Bán lẻ thiết bị kỹ thuật số: Cuộc chiến ở nông thôn
Nếu 5, 7 năm trước, các nhà bán lẻ thiết bị kỹ thuật số còn e ngại khi nói về chiến lược “tiến về nông thôn” thì nay, đó là “con đường sống và phát triển” của họ.
Cùng được thiết kế không gian theo chuẩn mực riêng nhưng tùy theo chiến lược kinh doanh mà số lượng cửa hàng vệ tinh ở các tỉnh của từng nhà bán lẻ có khác nhau. Cho dù doanh thu chưa cao bằng các cửa hàng ở các đô thị lớn, việc các cửa hàng của các nhà bán lẻ xuất hiện đã thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân nông thôn và “gây khó dễ” cho các cửa hàng bán lẻ tại đây.
Tỉnh nào cũng có
Các nhà bán lẻ lớn như Thế Giới Di Dộng, FPT Shop, Viễn Thông A, Viettel Store… dường như đã hiện diện tại 63 tỉnh thành, ít nhất là một cửa hàng, còn nhiều thì đã trên chục.
Dẫn đầu về số cửa hàng ở các địa phương là Thế Giới Di Động với 2 chuỗi bán lẻ là Điện máy Xanh và Thegioididong.com. Nhà bán lẻ này cho biết rằng hiện Thegioididong.com có khoảng 800 cửa hàng ở các tỉnh trong tổng số gần 1.300 cửa hàng của hệ thống, còn Điện máy Xanh đã có 230 siêu thị ở các tỉnh trong tổng số 307 siêu thị.
Thế Giới Di Động cũng là nhà bán lẻ đầu tiên từ phía nam đã mở rộng hệ thống bán lẻ Điện máy Xanh đến tận các tỉnh biên giới phía bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu… và ra tới đảo Phú Quốc.
Chỉ đứng sau Thế Giới Di Động, tính đến giữa tháng 3, FPT Shop đã mở 257 cửa hàng tại 58 tỉnh với trong tổng số hơn 400 cửa hàng của họ. Bà Nguyễn Bạch Điệp – TGĐ FPT Shop cho hay trong năm 2017, công ty này sẽ mở thêm 100 cửa hàng mới, chủ yếu là tại các tỉnh.
Trong các chuỗi bán lẻ thiết bị kỹ thuật số, Viễn Thông A là nhà bán lẻ đầu tiên có chiến lược “tiến về nông thôn” (ngay từ năm 2006) nhưng vì sức lực có hạn nên tỏ ra khá chậm trong việc phát triển chuỗi ở các tỉnh, đang chịu đi sau Thế Giới Di Động và FPT Shop.
Hiện nhà bán lẻ này có khoảng 170 cửa hàng (trong tổng số 233 cửa hàng) ở hầu hết các tỉnh, mỗi tỉnh ít nhất một cửa hàng, riêng Bình Dương có đến 13 cửa hàng vì gần TP.HCM, dễ dàng giao nhận hàng, mặt khác mật độ dân cư cũng cao. Cá biệt có Gia Lai, được Viễn Thông A dành cho những 4 cửa hàng, trong đó có một cửa hàng nằm ở huyện Chư Sê.
Ngày 3/5/2006, Viettel khai trương siêu thị bán lẻ điện thoại đầu tiên tại Ngọc Khánh (Hà Nội). Đầu tháng 11 năm ấy, Tập đoàn Viettel chính thức khai trương hệ thống bán lẻ với danh xưng: Viettel Store.
Sau hơn chục năm tham gia thị trường bán lẻ thiết bị kỹ thuật số, hiện nay Viettel Store có 308 siêu thị trên toàn quốc, tạo được thế cạnh tranh mạnh tại thị trường các tỉnh, cho dù những tỉnh như Bạc Liêu, Trà Vinh, Gia Lai, Kon Tum chỉ có từ 1 - 3 siêu thị.
Tính đến tháng 1 năm nay, MobiFone có 97 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Trừ vài chục cửa hàng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ…, phần còn lại nằm ở các tỉnh, mỗi tỉnh có từ 1 - 2 cửa hàng, riêng tại Bến Tre, Đồng Tháp và Bình Dương thì đều có đến 6 cửa hàng.
Bên cạnh việc bán lẻ điện thoại, phụ kiện, loa…, các cửa hàng của MobiFone còn thực hiện các dịch vụ chăm sóc, tư vấn cho khách hàng và đó chính là thế mạnh riêng của họ.
Ngày 19/10/2015, tại TP.HCM, nhân sự kiện khai trương cửa hàng bán lẻ ở 80 Nguyễn Du, quận 1, lãnh đạo MobiFone cho biết, trong năm 2016, sẽ có 100 cửa hàng của MobiFone xuất hiện trên thị trường. Nhà mạng này đã thực hiện được điều đó nhưng chưa biết hiệu quả kinh doanh của hệ thống bán lẻ ấy ra sao.
Tiến về nông thôn là đúng!
Bà Bạch Điệp khẳng định như vậy khi nói về những đóng góp của các cửa hàng ở các địa phương vào doanh thu của toàn hệ thống. Không tiết lộ về tỷ lệ nhưng bà Điệp cho biết rằng doanh thu bình quân hằng tháng của mỗi cửa hàng ở tỉnh khoảng 2,5 tỷ đồng. “Dù doanh thu thấp nhưng các cửa hàng ở tỉnh lại hiệu quả hơn các cửa hàng ở các thành phố lớn”, bà Điệp nhận định.
Theo bà, giá thuê mặt bằng ở tỉnh thấp hơn các thành phố lớn, trong khi đó nhu cầu mua sắm sản phẩm giá tầm trung của người dân ngày một tăng, khách hàng lại không quá đòi hỏi về những dịch vụ cao cấp nên lợi nhuận của chuỗi cửa hàng ở tỉnh cao hơn.
Hiện tính bình quân, FPT Shop có 4,43 cửa hàng tại mỗi tỉnh nhưng với họ, như thế là chưa đủ. Sắp tới, FPT Shop sẽ còn mở chuỗi cửa hàng ở các tuyến huyện và nâng cấp chất lượng dịch vụ, bảo hành, thực hiện các chương trình khuyến mại tương tự các cửa hàng ở đô thị lớn.
Hiện nay, Thế Giới Di Động đang dẫn đầu số lượng và tỷ lệ cửa hàng ở các tỉnh: Bình quân mỗi tỉnh có 13,4 cửa hàng thuộc chuỗi Thegioididong.com và 3,97 siêu thị thuộc chuỗi Điện máy Xanh. Doanh thu của mỗi cửa hàng thuộc nhóm Thegioididong.com là 3,7 tỷ đồng/tháng, còn của mỗi siêu thị thuộc chuỗi Điện máy Xanh là 10,9 tỷ đồng/tháng. Năm nay, nhà bán lẻ này sẽ mở thêm 100 cửa hàng thuộc Thegioididong.com và khoảng 450 - 600 siêu thị thuộc chuỗi Điện máy Xanh, chủ yếu tại các tỉnh.
Dù còn non so với các kênh bán lẻ chuyên nghiệp nhưng những ông chủ của MobiFone cũng đã nhìn ra thế mạnh của bán lẻ. Giữa năm ngoái, MobiFone "không thể tin nổi" chuyện một cửa hàng bán lẻ thiết bị đầu cuối và phụ kiện tại 69 Hùng Vương (TP. Pleiku, Gia Lai) đạt doanh thu tới 650 triệu đồng (chưa kể doanh thu về thẻ và các dịch vụ viễn thông khác).
Tuy nhiên, với vị trí là một nhà mạng lớn, MobiFone cần phối hợp linh hoạt giữa hoạt động bán lẻ sản phẩm và các dịch vụ di động như các nhà mạng lớn trên thế giới (Vodafone, AT&T…) đã và đang làm thì mới tạo được lợi thế trong cuộc cạnh tranh với các nhà bán lẻ chuyên nghiệp.
Có nhiều ý kiến cho rằng tại thị trường bán lẻ Việt Nam, Viettel Store có vẻ “nhàn nhã” nhất vì không chịu nhiều áp lực về doanh thu và lợi nhuận, nhưng trên thực tế, theo lời một vị phó phòng kinh doanh của Viettel Store khu vực TP.HCM, hoạt động bán lẻ của Viettel Store vẫn chịu nhiều sức ép từ tập đoàn, thị trường và người tiêu dùng.
Theo một nguồn tin, doanh thu bán lẻ của Viettel Store năm 2015 là 19.146,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 265,13 tỷ đồng; doanh thu năm 2016 ước chừng 25.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 300 tỷ đồng. Dù chưa phải là nguồn thu chính của Viettel nhưng con số trên không hề nhỏ trong hoạt động bán lẻ.
Không khí cạnh tranh đã lan dần từ các đô thị lớn về các tỉnh. Các chuỗi bán lẻ lớn vì thế cũng thường xuyên “đụng chạm” nhau ở nông thôn. Chẳng hạn ở Châu Thành và Cai Lậy (Tiền Giang), FPT Shop, Thế Giới Di Động và Viettel Store “chạm mặt nhau, tựa vai nhau” để sống đã từ nhiều năm nay.
Khi các chuỗi bán lẻ lớn tăng cường sự hiện diện tại cấp tỉnh, cấp huyện thì các cửa hàng nhỏ, đơn lẻ sẽ phải sống thoi thóp hoặc biến mất, nhưng người tiêu dùng được lợi nhiều hơn, từ cung cách phục vụ, giá cả, chất lượng sản phẩm đến những chương trình khuyến mại…
Cuộc cạnh tranh ở các vùng nông thôn, kể cả những vùng sâu, vùng xa đang đến hồi căng thẳng, có thể nói là “một mất một còn”.
Minh Tú
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn