Hàng Việt “tắc nghẽn” đường vào siêu thị ngoại

Hệ thống siêu thị ngoại đang phát triển mạnh và đã thành nơi mua sắm quen thuộc của người dân TP. Hồ Chí Minh, nhưng các doanh nghiệp Việt vẫn không dễ chen chân vào hệ thống này.

Rào cản... chiết khấu cao

Theo bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc CTCP Sài Gòn Food, thời gian qua, nhiều hệ thống siêu thị trong nước bị các nhà đầu tư ngoại thâu tóm đã gây bất ổn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn đưa hàng vào hệ thống này cũng khó bởi các siêu thị ngoại đòi mức chiết khấu rất cao và liên tục gia tăng chiết khấu qua từng năm, khiến doanh nghiệp khó lòng trụ nổi trong kênh phân phối này.

Mới đây nhất, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) đã phải đấu tranh với Big C, yêu cầu siêu thị này không tăng chiết khấu lên nữa. Bởi với mức chiết khấu trung bình 17 – 20%, thậm chí 25% vào siêu thị này khiến doanh nghiệp phải chịu lỗ với hàng loạt các loại phí như: phí trưng bày, mở mã, quầy kệ, marketing, thưởng doanh số, hỗ trợ các hoạt động khuyến mại, khai trương, sinh nhật siêu thị… Vô hình trung, siêu thị buộc doanh nghiệp phải tăng giá bán, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chịu thiệt hại là khó bán được hàng và khó lòng cạnh tranh với các doanh nghiệp khác cùng ngành vì giá cả hàng hóa bị đẩy lên ca

Hàng Việt “tắc nghẽn” đường vào siêu thị ngoại

Hàng hóa tại các cửa hàng mini, siêu thị ngày càng được người dân lựa chọn. Ảnh CTV.

“Chiết khấu cao như vậy khiến doanh nghiệp Việt phải tìm lợi nhuận ở các kênh phân phối khác trong nước, đồng thời phải chấp nhận không có lãi, thậm chí chịu lỗ ở siêu thị ngoại. Việc này ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người tiêu dùng và còn tạo điều kiện để các siêu thị ngoại giảm giá hàng hóa cạnh tranh với các siêu thị trong nước. Do đó, nếu không phát triển hệ thống siêu thị nội thì doanh nghiệp Việt bị ảnh hưởng rất lớn”, bà Lâm phân trần.

“Doanh nghiệp chỉ có thể có lãi khi phân phối ở các siêu thị nội với mức chiết khấu hợp lý dưới 10%. Còn tốt hơn nữa thì như hệ thống siêu thị Vingroup giảm đến 50% chiết khấu cho doanh nghiệp Việt và miễn phí vận chuyển. Nếu có thêm nhiều siêu thị nội thì doanh nghiệp chúng tôi đỡ khổ”, một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh bày tỏ.

Xây dựng chuỗi liên kết

Hiện nay các siêu thị ngoại đang chiếm thị phần lớn ở nước ta. Theo đó, năm 2015, thị phần khối ngoại đã chiếm đến hơn 58%, còn khối khối nội chỉ còn hơn 40%. Dự báo đến năm 2020, ngành bán lẻ hiện đại của khối ngoại sẽ đạt 187.000 tỷ đồng doanh thu, còn khối nội thì vào khoảng 71.400 tỷ đồng, tương ứng với thị phần 72,4 % và 27,6%.

Hàng loạt các siêu thị lớn như: Lotte Mart, Aeon, Big C, Citi Mart… đang ngày càng trở nên quen thuộc với người tiêu dùng, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Do đó, các siêu thị ngoại thực sự có vai trò quan trọng trong kênh phân phối nội địa và tạo ra được sức ép đối với các doanh nghiệp sản xuất Việt muốn phân phối hàng hóa vào hệ thống của họ.

Ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Sài Gòn Co.op cho biết, nguyên nhân giúp các nhà bán lẻ ngoại phát triển một cách mạnh mẽ là khi các tập đoàn bán lẻ lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan… khi đến đầu tư vào nước ta bao giờ họ cũng mang theo một “binh đoàn” các nhà cung cấp, tạo thành một chuỗi hoạt động thống nhất, hoàn chỉnh.

Hàng Việt “tắc nghẽn” đường vào siêu thị ngoại

Doanh nghiệp Việt vào siêu thị Việt được hưởng nhiều lợi ích. Ảnh CTV.

Các doanh nghiệp này đồng hành, chia sẻ với nhau về tầm nhìn dài hạn và có chiến thuật phát triển rõ ràng, từng bước chiếm lĩnh thị phần. Không những vậy, họ còn san sẻ về trách nhiệm, chi phí thâm nhập thị trường, marketing... Như việc họ sẵn sàng bán hàng giảm giá đến hơn 40% trong giai đoạn đầu nhưng chi phí đó không phải chỉ một doanh nghiệp đứng ra chịu hết mà sẽ được chia sẻ cho tất cả các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng để cùng nhau phát triển.

Đây là điều mà các chuyên gia đánh giá cộng đồng doanh nghiệp Việt hiện nay chưa làm được. Như việc các nhà bán lẻ nước ngoài tính chiết khấu cho doanh nghiệp Việt lên đến 30% nhưng doanh nghiệp vẫn đồng ý chỉ để bán được hàng thì vô hình trung đã tạo ra sự cạnh tranh nội bộ.

Do đó, theo ông Dũng, muốn đẩy mạnh phát triển kênh bán lẻ trong nước, trước hết cần xây dựng văn hóa liên kết, chia sẻ trong cộng đồng doanh nghiệp Việt, kèm theo đó là việc liên tục cải tiến công nghệ, đổi mới sản phẩm, chuẩn hóa các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, hệ thống quản trị… để xây dựng chuỗi cung ứng riêng của doanh nghiệp Việt, cũng như tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng hiện đại của các nhà bán lẻ nước ngoài.

Ông Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện cán bộ TP. Hồ Chí Minh, cho rằng Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển hệ thống bán lẻ của Việt Nam bởi chúng ta làm chủ được kênh phân phối mới giải quyết được bài toán của doanh nghiệp Việt. Nếu để hệ thống phân phối vào tay các doanh nghiệp nước ngoài thì các doanh nghiệp Việt muốn đẩy hàng vào hệ thống phân phối này sẽ rất vất vả. Việc này cũng gây ra nhiều hệ lụy đối với nền sản xuất nội địa.

Hoàng Tuyết
Nguồn Báo Tin Tức