Cuộc "đại chiến" giữa New York Times và Washington Post

Sự châm biếm giữa Dean Baquet, Tổng biên tập tờ New York Times, và Marty Baron, ông chủ Washington Post, cho thấy một cuộc cạnh tranh nghiêm túc đang trên đà bùng nổ giữa hai tờ báo có tầm ảnh hưởng lớn nhất và có nguồn lực dồi dào nhất nước Mỹ.

Tại cuộc phỏng vấn trong khuôn khổ sự kiện South by Southwest vào Chủ nhật vừa qua, một khán giả đã hỏi suy nghĩ của Baquet về khẩu hiệu mới của tờ Washington Post: “Democracy Dies in Darkness” (tạm dịch: Nền dân chủ chết trong bóng tối).

“Tôi yêu sự cạnh tranh của chúng tôi với tờ Washington Post”, Baquet nói. “Tôi nghĩ nó thật tuyệt. Nhưng tôi nghĩ khẩu hiệu của họ - Marty Baron, xin hãy tha thứ cho tôi vì đã nói thế này, nghe như tên bộ phim tiếp theo về Người Dơi vậy."

Khi được Brian Stelter của CNN phỏng vấn về một lời đáp trả, Baron đã nói: “Không cần lời xin lỗi nào từ người dân Gotham."

Dù có vẻ nhẹ nhàng, sự hục hặc này ẩn giấu một cuộc cạnh tranh nghiêm túc đang trên đà bùng nổ giữa hai tờ báo có tầm ảnh hưởng lớn nhất và có nguồn lực dồi dào nhất nước Mỹ.

Trong những ngày đầu của Chính quyền Trump, tờ New York Times và tờ Washington Post đã có mặt ở tuyến đầu để đưa tin về những câu chuyện quan trọng nhất (cùng với sự cạnh tranh đáng gờm từ phía các đồng nghiệp ngành truyền hình của họ ở CNN).

Cuộc đại chiến giữa New York Times và Washington Post

Trụ sở Washington Post. Nguồn: poynter.org.

Khi cả hai tờ báo không ngừng đăng tải những tin tức chất lượng và thu hút thêm các độc giả trả tiền, người Mỹ nhận ra rằng họ đang được chứng kiến một hiện tượng hiếm có trong thời đại mà tính hợp thời của báo in được cho là đang ngày một giảm: đó là một cuộc chiến báo chí theo kiểu cũ.

Trong khi các học giả đang vỗ tay tán thưởng bài phát biểu của Tổng thống Trump vào đầu tháng này, tờ Post và tờ Times đang bận khai thác các tin tức cạnh tranh với nhau, theo những gì Margaret Sullivan của tờ Washington Post đã lưu ý.

Đầu tiên, tờ New York Times đăng một tin nói rằng Chính quyền Barack Obama đã phải vất vả để lưu giữ các thông tin tình báo liên quan tới các hành động tấn công mạng của Nga trong những ngày cuối của nhiệm kỳ Obama. Khoảng một giờ sau, tờ Washington Post đã ra mắt một bài báo đưa tin về việc Bộ trưởng Bộ Tư pháp Jeff Sessions đã gặp mặt đại sứ Nga ở Mỹ hai lần.

Cả hai tin tức này đã duy trì được vị trí của mình ở phần điểm tin trong thời gian các Hạ nghị sỹ đắc cử và cánh nhà báo đang đặt câu hỏi về những mối liên hệ giữa Chính quyền Trump và Nga.

Cuộc chiến giành uy thế này đã làm thay đổi bộ mặt các bài báo hàng ngày và đang làm nảy sinh các ý tưởng đầy sáng tạo, giúp cả hai tờ báo tiến bộ. Chẳng hạn, sau khi tờ New York Times ra mắt trang mẹo vặt của họ, tờ Washington Post và một loạt các đối thủ cạnh tranh khác cũng làm theo.

Cuộc đại chiến giữa New York Times và Washington Post

Trụ sở The New York Times. Nguồn: businessinsider.com.

Cả hai tờ báo cũng đang dồn nhiều tâm sức hơn để đưa tin về Nhà Trắng. Tờ Washington Post và New York Times đã củng cố hoạt động báo chí điều tra của mình: tờ Washington Post đã bố trí một đội điều tra phản ứng nhanh và tờ New York Times chiêu mộ Michael LaForgia, tay bút giành giải Pulitzer cùng Ellen Gabler, người thắng giải Livingston từ các tờ báo khu vực.

Ngoài đưa tin điều tra, cả hai tờ báo cũng đang sáng tạo ra các cách mới để đưa tin về ​Tổng thống Trump. Trong đó, tờ Washington Post dùng cách ra mắt một kênh podcast dành riêng cho việc xem xét các giới hạn về quyền của Tổng thống Trump và điều chỉnh lại nhịp điệu của mình, còn tờ New York Times đã đổ 5 triệu USD vào việc xem xét tác động của Nhà Trắng của ông Trump tới thế giới.

Hai tờ báo cũng đang đóng vai trò chủ động hơn trong việc quản lý hình ảnh công cộng của họ. Đối mặt với một vị tổng thống muốn kiềm chế họ chặt chẽ hơn chút nữa mỗi khi có cơ hội, Washington Post và New York Times đều đã có các bước đi nhằm nhấn mạnh vai trò của họ như những người “mang lại ánh sáng” - tờ Post đưa ra khẩu hiệu mới, còn tờ Times ra mắt một chiến dịch thương hiệu trước thềm Oscar (đoạn quảng cáo “Truth”).

Cuộc chiến giành uy thế đã làm thay đổi bộ mặt các bài báo hàng ngày và đang làm nảy sinh các ý tưởng đầy sáng tạo, giúp cả hai tờ báo tiến bộ.

Không tờ báo nào có thể vượt lên trên tờ còn lại trong thời gian sắp tới, nhưng dù gì đi nữa, độc giả cũng có lợi. Washington Post và New York Times có thể đang kèn cựa nhau, nhưng họ đã được chào đón bằng những cánh tay rộng mở của một loạt những người gây rò rỉ thông tin trong chính phủ liên bang, những người luôn muốn tìm đến phóng viên cùng chí hướng gần nhất với họ. Điều này đồng nghĩa với nhiều câu chuyện mang tính khai phá hơn cho tất cả mọi người, dù là bên nào nhấn nút đăng tin trước đi chăng nữa.

Bằng nhiều cách, những ngày đầu của nhiệm kỳ Tổng thống Trump chỉ làm sâu sắc thêm một cuộc cạnh tranh đã và đang nóng lên trong ba năm trở lại đây. Theo lời nhận xét của David Carr vào năm 2014, việc tờ Washington Post bổ nhiệm Marty Baron vào vị trí cao nhất vào năm 2013 và tiếp sau đó được Jeff Bezos mua lại đã cho tờ báo tham vọng xuất bản và ngân sách cần thiết để biến nó thành một tổ chức tin tức đẳng cấp thế giới.

Nhưng không giống như những năm trước đó, khi các tờ báo đối thủ vẫn đang tập trung so sánh quy mô độc giả của họ, cả tờ Post lẫn tờ Times đều không tranh giành ưu thế về số điểm comScore. Cả hai đều hướng tai mắt về một Nhà Trắng đã và đang đem lại nhiều đích ngắm cho các nhà báo điều tra trong những tuần gần đây.

​Bất chấp tuyên bố của ông Trump rằng tờ New York Times đang “xuống dốc," và tờ Washington Post đang mất đi “một gia tài," cả hai tờ báo đều có đủ nguồn lực tài chính để tiếp tục xuất bản các sản phẩm báo chí mang tính phản biện trong 4 đến 8 năm tiếp theo. Và điều này tốt cho tất cả.

My Nguyễn
Nguồn VietnamPlus