microsoft đã từ bỏ bộ phận thiết bị di động ốm yếu mà công ty đã mua từ Nokia, nhưng tại khuôn viên của Microsoft ở Redmond, hàng trăm nhân viên vẫn đang bận rộn phát triển các thiết bị mới. Phòng lab làm hàng nguyên mẫu của Microsoft có tất cả những thiết bị mà một nhà thiết kế thiết bị di động nào cũng đều mơ ước như máy in 3D để cho ra những mẫu mã mới chỉ sau 1 đêm, hoặc thiết bị máy móc dùng để cắt khung bảo vệ của một chiếc laptop mới từ một khối nhôm. Nhờ vào các thiết bị mới này, các nhà thiết kế có thể thử nghiệm ý tưởng nhanh hơn khi phát triển các chủng loại sản phẩm mới. Phần cứng, phần mềm và các dịch vụ trực tuyến được “đóng gói” thành một sản phẩm duy nhất để tạo ra cái mà Microsoft gọi là “trải nghiệm”.

Táo bạo hơn vẫn là HoloLens, một thiết bị AR (tăng cường thực tế ảo) có dạng một màn hình gắn lên đầu (HMD). Nó có khả năng tạo sự giao thoa giữa thực tế với thế giới ảo nhằm phục vụ cho các doanh nghiệp, chẳng hạn bằng cách “chiếu” những bộ phận mới trên một khung sườn xe mô tô để một nhà thiết kế có thể dễ dàng hình dung (thiết bị hiện chỉ dành cho các nhà phát triển).

Microsoft trỗi dậy dưới trướng phù thủy Satya NadellaCác nhà phát triển của Microsoft kỳ vọng HoloLens cũng sẽ là một thiết bị mà trên đó, mọi người sử dụng các dịch vụ AI. Và đây chính là canh bạc đặt cược lớn thứ 3 của Nadella. Vào tháng 9, Microsoft đã thành lập một bộ phận AI mới, kết hợp tất cả những nỗ lực của Tập đoàn trong lĩnh vực này, bao gồm nhóm nghiên cứu cơ bản với hơn 1.000 người và đội ngũ kỹ thuật đứng đằng sau động cơ tìm kiếm Bing.

Mỗi ứng dụng doanh nghiệp sẽ bị “phá bĩnh” bởi AI, theo Harry Shum, người phụ trách bộ phận mới này. Các thuật toán, được sự hỗ trợ của khối lượng dữ liệu khổng lồ, có thể cho một nhân viên bán hàng biết được nên dành thời gian vào đâu là tốt nhất và giúp nhận diện các thương vụ rủi ro. Shum cho biết đây cũng là một lý do lớn tại sao Microsoft lại bỏ ra 26 tỉ USD mua lại LinkedIn, một mạng xã hội chuyên nghiệp có 467 triệu người sử dụng. Thương vụ cũng cho thêm vào lượng dữ liệu mà Microsoft cần để cho ra lò các ứng dụng AI mới.

AI cũng là một mảng đang tăng trưởng của Azure. Trong những tháng gần đây, Microsoft đã ra mắt hàng chục “dịch vụ nhận thức” cho Azure. Một số có thể hiểu được ngôn ngữ và có thể nhận diện được giọng nói, một số khác nhận diện được khuôn mặt và có thể “học” các kiến thức hàn lâm. Ý tưởng của Nadella là giúp cho các doanh nghiệp khác có thể sử dụng những dịch vụ này để làm cho sản phẩm của họ trở nên thông minh hơn.

Rõ ràng, rất dễ ấn tượng bởi những gì Nadella đã đạt được chỉ trong 3 năm. Nhưng không có gì lấy làm chắc chắn rằng các vụ đặt cược vào công nghệ của ông sẽ cho ra trái ngọt. Thành công hay thất bại trong các lĩnh vực mới này dĩ nhiên sẽ tiếp tục được “bệ đỡ” từ “những con bò vắt sữa” Windows và Office. Nhưng chính các mảng này cũng đang đối mặt với rủi ro. Nếu thị trường PC lại diễn biến xấu hơn, tình hình tài chính của Tập đoàn sẽ lâm nguy, theo John DiFucci, chuyên gia của ngân hàng đầu tư Jefferies. Nadella dường như không hề lo ngại về tương lai, ít nhất là khi ông vẫn đang có sự ủng hộ của các nhà đầu tư ủng hộ. Bằng chứng là giá cổ phiếu của Tập đoàn đã tăng gần gấp đôi kể từ khi Nadella trở thành CEO.

Ngô Ngọc Châu / The Economist
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư