Masan rời Núi Pháo, về xây thành đắp lũy 3F
2017 có vẻ như là năm không mấy yên ả đối với doanh nghiệp kinh doanh khoáng sản, trong đó có dự án Núi Pháo của Tập đoàn Masan.
Sau đợt thanh tra cuối năm ngoái của Bộ Tài nguyên Môi trường về tác động môi trường của dự án chưa có kết quả chính thức, thì mới đây, báo Economic Times của Ấn Độ loan báo Masan đang muốn bán lại mỏ Núi Pháo này cho một tập đoàn quốc doanh của nước này là NMDC.
Các thông tin về thương vụ này cho đến nay vẫn còn ít ỏi, mặc dù các quan chức NMDC cho biết họ “đã ký một thỏa thuận với một công ty của Việt Nam về vấn đề mua bán”. Thông tin chưa chốt nhưng việc Masan nhượng lại toàn bộ hay phần lớn mỏ Núi Pháo là tính toán hợp lý, bởi nó không những giúp Masan trút bỏ một gánh nặng bấy lây nay níu kéo đà tăng trưởng, mà còn giúp Masan tập trung trở lại vào lĩnh vực cốt lõi đang bị cạnh tranh dữ dội.
Tính lại bài toán “tiềm năng tỉ USD”
Núi Pháo là một trong những mỏ vonfram (wolfram, còn gọi là tungsten) lớn nhất thế giới, có trữ lượng quặng được ước tính khoảng 66 triệu tấn với giá trị doanh thu có thể lên đến hàng tỉ USD. Núi Pháo được cấp giấy phép khai thác chính thức kể từ năm 2005 với 70% cổ phần thuộc về Tập đoàn Tibron (Canada). Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế khiến dự án gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn huy động. Tibron năm 2007 đã bán lại Núi Pháo cho Dragon Capital nhưng quỹ này cũng không thể đẩy nhanh tiến độ và đến năm 2010, Masan đã nhảy vào thâu tóm toàn bộ dự án.
Tuy nhiên, tương lai của Núi Pháo vẫn chưa thể mở sang một trang sách mới. Được xếp vào nhóm thành phẩm đã qua chế biến sâu để được phép xuất khẩu nhưng diễn biến giá vonfram thế giới tiếp tục chìm sâu, chi phí hoạt động tăng nhanh khiến cho kế hoạch kinh doanh của Masan diễn ra không theo đúng như kỳ vọng. Thực tế, doanh thu năm 2016 của Núi Pháo đã tăng trưởng hơn 52% khi đạt xấp xỉ 4.000 tỉ đồng, nhưng do chi phí giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn nên lợi nhuận ròng chỉ đạt 115,3 tỉ đồng, tương ứng thu nhập trên mỗi cổ phiếu chỉ vỏn vẹn có 153 đồng. Kết quả kinh doanh này ảnh hưởng nhiều tới giá cổ phiếu MSR của Công ty Tài nguyên Masan từ đầu năm 2016 cho đến nay.
Công ty Tài nguyên Masan đạt doanh thu và EBITDA kỷ lục trong quý IV/2016 nhờ năng suất cao và thực hiện kiểm soát chi phí chặt chẽ. Sản lượng trong quý IV/2016, trên cơ sở tương đồng vonfram, vượt 54% so với sản lượng cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, viễn cảnh của ngành công nghiệp vonfram vẫn chưa mấy sáng sủa trong năm nay do lượng hàng tồn kho tại Trung Quốc vẫn còn rất lớn, sức tiêu thụ toàn cầu tiếp tục u ám do hai ngành chủ lực tiêu thụ vonfram chính là thép (tiêu thụ 18% sản lượng vonfram) và ô tô (25%) vẫn đang tăng trưởng rất thấp. Hiện giá mỗi kg vonfram giao dịch trên sàn hàng hóa quốc tế đang dao động ở mức 25 USD/kg, thấp hơn gần 20 USD so với cách đây 2 năm. Ngoài ra, lượng vonfram tái chế được sử dụng ở các nước châu Á được kỳ vọng sẽ tăng từ mức 20% như hiện nay lên 45% trong tương lai (tương tự như các quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ) sẽ góp phần làm giảm nhu cầu đối với kim loại này.
Theo đánh giá của Công ty Tư vấn thị trường Roskill (Anh), với một số mỏ mới bao gồm cả Núi Pháo được đưa vào khai khác, áp lực giảm giá trên thị trường sẽ tiếp tục duy trì đến năm 2018 rồi mới trở lại trạng thái cân bằng. Giai đoạn năm 2013-2018, tốc độ tăng trưởng của nhu cầu vonfram được Roskill dự báo chỉ tăng khiêm tốn 2,6%/năm.
Không chỉ có giá đầu ra thấp mà một rủi ro khác dành cho Núi Pháo là khả năng trữ lượng mỏ không đạt được như kỳ vọng, bởi cho đến nay các tổ chức quốc tế chỉ mới chứng minh được 1/3 trong tổng số 4.600 triệu tấn vonfram được công bố trên toàn cầu là có thật. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán APEC, điều này có thể tạo rủi ro dài hạn cho Công ty do đã tốn rất nhiều tiền đầu tư vào trang thiết bị khai thác.
Hiện Masan Resources đang đối mặt với áp lực cân đối dòng tiền đang rất lớn. Tính đến cuối năm 2016, vốn lưu động ròng của Công ty bị âm gần 1.000 tỉ đồng, tỉ lệ thanh toán ngắn hạn chỉ đạt 0,7 mang đến các rủi ro thanh khoản nếu không tiếp tục được bơm vốn từ tập đoàn mẹ hay các tổ chức tín dụng.
Cuối năm ngoái, cổ đông chiến lược lớn nhất sở hữu 20,04% cổ phần của Masan Resources là Công ty MRC - một quỹ đầu tư được đồng quản lý bởi Tập đoàn Đầu tư Fortress và Mount Kellett - đã nhượng lại toàn bộ lượng cổ phần nắm giữ cho Công ty Tầm Nhìn Masan (một thành viên của Tập đoàn Masan). Ngoài các nhà đầu tư lớn rút vốn ra khỏi Núi Pháo, quỹ đầu tư danh tiếng KKR cũng đã thoán vốn toàn bộ phần vốn đầu tư vào Masan Consumer. Điều đáng chú ý là số tiền mà Masan dùng để mua lại phần vốn của KKR là khoản tiền giải ngân đợt đầu 650 triệu USD của Tập đoàn Singha (Thái Lan) trong thương vụ đình đám M&A trị giá 1,1 tỉ USD giữa đôi bên.
Những khó khăn từ thị trường khai khoáng càng khiến Masan quyết liệt hơn trong chiến lược 3F (feed-farm-food: từ trang trại tới bàn ăn) trên thị trường thực phẩm.
Nhận xét về triển vọng M&A của Núi Pháo, ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc Điều hành của Công ty Chứng khoán HSC, cho rằng có thể Masan sẽ chỉ bán một tỉ lệ nhỏ khoảng 10-20% cho các nhà đầu tư ngoại. Mặc dù vậy, điều này cũng có thể hỗ trợ giải tỏa áp lực tài chính phần nào cho Masan tại “kho báu” này.
Quân bài 3F trong cuộc chơi F&B
Masan đang trải rộng hoạt động trên 3 mảng chính là hàng tiêu dùng, thức ăn chăn nuôi và công ty tài nguyên. Masan còn đang nắm giữ 19,5% cổ phần tại Ngân hàng Techcombank. Trong năm qua, một số mảng hoạt động chủ chốt của Công ty có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Doanh thu mảng cốt lõi F&B tăng trưởng 6,5% trong năm 2016. Đặc biệt, mảng mì gói chứng kiến doanh thu suy giảm đến 11,7% khi chỉ đạt 3.657 tỉ đồng. Trong năm 2015, doanh thu ngành thực phẩm tiện lợi của Masan cũng đi ngang, khiến cho các cổ đông phải nghi ngờ về tham vọng của người nắm giữ thị phần số 2 trên thị trường mì ăn liền.
“Mảng thực phẩm tiện lợi của Masan làm chúng tôi thất vọng. Trong triển vọng các năm tới, quan điểm của chúng tôi với mảng thực phẩm và nước uống (F&B) là trung lập với doanh thu dự kiến chỉ tăng trưởng khoảng 5%”, ông Trần Nhật Trung, nhà phân tích tại Công ty Chứng khoán ACBS nhận định. Ngoài các đối thủ cũ như Acecook, Asia Food, Vifon..., Masan hiện phải đối đầu với các tay chơi mới như Uniben hay Kido giàu tham vọng và dồi dào tiền mặt. Cuộc chiến giành thị phần mì gói còn khốc liệt hơn do thị trường đang rơi vào ngưỡng bão hòa, buộc những doanh nghiệp trong ngành phải tiến hành các cuộc chiến về giá bán và marketing đầy tốn kém.
Tính đến cuối năm 2016, lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền của Công ty lên tới hơn 13.000 tỉ đồng. Nhưng tổng nợ phải trả của Masan cũng tăng mạnh 17,8% lên hơn 52.700 tỉ đồng, tương ứng với tỉ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là 2,6 lần. Không thể phủ nhận Masan có lợi thế lớn khi nhận được sự hậu thuẫn của Techcombank nhưng áp lực chi trả nợ lớn có thể sẽ mang đến những rủi ro tài chính cho Masan. Sức ép từ một số mảng kinh doanh không hiệu quả đã khiến cho mức sinh lợi của toàn Tập đoàn không cao như nhiều nhà đầu tư mong đợi. Trong năm 2016, tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở sữu (ROE) của Masan đã cải thiện hơn khi đạt 11,7%, từ mức 7,02% của năm trước. Nhưng nếu so sánh với con số ROE 41% của một doanh nghiệp thực phẩm khác là Vinamilk, Masan vẫn còn khoảng cách rất xa để đuổi kịp.
Thực tế, điểm sáng trong năm qua của Masan chính nằm ở hai mảng: thức uống và thức ăn chăn nuôi. Trong năm 2016, mảng nước giải khát và bia đã tăng trưởng đến hai con số, đóng góp 11% tổng doanh thu Tập đoàn. Mảng đồ uống của Masan hiện có những thương hiệu nổi tiếng, nhằm trong top đầu của thị trường như Vinacafe Biên Hòa, nước khoáng Vĩnh Hảo, nước khoáng Quảng Ninh, bia Sư Tử Trắng.
Tiềm năng của thị trường đồ uống vẫn còn khá lớn cho Masan khai khác. Điển hình như quy mô thị trường nước khoáng lên đến 40.000 tỉ đồng, thị trường bia có giá trị 153.943 tỉ đồng (năm 2015 - theo EuroMonitor International). Có lẽ nhìn thấy được cơ hội này nên bên cạnh thực hiện các thương vụ sáp nhập trong ngành, mới đây, Masan đã bổ nhiệm ông Lê Trung Thành, Phó Tổng Giám đốc tại Masan Beverage, giữ chức Phó Tổng Giám đốc phụ trách Sáng kiến chiến lược của Tập đoàn. Trước khi gia nhập Masan, ông Thành từng có nhiều năm kinh nghiệm giữ vị trí Tổng Giám đốc của Nutifood, Tổng Giám đốc ICP, hay Giám đốc Marketing của Pepsi Co. Kinh nghiệm dày dạn trong ngành thực phẩm và nước uống của ông Thành được kỳ vọng sẽ mang đến sức bật mới cho Tập đoàn, cũng như để đối phó với các động thái mới của các đối thủ lớn như Nestlé, Trung Nguyên, PesiCo, Coca Cola hay Tân Hiệp Phát.
Bên cạnh mảng thức uống, một trong những mảng được giới đầu tư rất kỳ vọng sẽ nâng tầm Masan trong các năm tới là mảng đạm động vật, gồm có thức ăn chăn nuôi và thực phẩm chế biến. Trong khi mảng thực phẩm (food) rất mạnh thì ở lĩnh vực chăn nuôi (farm), các trang trại của Vissan khá nhỏ, mới đáp ứng được 10% nhu cầu thịt heo. Vì vậy, cuối năm ngoái, Masan đã khai trương trang trại chăn nuôi lợn kỹ thuật cao Masan Nutri-Farm Nghệ An với tổng diện tích trên 223ha, tổng vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng. Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Masan, cho biết trang trại được xây dựng với quy mô 10.000 con heo, và 230.000 con heo thịt/năm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật chăn nuôi VietGA.
Nếu xây dựng hoặc thâu tóm thành công vùng chăn nuôi cho riêng mình, Masan hoàn toàn có thể trở thành đối thủ ngang tầm với C.P Việt Nam. Và tham vọng “viễn tưởng” của Masan đặt ra 15 năm trước có thể được hiện thực hóa: Mỗi gia đình Việt Nam một sản phẩm của Masan.
Chỉ trong năm 2016, chỉ riêng mảng thức ăn chăn nuôi đã tạo ra hơn một nửa tổng doanh thu và mang lại 40% tổng lợi nhuận cho toàn Tập đoàn. Trong năm 2016, Masan chi ra hàng ngàn tỉ đồng để thâu tóm thành công hai doanh nghiệp nổi tiếng trong ngành thực phẩm là Công ty Cổ phần Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) và Thực phẩm Cholimex Food. Động thái này cho thấy Tập đoàn đang có tham vọng rất lớn trong việc hoàn thiện chuỗi giá trị 3F (feed-farm-food) từ trang trại đến bàn ăn, giành lấy cơ hội trên thị trường thịt trị giá 18 tỉ USD vốn vẫn còn dư địa tăng trưởng do nhu cầu ở ăn sạch ở Việt Nam ngày càng tăng mạnh.
Doanh thu của Cholimex Food đạt gần 1.300 tỉ đồng. Trong khi đó ở Vissan, bên cạnh hưởng lợi từ doanh thu lên đến 4.502 tỉ đồng, Masan có thêm cơ hội tiếp cận với 130.000 điểm bán hàng trên toàn quốc của Vissan để mở rộng kênh phân phối, giành thêm thị phần cho các nhãn hàng từ thức uống đến thịt heo của mình. Thương vụ Singha đầu tư 1,1 tỉ USD vào Masan cho thấy tiềm năng của ngành hàng tiêu dùng mà Masan đang có lợi thế. Sản phẩm nước mắm Chin-su Yod Thong đầu tiên đã được tung ra thị trường Thái Lan trong mục tiêu tiếp cận thị trường 65 triệu người tiêu dùng Thái Lan, đồng thời hướng tới thị trường ASEAN nói chung.
Có thể thấy Masan đang rất thành công khi từ một doanh nghiệp B2B (bán cám chăn nuôi cho doanh nghiệp), mở rộng sang B2C (bán sản phẩm đầu cuối cho người tiêu dùng). Qua đó, Masan đang gửi thông điệp muốn định vị không phải là tập đoàn đa ngành mà chỉ chú trọng phát triển trong ngành hàng tiêu dùng. Masan coi Núi Pháo chỉ là đơn vị mang lại dòng tiền vì thực tế ngành khai khoáng mỏ không kiểm soát được về giá như đã phân tích ở trên. Ngân hàng Techcombank đạt mức tăng trưởng cao nhưng đây cũng chỉ là hoạt động tài chính đơn thuần.
Nhưng liệu trong năm nay Masan sẽ tiếp tục chiến thuật lấy mua bán và sáp nhập (M&A) là nền tảng để đẩy mạnh hơn tốc độ phát triển của ngành hàng F&B? “Thách thức chủ yếu cho Masan bây giờ là phải làm sao xây dựng được chuỗi giá trị từ thức ăn chăn nuôi đến mở rộng mạng lưới Vissan ra toàn quốc. Tôi cho rằng cách thức tăng trưởng hữu cơ, không phải là M&A sẽ là chìa khóa hiện nay. Sẽ thật khó để có thực hiện các thương vụ M&A lớn ở mức giá hấp dẫn vào những ngày này do mọi cổ phiếu đang được bán ở mức chênh lệch quá lớn”, ông Fiachra Mac Cana nhận định.
Nguyễn Sơn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư