Thị trường taxi đón thêm đối thủ mới từ nhà đầu tư "khủng"

UBND TP Hà Nội đang dự kiến đưa xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi gồm Uber, Grab và một số đơn vị thí điểm khác vào quản lý và điều tiết giao thông như taxi truyền thống.

Theo đó, loại xe này sẽ phải có phù hiệu cơ quan quản lý cấp mới được hoạt động. Hiệp hội Taxi TPHCM cũng nhận định, các xe chạy Uber, Grab đang đe dọa tới sự tồn tại của các hãng taxi, gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Sau những kiến nghị về thu thuế Uber và Grab, chắc chắn hai loại hình dịch vụ này sẽ được quản lý chặt chẽ hơn cũng như xu hướng trên thế giới.

Nếu bị quản lý chặt chẽ hơn và hoạt động như một hãng taxi bình thường, lợi thế về giá cước sẽ không còn đối với ứng dụng gọi xe bằng ứng dụng điện thoại thông minh.

Đây là cơ hội để các hãng taxi truyền thống như Mai Linh, Vinasun tập trung phát triển phần mềm ứng dụng gọi xe bằng smartphone để cạnh tranh tốt hơn.

Thị trường taxi đón thêm đối thủ mới từ nhà đầu tư khủng

Ông Trần Thanh Nam (phải) và ông Mai Vũ Minh (đại diện nhà đầu tư từ Đức).

Thực tế, ngoài ứng dụng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn GrabTaxi (Đề án thí điểm GrabCar) được phê duyệt đầu tiên, hiện có 4 ứng dụng kết nối hành khách với lái xe của các hãng taxi được phép hoạt động thí điểm là Công ty CP Ánh Dương (Đề án thí điểm V-Car), Công ty CP Vận tải 57 Hà Nội (Đề án thí điểm Thanh Cong Car), Công ty Sun Taxi (S.Car) và gần đây nhất là ứng dụng của Công ty CP Phát triển thương mại và du lịch quốc tế Ngôi Sao (Vic Car).

Cuộc đấu này vẫn thu hút nhiều cái tên khác như Go-ixe, iMove đang cạnh tranh trực tiếp với Uber bằng hình thức miễn phí hoa hồng cho người chạy taxi.

Đáng chú ý là sự nổi tiếng bất ngờ của Facecar với thông tin nhận được khoản đầu tư có thể lên tới 1 tỉ USD. Đây là ứng dụng đặt xe của người Việt Nam phát triển, xuất hiện vào khoảng đầu tháng 6​/2016, bắt đầu có những bước thăng tiến mạnh trên kho ứng dụng kể từ khoảng tháng 12​/2016.

Theo App Annie xếp hạng ngày 4​/3/2017, FaceCar chỉ xếp sau Grab và Uber đối với mảng ứng dụng đặt xe. Theo ông Trần Thanh Nam, nhà sáng lập ứng dụng FaceCar, đến nay, ứng dụng này đã cung cấp dịch vụ tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM, Vinh và Cần Thơ.

Thống kê của Facecar cho thấy, tính đến ngày 7/3, lượt tải từ người sử dụng lên tới gần 65.000 lượt trên cả 2 phiên bản hệ điều hành IOS và Aldrois. Đối với lượt tải cho tài xế khoảng 25.000 lượt và có 3.000 xe tham gia mạng lưới Facecar. Đây là một tín hiệu cho thấy FaceCar có tiềm năng lớn để thu hút người dùng Việt Nam ở mảng đặt xe qua smartphone.

Có thể thấy, để cạnh tranh với Uber và Grab, Vinasun cũng đầu tư phần mềm để khách gọi xe nhưng chưa thành công. Bởi vì Uber và Grab là những công ty phần mềm trung gian, tập trung đầu tư công nghệ nên có lợi thế lớn về công nghệ. Trong khi Vinasun, Mai Linh và các hãng taxi truyền thống khó có lợi thế trong cuộc chạy đua này.

Thị trường taxi đón thêm đối thủ mới từ nhà đầu tư khủng

Vì thế, những ứng dụng do các công ty công nghệ đầu tư như Facecar nếu có ý tưởng tốt sẽ có tiềm năng để thu hút lượng người dùng lớn nếu có chiến lược phát triển bài bản, đặc biệt có thể tạo ra sự thay đổi lớn trong cuộc đối đầu với Uber hay Grab.

Chẳng hạn, FaceCar có những điểm khác biệt để tạo lợi thế riêng như khách đi xe có thể thỏa thuận giá trực tiếp với tài xế, hay tài xế được khuyến khích khi không bị thu phí cao như các ứng dụng cùng loại.

Ngoài FaceCar thì trên kho ứng dụng người dùng còn có thể tìm ứng dụng FaceCar Station dành cho các nhà hàng, khách sạn đặt xe cho nhiều khách hàng cùng một lúc và hưởng hoa hồng theo mỗi chuyến đi…

Lợi thế của các ứng dụng trong nước là được quản lý chặt chẽ, lợi nhuận được giữ tại Việt Nam. Điều này tạo cơ sở pháp lý để các ứng dụng như Facecar hay iMove phát triển ổn định.

Tất nhiên, vấn đề cạnh tranh với Uber hay Grab không chỉ nằm trong ứng dụng gọi xe mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác gồm giá, chất lượng xe và dịch vụ. Nhưng sự xuất hiện của những yếu tố mới góp phần khiến cho thị trường taxi ngày càng sôi động hơn.

Nguồn VietnamPlus