CEO Grab Việt Nam Nguyễn Tuấn Anh: Làm không tốt thị trường sẽ đào thải, không cần ai can thiệp!
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng việc Đà Nẵng đề nghị chưa triển khai ứng dụng Grab ở thành phố có thể xuất phát từ hiểu lầm. Tuy nhiên, ông tin tưởng rằng khách hàng vẫn là người được lựa chọn.
Năm 2015, GrabTaxi trở thành doanh nghiệp đầu tiên được Bộ Giao thông Vận tải cho phép triển khai thí điểm công nghệ kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.
Tuy nhiên, mới đây UBND TP. Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải chưa thí điểm triển khai ứng dụng GrabCar tại thành phố này với một loạt lý do.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc Grab Việt Nam cho biết vẫn đang tiếp tục làm việc với Bộ Giao thông vận tải, Đà Nẵng về vấn đề này.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng đây có thể chỉ là những hiểu lầm. Tuy nhiên, ông tin tưởng rằng khách hàng vẫn là người được quyết định, lựa chọn.
CEO Gab Việt Nam nói:
"Nếu chúng tôi đưa ra mức giá quá cao hay làm không tốt thì thị trường sẽ tự đào thải không cần ai can thiệp.
Riêng về vấn đề thuế, công ty Grab Việt Nam là doanh nghiệp Việt Nam và chúng tôi khẳng định luôn đóng thuế đầy đủ. Chúng tôi đã được Chi cục thuế quận 10 tuyên dương về việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế.
Còn vấn đề Đà Nẵng sợ kẹt xe. Tôi cho rằng nếu xe rỗng mà chúng tôi vẫn chạy thì đúng là như thế. Nhưng xe mà có khách chứng tỏ người dân có nhu cầu. Nếu ông ép người ta không đi Grab thì người ta cũng sẽ đi xe khác thôi.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã có giải pháp đó giảm ùn tắc đó là bạn có thể chia sẻ xe với người lạ. Nhờ ứng dụng này, giá sẽ rẻ hơn đi rất nhiều vì đi chung. Có thể trong vài tháng tới chúng tôi sẽ triển khai ứng dụng này."
* Ngoài vấn đề như trường hợp ở Đà Nẵng, Grab còn phải đối diện với vấn đề mâu thuẫn giữa các tài xế GrabBike với xe ôm truyền thống?
Lượng xe ôm truyền thống chính là lực lượng tham gia GrabBike đầu tiên. Không phải ai cũng ghét chúng tôi. Có những tài xế tham gia với Grab thấy ổn định hơn, nhiều khách hơn. Nhưng nếu làm việc bên mình thì phải chạy mười mấy chuyến một ngày. Còn ở bến xe các xe ôm chỉ cần chạy một, hai chuyện thôi những vẫn ổn vì giá họ đưa ra rất đắt.
Khó khăn nhất là làm sao để mình tốt hơn ngày hôm qua. Vì thị trường luôn thay đổi, con người cũng luôn phải thay đổi.
Chúng tôi luôn muốn làm việc với các bác xe ôm truyền thống để giải quyết mâu thuẫn. Nhưng có một vấn đề chúng tôi kiên quyết không bao giờ chấp nhận đó là bạo lực. Có bạo lực xảy ra là chúng tôi sẽ làm việc với chính quyền, công an để bảo vệ tài xế và khách hàng.
* Điều hành Grab Việt Nam, đến lúc này ông thấy khó khăn nhất là gì? Làm việc với cơ quan quản lý hay xử lý các mâu thuẫn?
Thực ra tất cả những cái đó khi bắt đầu làm tôi đã dự đoán trước được rồi. Làm việc với chính quyền Viêt Nam không quá phức tạp như mọi người nghĩ. Tất nhiên khi bắt đầu thay đổi một ngành nào đó chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, mâu thuẫn. Nhưng đối với tôi những vấn đề như vậy không phải là khó khăn nhất. Khó khăn nhất là làm sao để mình tốt hơn ngày hôm qua. Vì thị trường luôn thay đổi, con người cũng luôn phải thay đổi.
* Ông đang đề cập đến vấn đề về vai trò của văn hoá đổi mới sáng tạo trong việc sống còn của doanh nghiệp?
Nghe văn hoá sáng tạo nó có vẻ gì đó to lớn, như kiểu mình ngồi nghĩ ra một vài ý tưởng để doanh nghiệp có cái gọi là đổi mới sáng tạo. Không phải vậy.
Đổi mới sáng tạo không phải chỉ là một vài câu chuyện đem đi kể mà phải làm sao để nó diễn ra từng ngày từng giờ chứ không phải chỉ một hai lần. Đối với tôi, thành công đến từ nhiều sáng tạo nhỏ. Rồi từ những nhỏ bùng lên thành công lớn. Nguyên cả một năm chỉ chăm chăm vào một cái gọi là sáng tạo thì rất nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của công ty.
Tất cả mọi người từ cấp CEO đến nhân viên làm sao lúc nào cũng phải tự nghĩ cái mình đang làm phải làm để tốt hơn mình ngày hôm qua, tốt hơn đối thủ, tốt nhất thị trường.
Đối với tôi, thành công đến từ nhiều sáng tạo nhỏ. Rồi từ những nhỏ bùng lên thành công lớn.
Mỗi ngày vận hành đều rất nhiều thứ lặt vặt. CEO không thể biết những cái đó. Chỉ có các bạn nhân viên mới biết là mình phải làm như thế nào để khiến đối tác, khách hàng dễ chịu hơn.
Có một khái niệm sai lầm là một số công ty lập ra cả một ban đổi mới sáng tạo. Sau đó chỉ có một vài người ngồi nghĩ ra những thứ gọi đổi mới sáng tạo. Nhưng vấn đề là họ không nắm được hết công việc các bộ phận và không có quyền can thiệp vào mọi phòng ban. Khi các ông này đẻ ra ý tưởng trên trời thì người khác sẽ không ai chịu làm theo. Ý tưởng đưa ra mà không có sự đồng thuận thì không thể thành công.
Nhưng nếu các ý tưởng đến từ chính bản thân các nhân viên thì họ sẽ làm rất nhiệt tình. Họ hiểu rằng tất cả những gì họ nghĩ ra họ sẽ được làm, được tự do sáng tạo. Họ nghĩ mình có quyền lực. Được quyền thử và sai. Đối với tôi, sai không sao hết, chúng tôi chấp nhận thất bại. Miễn sao sau khi thất bại quay lại làm cái mới tốt hơn.
* Xin chân thành cám ơn ông về cuộc chia sẻ này!
N. Mạnh
Nguồn BizLive